10 điều quan trọng trong thai kỳ có thể bạn chưa biết

Đan San - Ngày 01/04/2024 15:00 PM (GMT+7)

Đầu óc thì lơ đễnh, giày thì tăng số, lại còn sự thôi thúc dọn dẹp trang hoàng tổ ấm? Bạn đã biết khi mang thai chúng ta có thể thay đổi đến cỡ nào chưa?

Dưới đây là một vài triệu chứng khá phổ biến nhưng lại ít được mọi người đề cập đến khi mang thai – được cung cấp bởi bác sĩ sản phụ khoa Peter Klemin, hiện đang làm việc tại Khoa Sản phụ bệnh viện Sanford, Bắc Dakota, Mỹ.

1. Bản năng “làm tổ”

Không ít chị em trải nghiệm cảm giác này khi mang thai: Bạn có cảm giác thôi thúc chuẩn bị tổ ấm của mình để chào đón em bé. Bạn muốn sửa phòng, trang trí lại nhà cửa, dọn dẹp kĩ càng sạch sẽ hơn bao giờ hết. Sự thôi thúc này có thể mang đến nhiều lợi ích, nó sẽ giúp bạn có thêm thời gian để hồi phục và nuôi dưỡng con sau khi sinh. Tuy nhiên hãy cân nhắc sức khỏe của bản thân và đừng làm việc quá sức nhé!

2. Giảm khả năng tập trung

10 điều quan trọng trong thai kỳ có thể bạn chưa biết - 1

Trong 3 tháng đầu mang thai, tình trạng ốm nghén có thể khiến nhiều chị em cảm thấy mệt mỏi, kiệt sức, thậm chí suy sụp tinh thần. Điều này rất thường thấy ngay cả với các chị em có nhiều thời gian nghỉ ngơi. Một phần nguyên nhân của việc này đến từ mối bận tâm về em bé, và một phần từ sự thay đổi nội tiết tố. Để vấn đề về khả năng tập trung không làm ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống, bạn có thể lập danh sách các việc cần làm, đồ cần mua, hay các cuộc hẹn và luôn mang theo danh sách đó bên mình nhé!

3. Tâm trạng không ổn định

Hội chứng tiền kinh nguyệt và tình trạng mang thai giống nhau về nhiều mặt. Nếu bạn mắc phải triệu chứng tiền kinh nguyệt, khả năng cao là bạn sẽ phải đối mặt với việc tâm trạng lên xuống thất thường khi mang thai. 

10 điều quan trọng trong thai kỳ có thể bạn chưa biết - 2

Sự thay đổi tâm trạng là điều bình thường khi bạn đang mang thai, đặc biệt là ở 3 tháng đầu và 1 tháng cuối thai kỳ. 

Khoảng 10% phụ nữ bị trầm cảm trong thời gian mang thai. Nếu bị rối loạn giấc ngủ, thay đổi thói quen ăn uống (hoàn toàn chán ăn hoặc không thể ngừng ăn), hoặc tâm trạng lên xuống quá nhiều trong thời gian từ 2 tuần trở lên, hãy đến gặp bác sĩ để được tư vấn kĩ hơn.

4. Thay đổi kích cỡ áo ngực

Ngực thường bị sưng to, đôi khi có cảm giác căng cứng do lượng hormone Estrogen và Progesterone tăng lên. Sau 3 tháng đầu, tình trạng ngực sưng – căng này có thể hết ở một số chị em và có thể vẫn tiếp diễn ở nhiều chị em khác cho tới hết thai kì. 

Chính vì điều này, phần lớn chị em sẽ cần mua áo ngực với kích cỡ lớn hơn. Một nguyên nhân thứ hai cho tình trạng áo ngực tăng kích cỡ đó là dung tích phổi của bạn tăng lên khi mang thai để bạn có thể lấy đủ lượng oxy cho bản thân và em bé, dẫn đến kích thước ngực lớn hơn.

5. Thay đổi về làn da

Khi mang thai, một số chị em có thể gặp phải tình trạng nám da cục bộ còn được gọi là “mặt nạ thai kì” trên mặt. Một số người thì nhận thấy sự xuất hiện của một đường sẫm màu ở giữa vùng bụng dưới, cũng như tình trạng da sẫm màu hơn ở núm vú, cơ quan sinh dục ngoài và hậu môn. Đây là kết quả của hormone thai kỳ, nó khiến cơ thể sản sinh nhiều sắc tố hơn. Điều này hầu như là không thể ngăn ngừa được, nhưng việc dùng kem chống nắng và tránh tiếp xúc với nắng có thể giúp cải thiện phần nào.

10 điều quan trọng trong thai kỳ có thể bạn chưa biết - 3

Mụn trứng cá cũng là vấn đề khiến không ít chị em phải đau đầu trong thai kì do tuyến bã nhờn của da tăng sản xuất dầu. Nốt ruồi hoặc tàn nhang mà bạn có trước khi mang thai cũng có thể trở nên to và sẫm màu hơn. 

Không chỉ vậy, vùng da căng trên bụng có thể bị bong tróc và khiến bạn cảm thấy hơi ngứa. Khi gặp tình trạng này, bạn nên dùng kem dưỡng ẩm làm dịu da. Tuy nhiên hãy lưu ý nếu bạn bị ngứa quá nhiều ở giai đoạn cuối thai kì, nhất là tình trạng ngứa ở lòng bàn tay hoặc lòng bàn chân thì hãy tới gặp và tham khảo ý kiến của bác sĩ nhé!

6. Thay đổi về lông/ tóc/ móng tay móng chân

Trong thai kì, các hormone do cơ thể tiết ra sẽ khiến tóc bạn mọc nhanh hơn và ít rụng hơn. Tuy nhiên những thay đổi này sẽ không kéo dài; hầu hết chị em đều bị rụng tóc khá nhiều trong thời kỳ hậu sản hoặc sau khi ngừng cho con bú. Một số chị em còn gặp phải tình trạng lông mọc ở những nơi không mong muốn như trên mặt, bụng hoặc quanh núm vú. Một số chị em khác thì lại gặp tình trạng thay đổi về kết cấu tóc, khiến tóc khô hơn hoặc dầu hơn; có người còn thấy tóc mình đổi màu!

Móng tay – cũng như tóc – có thể thay đổi đáng kể khi chị em mang thai. Một số loại hormone khiến móng tay móng chân khỏe hơn, phát triển nhanh hơn. Tuy nhiên lại cũng có người thấy móng tay mình mỏng, giòn, dễ gãy hơn khi mang thai. Những thay đổi này hầu hết sẽ không kéo dài. Nếu móng tay của bạn mỏng đi và dễ gãy, hãy hạn chế sử dụng sơn móng tay và các sản phẩm tẩy rửa móng với tác dụng mạnh nhé!

7. Thay đổi về kích cỡ giày

Do trong cơ thể phụ nữ mang thai có nhiều chất lỏng hơn, rất nhiều chị em sẽ có cảm giác bị phù ở chân và sẽ phải mang giày lớn hơn khoảng 1 cỡ so với thông thường.

8. Thay đổi về năng lực vận động và các khớp xương

10 điều quan trọng trong thai kỳ có thể bạn chưa biết - 4

Trong thai kì, cơ thể của bạn sản sinh ra một loại hormon tên là Relaxin; loại hormon này sẽ giúp chuẩn bị vùng xương chậu và cổ tử cung cho quá trình sinh nở bằng cách làm lỏng các dây chằng trong cơ thể. Tuy nhiên, điều này khiến cho cơ thể của bạn kém ổn định và dễ bị tổn thương hơn; bạn dễ bị căng cơ và giãn dây chằng ở các vùng như xương chậu, lưng dưới và đầu gối. Bởi vậy khi tập thể dục hoặc nâng đồ, hãy thực hiện một cách chậm rãi, tránh những chuyển động đột ngột nhé!

9. Chứng giãn tĩnh mạch, bệnh trĩ và táo bón

Chứng giãn tĩnh mạch thường thấy ở chân và vùng sinh dục do máu tụ tăng lên bởi ảnh hưởng của những hormon do cơ thể sản xuất trong thai kì. Bạn có thể cải thiện các triệu chứng của chứng giãn tĩnh mạch bằng cách:

- Tránh đứng hoặc ngồi trong thời gian quá dài- Mặc quần áo rộng rãi - Nâng cao chân khi ngồi 

Bệnh trĩ thực chất là chứng giãn tĩnh mạch ở trực tràng – rất phổ biến khi mang thai. Nó có thể gây chảy máu, ngứa, châm chích, cảm giác đau ở hậu môn, đặc biệt là sau khi đi đại tiện.

Cách tốt nhất để chống lại bệnh trĩ và táo bón là ngăn ngừa chúng. Duy trì chế độ ăn giàu chất xơ, uống đủ nước hàng ngày và tập thể dục thường xuyên là những cách đơn giản nhất để giúp nhu động ruột hoạt động tốt. Nếu bạn bị bệnh trĩ, hãy tìm đến bác sĩ để được tư vấn loại kem bôi hoặc thuốc mỡ nhằm giúp búi trĩ co lại.

10 điều quan trọng trong thai kỳ có thể bạn chưa biết - 5

10. Những thứ sẽ thoát ra khỏi cơ thể bạn

Chỉ 1 trên 10 phụ nữ bị vỡ ối trước khi cơn chuyển dạ bắt đầu. Thường thì bác sĩ phải chọc vỡ túi ối (nếu tử cung đã giãn đủ) khi chị em đến bệnh viện.

Đối với trẻ đủ tháng, thường thì trong cơ thể người mẹ sẽ chứa từ 4.5 – 13 lít nước ối. Một số chị em có thể thấy cảm giác mắc tiểu dữ dội dẫn đến nước ối trào ra khi vỡ ối. Nhiều người khác  có cảm giác nước nhỏ giọt xuống chân vì đầu của em bé hoạt động như một nút chặn để ngăn phần lớn chất lỏng rò rỉ ra ngoài. 

Ngoài ra, nhiều chị em cho biết họ cảm thấy buồn nôn và có nôn; hoặc bị tiêu chảy, đầy hơi. Trong giai đoạn rặn đẻ, bạn có thể mất kiểm soát bàng quang và/hoặc ruột. 

Chùm ảnh trước và sau mang thai, mẹ bầu nào cũng phải thốt lên: Vậy là đẹp dữ chưa
Trước khi mang thai, các mẹ bầu thường là một người phụ nữ xinh đẹp và quyến rũ, là mẫu hình lý tưởng của biết bao chàng trai.

Các vấn đề mang thai, sinh nở

Theo Đan San
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bà bầu cần biết