Trải qua 11 cái Tết buồn tủi vì hiếm muộn, năm nay vợ chồng ở Phúc Thọ, Hà Nội đã được đón một cái Tết trọn vẹn nhất đời vì đã có tiếng cười trẻ thơ.
Những ngày giáp Tết 2024, cả gia đình nhà anh chị Nguyễn Thị Ngà ở Hát Môn, Phúc Thọ, Hà Nội đang tất bật dọn dẹp nhà cửa và mua sắm chuẩn bị đón Tết Nguyên Đán. Nếu như các năm trước, Tết đến với vợ chồng chị nói riêng và gia đình chị Ngà nói chung rất nhiều buồn tủi thì năm nay nhờ có một thành viên nhỏ chào đời sau bao mong ngóng, cả gia đình chị những ngày này đã rất rộn ràng.
11 năm chữa hiếm muộn khó khăn vì vợ phải cắt bỏ 2 vòi trứng, chồng bị tinh trùng yếu
Người vợ ở Phúc Thọ tâm sự, do bản thân chị bị tắc 2 bên vòi trứng và ứ dịch to nên phải cắt bỏ cả 2 vòi trứng. Bản thân chồng chị bị tinh trùng yếu nên vợ chồng bao năm chữa hiếm muộn khó khăn và chưa lần nào thành công.
Vợ chồng chị Ngà đều làm tự do nên công việc không ổn định. Ban đầu, anh chị chỉ dành dụm được vẻn vẹn 70 triệu nhưng vẫn quyết định làm IVF. Tuy nhiên đến khi thực hiện chuyển phôi xong, chi phí đã phát sinh lên thêm một nửa là gần 150 triệu đồng.
Bên cạnh đó, khi chị Ngà canh niêm mạc đến ngày thứ 10 thì bị ứ dịch và tắc 2 vòi trứng nên bác sĩ khuyên liều chuyển phôi vì chị có nhiều phôi, biết đâu sẽ thành công. Mặc dù mong con rất lâu nhưng vợ chồng chị Ngà vẫn không muốn đánh cược hay mất 1 phôi nào cho việc thử nên quyết định dừng canh chu kì này để mổ và cắt vòi trứng.
“Sau 1 thời gian ổn định mình mới chuyển phôi tốt ngày 5 loại 1 lần 1 thì đậu luôn. Nhưng ngày thứ 21 sau chuyển phôi mình bị ra máu ồ ạt nên vợ chồng vội vàng đến viện và được hội chẩn. Nguyên nhân do mình chuyển 1 phôi nhưng tách làm 2 nên đã phải nằm viện dưỡng bé còn lại ít ngày”, mẹ bỉm kể lại hành trình gian nan ngày đầu chuyển phôi.
Khi ở tuần thứ 12 của thai kỳ, xét nghiệm nước tiểu nghi ngờ bị tiểu đường nên suốt những tuần sau đó, mẹ bầu này phải theo dõi chặt chẽ. Đến tuần 18 của thai kỳ, tình trạng tiểu đường vẫn không thuyên giảm nên bác sĩ đã chuyển chị Ngà sang viện nội tiết trung ương theo dõi và điều trị. 2 tuần tại đây, chị Ngà đã phải nằm viện tiêm truyền và uống thuốc 2 tuần. Khi về vẫn phải kiêng ăn uống như ở viện và tiêm 24 đơn vị tương đương 4 mũi tiêm/ngày. Ngoài ra là uống thuốc uống và trích máu ở tay để kiểm tra 5-6 lần/ngày.
Nhưng sóng gió thai kỳ của mẹ bầu chưa dừng lại tại đó. Ở tuần thứ 31, cổ tử cung bị tụt từ 31 xuống 9, nguy cơ dọa sinh non rất cao. Vì thế chị Ngà phải nhập viện nằm điều trị tích cực và tiêm trưởng thành phổi cho bé.
Tính ra suốt 1 năm tìm con trong hành trình cuối cùng này, chi phí cho khám chữa bệnh, ăn uống, đi lại, thuốc men ở hết viện này đến viện kia dưỡng thai của mẹ bầu Phúc Thọ hết khoảng 400 triệu cùng bao chật vật để có thành quả như hôm nay.
11 năm hiếm muộn là 11 cái Tết buồn, người vợ chỉ biết trốn xó bếp khóc 1 mình
Mẹ bỉm 1 con cũng cho biết, trong hành trình 11 năm hiếm muộn, rất nhiều lần chị có ý định ly hôn chồng vì biết nguyên nhân muộn con là do bản thân. Thế nhưng chị luôn được chồng bên cạnh đồng hành, chưa bao giờ nghĩ sẽ ly hôn vợ. Bản thân anh bị tinh trùng yếu nên cũng luôn nghĩ là do chính mình gây nên tình cảnh này. Cả gia đình chồng đều nghĩ do anh nên vợ chồng mới muộn con.
Suốt 11 năm hiếm muộn, người vợ này ngày thường cũng như Tết đều luôn thu mình 1 góc. Chị sợ gặp tất cả mọi người vì khi nhìn thấy sẽ bị hỏi hay nói những từ rất khó nghe. Tuy nhiên những lúc ấy, chồng chị luôn bên cạnh động viên. Hễ ai hỏi là chồng chị Ngà toàn nhận: “Tại cháu không biết đẻ chứ mình vợ cháu thì đẻ làm sao”.
Với chị Ngà, 11 năm hiếm muộn là 11 cái tết buồn. Dù không muốn đi đâu gặp ai nhưng vì gia đình nhà chồng là trưởng họ nên chị luôn phải cất nước mắt bên trong mỗi khi khách đến hỏi hay sờ bụng bảo có gì chưa, sao mãi chưa có gì, sao chẳng chịu đẻ gì cả…
“Khi không kìm được nước mắt thì mình tự chạy vào xó bếp khóc một mình không cho chồng và bố mẹ anh biết. Còn trong nhà, bố mẹ chồng luôn tránh và không bao giờ nhắc vì sợ mình buồn. Khi ai hỏi ông bà luôn bảo con cái là trời cho, có phải muốn mà được đâu”, chị Ngà kể lại những ngày đầy tủi thân và áp lực vì hiếm muộn.
Cái Tết rộn ràng nhất đời của vợ chồng hiếm muộn vì được bế con trong tay
Hơn 2 tháng trước, sau 11 năm hiếm muộn, vợ chồng chị Ngà đã may mắn được đón con yêu trên tay. Kể từ đó chồng và cả nhà chồng lại tiếp tục ở bên chăm sóc, làm tất cả mọi việc hàng ngày cho con dâu nghỉ ngơi sau sinh.
“Khi mình ở cữ, ban đêm chị gái và chồng chia nhau trông bé để mình được ngủ đủ giấc. Ban ngày chồng tự tay nấu ăn. Anh hay tìm hiểu và hỏi mọi người những món tốt cho vợ mới sinh rồi tự tay nấu mang lên tận phòng cho vợ. Ông bà nội trông cháu ban ngày cho con dâu được ngủ thoải mái”, chị Ngà kể lại những ngày ở cữ đầy ấm áp, chu đáo của mọi người dành cho.
Người vợ này cũng tiết lộ, từ ngày có cháu nội, bố mẹ chồng chị cười nhiều hơn trước, không khí gia đình nhộn nhịp hơn hẳn, ông bà đi đâu về là lại lên phòng nhìn và hỏi chuyện cháu. Thậm chí Tết Nguyên Đán năm nay, bố mẹ chồng còn dọn nhà từ rất sớm để đón Tết.
“Đến Tết này, con mới được tròn 2,5 tháng tuổi thôi nhưng cả gia đình sẽ dự định đi chúc Tết. Ngay từ giờ, ông bà nội ngoại và bố mẹ cháu đã xôn xao xem đồ Tết, sắm đồ Tết cho cháu rồi”, mẹ bỉm hạnh phúc chia sẻ.
Chia sẻ về cái Tết hạnh phúc nhất suốt 11 năm qua, chị Ngà chỉ mong tất cả các cặp vợ chồng đã và đang trên hành trình tìm con luôn chân cứng đá mềm, gạt bỏ hết tất cả ngoài tai những gì cần nghe để sớm có cái Tết thật vui vẻ, trọn vẹn nhất.