Trên con đường chinh phục ước mơ được làm mẹ đầy gian truân và thử thách, mẹ bỉm hiếm muộn này đã phải chịu quá nhiều tổn thương tâm lý với những căng thẳng, trầm cảm, lo âu, tuyệt vọng…
Mẹ bầu 3 lần ôm mặt khóc rưng rức vì phải kết thúc thai kỳ sớm
Không may mắn phải đối mặt với tình trạng hiếm muộn là một trải nghiệm đầy khó khăn, mệt mỏi với bất kỳ cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn nào trên thế gian này. Bởi bị hiếm muộn không chỉ đơn thuần báo động một vấn đề sức khỏe đang gặp sự cố mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống hàng ngày, tiền bạc của các gia đình, các mối quan hệ xã hội, nghiêm trọng hơn là tâm lý của chính những người trong cuộc. Và chị Nguyễn Hoàng Mai (*) ở Bắc Ninh là một trường hợp mẹ bỉm hiếm muộn như thế.
Sau đám cưới 13 năm nhưng vợ chồng chị Mai chưa thực sự có một hạnh phúc trọn vẹn. Bản thân vợ chồng trẻ và gia đình 2 bên nội ngoại rất mong mỏi các con được làm bố mẹ như nhiều người bình thường khác nhưng bao năm qua hạnh phúc ấy cứ như chừa gia đình nhỏ nhà chị ra.
Sau khi kết hôn 13 năm nhưng vợ chồng chị Mai chưa nghe tiếng khóc trẻ thơ. (Ảnh minh họa)
Chị Mai cho biết, 13 năm ấy chị đã 3 lần có cơ hội được mang bầu nhưng đau đớn hơn cả 3 lần ấy chị đều phải ôm mặt khóc trong hoang mang, sợ hãi tột độ. Bởi lần mang bầu nào của người vợ này cũng buộc phải kết thúc thai kỳ sớm.
Lần thứ nhất, chị Mai bị sảy vào tuần thứ 12 của thai kỳ. Mang bầu lần 2, chị lại không giữ được con yêu ở tuần thứ 16. Đến lần thứ 3, sau khi vượt qua 2 mốc trên chị cứ tưởng đã giữ được con nhưng đến tuần thứ 21 mẹ bầu lại bị sảy.
“Dù đã sử dụng đầy đủ các biện pháp, đã theo thăm khám và nằm ở các bệnh viện lớn nhưng vợ chồng mình vẫn không giữ con lại được, bị sảy thai liên tiếp. Nhiều lần vợ chồng mình khóc cạn nước mắt và từng nghĩ không còn hy vọng gì nữa”, chị Mai tâm sự.
Sau lần bị sảy thai thứ 3, vợ chồng chị Mai quyết định cố gắng nốt một lần nữa trong hành trình tìm con. Nếu lần này tình trạng vẫn không cải thiện, chị sẽ nhờ người mang thai hộ.
Trái ngọt sau 13 năm nỗ lực tìm con
Ngay sau chuyển phôi và có kết quả xét nghiệm beta hCG sau cao so với mức bình thường, nhiều khả năng sẽ mang, chị Mai đã ngay lập tức tìm hiểu những biện pháp để giữ con lại nếu có nguy cơ bị sảy.
Khi thai kỳ ở mốc 12 tuần, chị Mai “ăn trực nằm chờ” ở bệnh viện suốt vài tháng đầu để được thăm khám, theo dõi sát sao nhất.
“Cứ mỗi lần thăm khám cho 2 mẹ con, bác sĩ lại mộc mạc bảo: kệ nó, sợ gì, anh bảo được là được, yên tâm lần này sẽ được đón con về... Nghe được những lời này, mình yên tâm hơn và có niềm tin để chiến thắng nỗi sợ hãi sau nhiều lần sảy thai liên tiếp. Và cứ thế, 2 mẹ con mình đã đi tiếp từng mốc một cách diệu kỳ”, chị Mai nói.
Sau 13 năm vất vả tìm con, chị Mai cũng được ôm con trai nhỏ. (Ảnh: BSCC)
Mang bầu ở tuần thứ 32 tuần, chị Mai có dấu hiệu chuyển dạ. Dù không cán đích ở tuần 36 như mong đợi của sản phụ và của bác sĩ nhưng đối với trường hợp của mẹ bầu sảy thai liên tiếp trước đó như chị, bác sĩ Hoàng Văn Khanh (Viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội) cho biết đã là 1 kỳ tích lớn.
“Lần đầu tiên được ôm con trong tay vợ chồng mình thấy như trong giấc mơ. 13 năm dài tìm con vất vả và 32 tuần mang bầu ngắn ngủi nhưng cuối cùng mình đã được làm mẹ. Mình chỉ mong các gia đình hiếm muộn khác cũng có được trái ngọt như vợ chồng mình. Chúc cho các vợ chồng hiếm muộn đang trên hành trình tìm con yêu ai cũng thành công và có con bồng bế", chị Mai mãn nguyện nói.
(* Tên nhân vật trong bài viết đã được thay đổi)