Trong những lần khám thai đầu tiên, bác sĩ sẽ luôn hỏi mẹ câu hỏi quan trọng này.
Khi đi khám thai, mẹ bầu chắc chắn sẽ được bác sĩ đặt câu hỏi: "Đây là lần mang bầu thứ mấy của bạn?". Nhiều bà mẹ thắc mắc rằng dù thế nào thì một thai kỳ cũng kéo dài 9 tháng 10 ngày và cần chăm sóc sức khỏe như nhau, vậy câu hỏi này có thực sự cần thiết không? Sự khác biệt giữa mang bầu lần đầu và những lần sau là gì?
Các bác sĩ sản khoa đã giải thích vấn đề này như sau:
#1. Mẹ mang bầu lần hai có thể đã lớn tuổi
Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, ngày càng nhiều chị em phụ nữ lựa chọn kết hôn và sinh ở độ tuổi muộn hơn trước kia. Chính vì vậy, khi mang thai đến lần thứ 2, thứ 3, họ có thể không còn ở trong độ tuổi "vàng" cho việc mang bầu, sinh con nữa. Lúc này, các bác sĩ sẽ cần đưa ra những lời khuyên riêng để đảm bảo sức khỏe cho mẹ bầu và bé.
Bác sĩ khi khám thai thường đặt câu hỏi về lịch sử y tế, sinh sản của mẹ. (Ảnh minh họa)
#2. Mẹ bầu lần 2 đã có kinh nghiệm
Khi mang thai lần đầu tiên, các mẹ chưa có kinh nghiệm nên bác sĩ sẽ cần tư vấn kĩ lưỡng nhiều vấn đề, thắc mắc hơn.
Ngược lại, khi mẹ đã từng trải qua việc mang thai, sinh nở thì bản thân đã có kinh nghiệm nên bác sĩ sẽ không cần giải thích từng vấn đề nhỏ mà chỉ trả lời thắc mắc từ mẹ bầu.
#3. Phương pháp sinh con thứ nhất sẽ ảnh hưởng đến bé thứ hai
Mẹ bầu mang thai lần 2 chắc chắn sẽ được bác sĩ hỏi về phương pháp sinh bé thứ nhất. Nếu trước đó sinh thường thì không vấn đề gì nhưng nếu lần đầu mẹ sinh mổ, bác sĩ sẽ cần tư vấn kĩ hơn về phương pháp sinh lần sau. Thông thường mẹ sẽ tiếp tục sinh mổ nhưng nếu mẹ có thể trạng tốt, thai nhi ở vị trí thích hợp thì cũng có thể sinh thường. Điều này sẽ được bác sĩ cân nhắc vào thời điểm những tháng cuối thai kỳ.
Những mẹ từng sinh mổ sẽ được tư vấn kĩ hơn về phương pháp sinh con lần 2. (Ảnh minh họa)
#4. Mẹ đã từng sinh nở có thể gặp biến chứng
Với những mẹ bầu đã trải qua lần đầu sinh mổ, bác sĩ sẽ cần biết thời gian sinh cách hiện tại bao lâu, tình trạng vết mổ và sức khỏe của mẹ. Nếu mẹ mang thai quá sớm sau sinh mổ sẽ dễ gặp phải biến chứng dính vết mổ, thai làm tổ trên vết mổ cũ, vỡ tử cung,... nên cần được theo dõi sát sao, kĩ lưỡng hơn.
#5. Tư vấn tâm lý cho mẹ
Bác sĩ khám thai cần biết mẹ đang mang bầu lần đầu hay lần thứ mấy để đưa ra những lời tư vấn tâm lý thích hợp. Những mẹ mang bầu lần đầu sẽ dễ hoang mang, lo lắng khi thấy cơ thể có bất kỳ thay đổi nào. Những mẹ mang thai lần hai, lần ba thì sẽ cần lời khuyên để đảm bảo sức khỏe thể chất và tinh thần khi vừa mang thai vừa chăm con nhỏ.
Mẹ bầu mang bầu lần đầu sẽ dễ hoang mang, lo lắng. (Ảnh minh họa)