Một thai kỳ khỏe mạnh luôn là mong mỏi của tất cả bà bầu. Tuy nhiên để làm được điều đó, mẹ bầu phải duy trì một lối sống lành mạnh, khoa học với những việc làm cụ thể sau.
Chị Trần Thị Huyền Trân, 29 tuổi ở TP. Hồ Chí Minh mang bầu ở tuần thứ 36 của thai kỳ. Dù còn 4-5 tuần nữa mới tới ngày dự sinh nhưng mẹ bầu này cho biết để thai kỳ khỏe mạnh thường thực hiện xuyên suốt 9 việc làm đúng đắn sau trong suốt thai kỳ.
Chị Trần Thị Huyền Trân bên con. (Ảnh: NVCC)
1. Kiểm soát cân nặng
Lúc chị Huyền Trân mới cấn bầu, bác sĩ thường nhắc rằng, tạng người của chị rất dễ tăng cân nên phải chú ý kiểm soát cân nặng để không bị tiểu đường thai kỳ. Dưới 18 tuần không cần lên cân, uống vitamin đầy đủ là được.
Bởi thế khi nghén, mẹ bầu này dù cảm thấy mọi thứ vô vị nhưng nhớ lời bác sĩ dặn nên chị không bị ép ăn. Bản thân chị Huyền Trân cũng chưa uống sữa vào giai đoạn này, ăn được trái cây nhưng rất hạn chế ăn trái cây ngọt. Duy chỉ có vitamin, thuốc bổ là chị uống đầy đủ. Uống khi bụng đói sẽ bị ói sấp mặt nên mẹ bầu luôn ăn sáng xong mới uống thuốc vào. Trộm vía em bé phát triển tốt, mọi chỉ số đều ổn.
Và quan trọng là việc ít tăng cân giai đoạn đầu làm giai đoạn sau của chị Huyền Trân thoải mái hơn, không lo về vấn đề tiểu đường nên không cần phải kiêng khem khổ sở.
Bước vào tam cá nguyệt thứ 3, mẹ bầu này đã tăng cân nhanh hơn hẳn, có cảm giác bụng to ra mỗi ngày. Nhưng việc tăng cân đều đặn chứ không đột ngột trong 1-2 tuần. Chị đã tăng 12kg trong suốt thai kỳ, tới lúc sinh còn tăng vài kí nữa nhưng vẫn trong ngưỡng tối ưu theo khuyến cáo.
Bảng tự kiểm soát cân nặng của mẹ bầu. (Ảnh: NVCC)
Mẹ bầu này cho biết, trước đây chị hay ngưỡng mộ những mẹ bầu tăng cân ít mà con sinh ra to nên sinh xong về dáng rất nhanh. Nhưng khi mang bầu, chị đã thay đổi suy nghĩ. Bởi nếu mẹ tăng cân quá ít thì em bé sẽ phải lấy chất dinh dưỡng từ cơ thể mẹ. Sau khi sinh xong, mẹ lại rút chất dinh dưỡng để tạo sữa cho con bú.
Nhìn bằng mắt không biết, nhưng bên trong cơ thể người phụ nữ sẽ suy kiệt trầm trọng - hệ luỵ cho nhiều vấn đề sức khoẻ sau này. Dĩ nhiên cũng không phải mẹ cứ tăng cân là em bé sẽ khoẻ vì cần xác định nhóm chất cần thiết cho từng giai đoạn để bổ sung cho phù hợp. Ví như tinh bột, đường là những thứ cả mẹ và con đều không cần nhiều nên chị Huyền Trân chỉ ăn ít.
2. Không bị táo bón
Có rất nhiều mẹ bầu gặp phải tình trạng này khi mang thai và gây nhiều sự khổ sở, đau đớn nhất là giai đoạn đầu hoặc cuối thai kỳ. Nhưng mỗi mẹ bầu có thể điều chỉnh kịp thời cho mọi thứ cân bằng trở lại bằng cách giúp hỗ trợ hệ bài tiết làm việc hiệu quả hơn đó là: nước lọc, rau xanh, khoai lang, trái cây có tính nhuận tràng, cà phê, sữa tươi.
Bản thân chị Huyền Trân suốt thai kỳ (kể cả không mang thai) luôn duy trì uống 2 lít nước mỗi ngày không kể nước trà, nước canh. Nếu ngồi văn phòng chỉ cần uống hết bình nước quy định mỗi ngày là được. Những ngày không cố định vị trí nhớ ra khi nào phải uống thật nhiều nước vào khi ấy. Không được để nước tiểu sậm màu, nặng mùi vì đó là dấu hiệu cơ thể đang bị thiếu dung môi hoà tan các chất, như vậy sẽ hấp thụ kém, gánh nặng hệ bài tiết làm việc nặng nề.
Giai đoạn đầu bị nghén, chị Huyền Trân không thích ăn rau (mặc dù bình thường ăn rất nhiều) nên bù lại bằng những trái cây như: chuối, đu đủ chín. Từ tháng thứ tư trở đi ăn uống thoải mái hơn nên chị thêm nhiều lựa chọn và uống sữa tươi không đường.
Cuối thai kỳ do thai to, chèn bụng dưới nhiều nên luôn có cảm giác “buồn” tiểu nhưng khi vào toilet thì chờ hoài không đi được. Lúc ấy chị Huyền Trân lấy một cái ghế kê chân khi ngồi toilet để hỗ trợ tư thế. Ngoài ra, cố gắng đi toilet nhiều lần, đồng thời tăng cường viện trợ để “thành phẩm” không quá rắn sẽ dễ đi cầu hơn.
3. Không dung nạp Lactose – vượt qua nỗi sợ uống sữa
Hồi nhỏ chị Huyền Trân uống sữa mẹ đến 18 tháng, không uống bất kỳ loại sữa công thức hay sữa tươi nào khác nên khi lớn, chị không thích và uống sữa vào sẽ bị đau bụng, tào tháo rượt ngay. Sau này chị mới biết đó là tình trạng bất dung nạp Lactose và nhiều người cũng bị tình trạng này giống chị.
Khi mang thai, chị Huyền Trân phải chia nhỏ bữa ăn ra nhiều cữ, có thêm các bữa phụ. Công việc khá bận nên chị không có thời gian nấu nướng gì nhiều. Ăn ngoài thì toàn dầu mỡ, tinh bột hoặc độ đường cao. Do đó, bữa phụ chị thường uống sữa tươi không đường.
Ban đầu uống sữa ít đường, cứ uống xong tầm 5 phút là bụng sôi lụp bụp sau đó đau bụng, đi toilet xong vẫn lình xình cả ngày. Nhưng chị vẫn cố gắng uống liên tục 1 tuần là cả tuần đó vật vã, thấy không ổn phải giảm xuống 3 lần/tuần, ngày uống ngày nghỉ, uống tầm 3 giờ chiều khi không quá đói, không quá no. Khi ấy, các triệu chứng bắt đầu giảm hẳn và dần uống được sữa mỗi ngày.
Sang tháng sau chị tăng lên ngày 2 cữ lúc 10h sáng và 3h chiều. Tháng sau, tăng thêm cữ tối 22h trước khi đi ngủ.
Thấy 100ml hơi ít, chị chuyển sang hộp 180ml luôn. Và đồng thời mua loại 100% nguyên chất. Mỗi lần tăng số lượng như vậy là cơ thể mẹ bầu sẽ có phản ứng nhưng do biết rồi nên chị ráng chịu tầm 2-3 ngày sẽ hết.
Cuối thai kỳ, mỗi ngày chị Huyền Trân ăn 4 cữ sữa: 10h sáng, 3h chiều, 22h đêm, 3h khuya. Do uống sữa không đường nên uống xong mẹ bầu tráng miệng bằng nước thật kỹ là được, đỡ sợ sâu răng hơn sữa có đường.
Theo mẹ bầu chia sẻ, không dung nạp Lactose có nhiều nguyên nhân, nhưng phổ biến nhất là do cơ thể thiếu enzyme phân giải. Trước giờ không uống sữa thì cơ thể không có sẵn “hàng” để tiếp chiêu nên gây ra sự lộn xộn trong đường ruột. Khi phát tín hiệu từ từ, cơ thể sẽ hiểu và thích nghi, sản sinh ra enzyme để phân giải Lactose trong sữa nên vấn đề được giải quyết.
4. Uống sữa hạt
Nhiều mẹ bầu khuyên chị Huyền Trân uống sữa hạt và chị uống nhưng thật sự lượng đạm trong sữa hạt ít. Và các hãng cũng trộn thêm sữa bò cho ngon và bổ dưỡng hơn thôi.
Còn ngũ cốc “thần thánh - vào con không vào mẹ” thì không có gì đặc sắc. Uống vài muỗng thì lượng chỉ bằng nhai một nắm hạt rang nhỏ. Uống nhiều thì trở thành bột khuấy rồi, ngán không chịu nổi. Thay vào đó chị Huyền Trân ăn hạt rang, chịu khó nhai mỏi răng chút nhưng tốt cho sức khỏe.
5. Duy trì tập yoga
Ban đầu chị Huyền Trân định tập từ tuần thứ 14 (sau cột mốc 12 tuần đầu) nhưng do chưa xong việc học chuyên sâu nên phải đến gần tuần 20 mới tập.
Mẹ bầu thuê giáo viên về nhà dạy 1-1 cho mình để thời gian linh động hơn và quan trọng là tránh cơn lười nổi lên bất chợt. Học phí tuỳ theo gói, mình book 30 buổi thì phí là 7,5 triệu.
Giáo viên sẽ linh hoạt giờ tập theo ý mình và bài tập cũng sẽ phù hợp cho tình trạng sức khoẻ của mẹ bầu theo từng giai đoạn. Nếu siêng hơn, bạn có thể ra Trung tâm yoga tập hoặc lên YouTube tìm bài tự tập.
Do xác định tập cho khoẻ nên mẹ bầu chỉ duy trì tập đều đặn và vài tư thế là được. Yoga bầu thì chị Huyền Trân sẽ tập các bộ phận như sau:
- Tập hít thở: tập hít thật sâu, thở ra thật chậm để phục vụ cho hệ hô hấp ngày càng nặng nhọc của thai kì và quá trình sinh con.
- Các bài tập giãn đốt sống để xoa dịu các cơn đau lưng, tăng sức chống chịu cho cái cột nhà này hơn.
- Các bài tập giãn cơ chân, tay để tăng lưu thông máu, hạn chế.
- Các bài tập xương chậu để sau này chuyển dạ nhanh hơn.
Nhờ vậy, mẹ bầu đã giữ được sức khoẻ thể chất lẫn tinh thần tốt trong suốt quá trình mang thai. Không bị ốm vặt, không bị đau lưng, chuột rút chỉ có 2 lần do Tết về không tập mà đứng nấu ăn nhiều.
6. Giữ tinh thần tốt
Nhiều người hay than rằng lúc có bầu bị nhạy cảm quá mức, dễ khóc, dễ nổi cáu do hóc môn thay đổi nhưng cũng phần nhiều do tâm thế của chúng ta nữa.
Do có sự chuẩn bị tâm lý trước nên chị Huyền Trân ít cảm giác lo lắng bất an hơn. Hơn nữa, chị có tài chính riêng ổn định nên có nhiều sự lựa chọn để xoa dịu những bực nhọc, mệt mỏi khi mang bầu.
Mang thai nhưng chị Huyền Trân vẫn đi cắt tóc, gội đều, làm nail. (Ảnh: NVCC)
“Hôm nào mệt hoặc chồng đi đâu mình sẽ đi chăm sóc da, massage bầu, còn gội đầu thì hoàn toàn gội ở tiệm từ hồi 3 tháng. Ngoài ra mình cũng không xem việc mang thai là cái gì đó hy sinh cao cả để bắt chồng và mọi người phải đổ dồn hết sự chú ý, quan tâm vào mình. Thực tế mẹ bầu nên quan tâm mình nhiều hơn và không kỳ vọng sẽ như thế này như thế nọ rồi thấy tủi thân, tức giận”, chị Huyền Trân tâm sự.
Đặc biệt mẹ bầu không kêu ca về sự mệt mỏi trong các giai đoạn thai kỳ vì mô tả thế nào người khác cũng không hiểu hết được. Càng than thì người nản nhất chính là bản thân trước. Hay khi có khó khăn, mâu thuẫn, xung đột thì luôn tâm niệm để ngày mai rồi tính, đêm nay cần phải ngủ vì bản thân mình và vì con hoặc để sinh xong rồi tính, thời điểm này không phải là lúc để xáo trộn cuộc sống quá nhiều.
7. Không kiêng khem quá mức
Khi mang thai, chị Huyền Trân đã tham khảo ý kiến của bác sĩ và bác nói hầu như không có hạn chế gì cả lúc mang bầu và tùy theo tình trạng sức khoẻ mỗi bà bầu, nếu sức khoẻ bình thường thì bình thường, còn có vấn đề thì bác sẽ dặn dò khác nhau.
Giai đoạn đầu chị Huyền Trân hạn chế những món dễ gây co thắt tử cung, còn sinh hoạt đi đứng thì vẫn xách đồ, nhón chân, với tay bình thường.
Ngoài ra, không làm điều gì nặng nhọc bất thường hay quá sức hoặc rủi ro té ngã, bị thương là được.
Khi ăn không ăn đồ sống, không ăn quá mặn, quá chua, quá cay, quá ngọt là được. Sau này sinh xong cũng ăn như thế chứ không cần kham khổ.
Bên cạnh đó chị Huyền Trân vẫn trang điểm khi có việc cần, đi gội đầu dưỡng sinh, làm nail, dưỡng da như mọi khi…
8. Mua ít đồ bầu, thay bằng các loại váy dáng suông
Ba tháng trước khi thả bầu chị Huyền Trân đã không mua đồ mặc bình thường nữa mà chỉ tăm tia các loại đầm dáng suông, giấu bụng.
Gặp sale là vợt liền chứ không đợi lúc có bầu mới đi tìm mua. Nhờ vậy chị mua được kha khá đồ đẹp, giá hời và mặc được từ chưa bầu cho tới tháng cuối, sau sinh luôn.
Trang phục khi mang bầu thoải mái của chị Huyền Trân. (Ảnh: NVCC)
Các loại đầm suông chị ưu tiên mặc trước, tầm tháng thứ 6-7 bắt đầu chật bụng thì mình đổi qua form xoè maxi. Cái nào sát nách thì đi làm chỉ cần khoác hờ chiếc Blazer là trông đứng đắn hẳn.
Sang tháng thứ 6 là mẹ bầu này ngưng không mua đồ bầu nữa để tiền mua đồ mặc sau sinh (lên 1 size so với trước bầu) cho có động lực luyện tập cho về lại dáng.
9. Sắm đồ cho em bé từ sớm
Mẹ đẻ chị Huyền Trân không cho con gái mua đồ sơ sinh sớm vì sợ “xui” nhưng chị không tin điều đồn thổi này.
Bé ra sớm hay muộn là do thai kỳ có vấn đề chứ không phải do sắm đồ sớm đâu. Nếu có lỡ vậy thì có chuẩn bị đồ trước rồi cũng đỡ cuống cuồng hơn chứ sao.
Chị Huyền Trân sắm món đồ đầu tiên lúc 24 tuần. Do không có thời gian đi ra xem trực tiếp, lại muốn mua đúng hãng, đúng mẫu như ý, nên phải tha dần dần từ nhiều shop khác nhau. Sẵn tiện, săn sale có giá tốt. Tuy nhiên, phải lên danh sách trước chứ không là mua cả đống đồ lãng phí.
Mua sắm trước các vật dụng sơ sinh lúc mang bầu nên tháng cuối thai kỳ và sau sinh mẹ bỉm chỉ việc nghỉ ngơi dưỡng sức. (Ảnh: NVCC)
Mẹ bầu này xem chia sẻ trên các hội nhóm để liệt kê những món thiết yếu trước, sau đó xem review món đó dùng của hãng nào là phù hợp. Rồi bổ sung các món linh tinh vào, xem tiếp review những món không cần thiết để bỏ qua hoặc từ từ mua sau. Mua xong khui ra kiểm tra hàng rồi dán lại hoặc gom chung bỏ vào một thùng đóng kín.
Chính vì thế khi bụng bầu nặng nề những tháng cuối thai kỳ, chị Huyền Trân chỉ việc nghỉ ngơi dưỡng sức và làm nốt những công việc dang dở chuẩn bị đi sinh, không phải lăn tăn mua sắm gì nữa.