Bác sĩ Đông cho biết, vợ chồng vẫn nên quan hệ tự nhiên trong chu kỳ chuẩn bị niêm mạc chuyển phôi trữ vì nhiều lý do có lợi.
Sau sinh con đầu lòng, vợ chồng 12 năm hiếm muộn với 3 lần sảy, lưu thai liên tiếp
Trong quá trình làm việc và tìm con cho các cặp vợ chồng hiếm muộn, Ths. Bs CKII. Nguyễn Đình Đông, chuyên gia IVF, Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và Công nghệ mô ghép, Bệnh viện Đại Học Y Hà Nội gặp khá nhiều trường hợp đặc biệt. Trong đó, bác sĩ Đông nhớ nhất về trường hợp một cặp vợ chồng đã ngoài 30 (vợ 33, chồng 40 tuổi) đến chữa hiếm muộn vì đã 12 năm mong con với 3 lần liên tiếp sảy, lưu thai.
Bác sĩ Đông chia sẻ, vợ chồng này đã có một bé trai sinh mổ cách 12 năm vì cạn ối và con to. Sau sinh bé đầu, không hiểu sao họ rất khó để có bé tiếp theo trở lại. Họ cho biết khi thả tự nhiên cứ trung bình 2-3 năm thì có tin vui 2 vạch nhưng không lần nào giữ được con yêu. Tổng cộng, vợ chồng họ có 3 lần mang thai nhưng đều hỏng dù vất vả chạy chữa khắp nơi.
Sau khi thực hiện các xét nghiệm tìm nguyên nhân, thấy người vợ này bị buồng trứng đa nang và rối loạn chuyển hoá kèm theo. Đồng thời vết mổ đẻ cũ rất xấu, tụ dịch nhiều, dịch vết mổ chảy lênh láng vào buồng tử cung.
Do tuổi đã khá cao, lại mong con nhiều năm và lần nào có thai cũng khó đậu, khó giữ nên cả 2 vợ chồng đều ngỏ ý xin cho làm IVF (thụ tinh ống nghiệm) và sàng lọc phôi để tránh sảy, lưu thai.
Ths. Bs CKII. Nguyễn Đình Đông.
Thế nhưng bác sĩ Đông lập tức ngăn cản vì: “Tôi ngay lập tức ngăn cản vì IVF chỉ đơn thuần là biện pháp điều trị vô sinh, không phải biện pháp điều trị sảy hay lưu thai hiệu quả. Trừ trường hợp do bố mẹ có đột biến di truyền gây tăng tỷ lệ phôi dị tật, việc sàng lọc phôi mới có ý nghĩa giảm tỷ lệ lưu mỗi lần mang thai.
Trong khi đó, nguyên nhân khó có con, khó giữ thai của 2 vợ chồng nằm ở vết mổ đẻ cũ - dịch buồng tử cung/ buồng trứng đa nang. Vì thế nếu giải quyết tốt cả 2 vấn đề này 2 vợ chồng vẫn có thể có thai tự nhiên và giữ thai thành công mà chưa cần dùng đến IVF. Nếu vẫn mong muốn làm IVF thì chưa có/chưa cần thiết làm sàng lọc phôi bởi việc này gây tốn kém và vẫn sảy lưu thai như thường cùng tỷ lệ. Chỉ cần kiểm soát tốt những bất thường đã nhận thấy và cá thể hoá chu kỳ chuẩn bị niêm mạc thật tốt là sẽ ổn”.
Sau tư vấn của bác sĩ, cặp vợ chồng hiếm muộn trên đã nghe lời nhưng vẫn muốn thực hiện IVF luôn. Do đó, bác sĩ đã tiến hành IVF cho vợ chồng họ và tạo được 10 phôi ngày 5 khá tốt.
“Vì mong con nên vợ chồng họ rất sốt ruột. Do buồng trứng đa nang nên sau chọc trứng buồng trứng còn khá to và gây tức bụng khó chịu nhưng họ vẫn quyết tâm chuyển phôi ngay chu kỳ sau đó (dù tôi mong muốn người vợ này nghỉ thêm 1 chu kỳ). Vì buồng trứng chưa hồi phục sau chọc trứng nên chúng tôi phải chuẩn bị niêm mạc bằng thuốc nội tiết (một phác đồ mà tôi không muốn dùng cho bệnh nhân vì ảnh hưởng xấu đến dịch vết mổ, rối loạn chuyển hoá, niêm mạc trên nhóm bệnh nhân đa nang). Thế rồi người tính không bằng trời tính, dịch vết mổ rất nhiều phải xử lý nội khoa không hết, niêm mạc mỏng, hình thái xấu. Tôi mừng thầm, quyết định huỷ chu kỳ, lúc này người vợ cũng “mãn nguyện” mà lùi lại thời gian chuyển phôi”, bác sĩ Đông nhớ lại.
Ngay tháng sau đó chuẩn bị niêm mạc lại, bác sĩ Đông đã đổi phác đồ kích trứng nhẹ (tối ưu nhất với tình trạng bệnh của bệnh nhân). May mắn niêm mạc hình thái ba lá rất đẹp, dịch vệt mổ ít chỉ có tại vết mổ và không chảy vào buồng tử cung, kèm theo đó là 1 bé trứng tròn trịa.
Mang bầu song thai khác trứng (1 bé tự nhiên, 1 bé chuyển phôi IVF đồng thời) nhờ quan hệ tự nhiên đêm trước khi chuyển phôi
Ngay khi mở cửa sổ chuyển phôi, bác sĩ Đông đã điều chỉnh đơn thuốc để dịch tái hấp thu tối đa và giảm tác dụng xấu cho người vợ trên rồi dặn:
“2 vợ chồng em quan hệ tự nhiên đều nhé!”
Điều này khiến vợ chồng trẻ ngơ ngác hỏi lại bác sĩ:
“Ơ bác sĩ, liệu có ảnh hưởng gì đến chuyển phôi không, có sợ viêm âm đạo không ạ?”.
Chuyên gia IVF này đã phải giải thích hiện tình trạng nhiễm đã kiểm soát tốt từ trước khi làm IVF nên việc quan hệ tự nhiên giai đoạn này không sợ gây nhiễm khuẩn âm đạo, không sợ cổ tử cung ảnh hưởng xấu đến việc chuyển phôi. Vợ chồng đang mong con, ngay ngày đầu vẫn có thể có thai tự nhiên. Ngoài ra, chưa chắc chuyển phôi sắp tới sẽ đậu (họ chuyển 1 phôi N5 loại 1, xác suất đậu trung bình 50%). Việc quan hệ tự nhiên chu kỳ này sẽ tăng cơ hội có thai cho 2 vợ chồng.
Bác sĩ Đông cho biết, vợ chồng vẫn nên quan hệ tự nhiên trong chu kỳ chuẩn bị niêm mạc chuyển phôi trữ vì 4 lý do sau:
- Thứ nhất vợ chồng sẽ có cơ hội có thai tự nhiên độc lập với chuyển phôi do chuẩn bị niêm mạc bằng phác đồ kích trứng nhẹ có 1 bé trứng trưởng thành và rụng.
- Thứ hai, điều này tăng lưu thông máu đến tử cung và niêm mạc giúp tăng khả năng tiếp nhận phôi.
- Thứ ba, tinh trùng và tinh dịch giải phóng một số hoạt chất trung gian hoá học giúp điều hoà hệ thống cảm thụ và miễn dịch của niêm mạc, tăng tỷ lệ đậu phôi.
- Thứ tư, giảm stress cho người vợ nhưng nếu may mắn quá mà đậu nhiều hơn 1 thai, nhất lại trên tiền sử vết mổ đẻ cũ thì lo lắng lại nhiều hơn vui mừng…
Những ngày sau đó, bác sĩ Đông đã nhận được tin người vợ 33 tuổi đậu thai ở ngay lần chuyển phôi đầu tiên. 21 ngày sau chuyển phôi, hạnh phúc càng nhân lên khi siêu âm thấy 2 túi thai đã nằm ngăn nắp trong buồng tử cung mẹ. Đây là trường hợp bầu song thai 2 bánh rau, 2 buồng ối.
“Trường hợp của mẹ bầu này có thể là song thai khác trứng (1 tự nhiên, 1 chuyển phôi: khác di truyền, có thể cùng hoặc khác giới tính) và cũng có thể là song thai cùng trứng do 1 phôi tách ra làm đôi kể cả là chuyển phôi ngày 5 (cùng di truyền, cùng ngoại hình và cùng giới tính). Nếu khác giới tính thì chắc chắn là song thai khác trứng, nếu cùng giới tính thì 50/50 đẻ ra mới biết được”, bác sĩ Đông chia sẻ.
May mắn thai kỳ những ngày đầu diễn biến suôn sẻ, 2 bé phát triển khoẻ mạnh và trộm vía không xảy ra bất trắc gì. Nhưng mang bầu song thai khiến mẹ bầu, bác sĩ vừa mừng vừa lo. Mừng vì cùng lúc sinh nhiều con nhưng lo lắng vì phải đối mặt với nhiều rủi ro (sảy thai to, đẻ non, lưu thai muộn, rau bong non, vỡ tử cung do vết mổ đẻ cũ, mẹ tăng huyết áp, đái tháo đường…). Để an toàn, bác sĩ Đông đã tính đến phương án giảm thiểu bớt 1 bé nhưng vợ chồng mong con từng ngày này đều quyết định muốn giữ cả 2 con.
Ngay sau quyết định này là cả 1 sự cố gắng của bác sĩ và cả gia đình mẹ bầu. … Khi làm xét nghiệm NIPT song thai - kết quả có ít nhất 1 bé giống bố và 1 bé giống mẹ. Như vậy đây là trường hợp song thai khác trứng – 1 bé tự nhiên và 1 bé chuyển phôi IVF đồng thời. Do kiểm soát kỹ ăn uống và sự tăng cân của 2 thai nhi nên cả thai kỳ êm đềm đến tuần 30.
“Tuần 30 của thai kỳ, khi khám thai định kỳ thì tôi tình cờ phát hiện có 1 khối máu tụ dạng đặc kích thước khá to 6-7 cm ở giữa bánh rau và màng ối của bé gái (không ra máu, trước đó 2-3 ngày thì mẹ bầu có tức bụng xíu). Khối máu này ở gần mép bánh rau, chảy tràn vào lóc 3/4 xen kẽ giữa màng ối/đệm của 2 thai tạo thành 1 dải máu tụ ngang buồng tử cung. Trộm vía khối máu này có dấu hiệu cô đặc, ngừng chảy, tuy nhiên vẫn có nguy cơ cao chảy máu thì 2 hoặc diễn tiến rau bong non thể nặng hơn. Tôi nghĩ đến rau bong non thể trước bánh rau nên đề nghị 3 mẹ con nhập viện nằm theo dõi một thời gian, đề phòng biến chứng xảy ra để xử trí kịp thời”, bác sĩ Đông nhớ lại.
Lời cảm ơn bác sĩ của người vợ hiếm muộn 12 năm.
Nằm viện 1 tuần không có diễn biến gì nặng thêm nên mẹ bầu được cho ra viện. Những ngày sau đó cứ hễ thai gặp vấn đề gì là mẹ bầu lại lo lắng đi khám ngay. May mắn mọi thứ êm đềm đến mấy tuần cuối thai kỳ, bác sĩ Đông khuyên mẹ bầu nên cân nhắc dừng thai kỳ ngoài tuần 37, chạm tuần 38.
“Tôi sợ nếu kéo dài thai kỳ lâu hơn, nhất là trên tiền sử mổ đẻ cũ sẽ khó nói trước điều gì. Và mẹ bầu đã kết thúc hành trình mang thai bằng 1 ca mổ thành công mẹ tròn con vuông. Hoàng tử nhỏ nặng 2,9kg và công chúa đáng yêu nặng 2,2kg. Đây là cái kết rất mỹ mãn”, bác sĩ Đông hạnh phúc kể.
Chia sẻ về hành trình mang bầu song thai của mẹ bầu trên, bác sĩ Đông nhận định: “Song thai là một thai kỳ nguy cơ cao cho cả mẹ và con. Vì thế các mẹ bầu đừng cố gắng đạt hay ước được điều đó. Nếu “vô tình” trời ban cho thì mới “cố gắng” đón nhận mà thôi. Nếu nguy cơ rủi ro vì song thai quá cao, mẹ bầu có thể cân nhắc chỉ lựa chọn 1…”.
Vợ chồng có nên quan hệ tự nhiên trong chu kỳ chuyển phôi trữ lạnh hay không?
✍️ Nên vì:
- Quan hệ tự nhiên vào đêm hôm trước khi chuyển phôi giúp tăng tỷ lệ đậu thai (38.3% so với 24.8%, p = 0.005) và tăng tỷ lệ thai lâm sàng (51.7% so với 37.1%, p = 0.045) vì:
+ Tăng lưu thông máu đến tử cung và niêm mạc giúp tăng khả năng tiếp nhận phôi.
+ Tinh trùng và tinh dịch giải phóng một số hoạt chất trung gian hoá học giúp điều hoà hệ thống cảm thụ và miễn dịch của niêm mạc, tăng tỷ lệ đậu phôi.
+ Giảm stress cho người phụ nữ. Tỷ lệ lưu thai sau đó không khác nhau.
- Nếu ở chu kỳ chuẩn bị niêm mạc có trứng phát triển, 2 vòi trứng thông tốt, tinh trùng ổn thì sẽ tăng cơ hội có thai nhờ việc có thai tự nhiên, tuy nhiên cũng sẽ tăng nguy cơ đa thai. Suy cho cùng, cái đích của việc điều trị vô sinh là có thai, đôi khi phôi IVF chuyển không đậu, thai đậu lại là thai tự nhiên.
✍️ Không nên khi:
- Tiền sử viêm nhiễm âm đạo tái phát liên tục do quan hệ tình dục hoặc chống chỉ định quan hệ tự nhiên do có mắc bệnh lây qua đường tình dục.
- Thai tự nhiên có nguy cơ cao chửa ngoài tử cung (do vòi trứng kém hoặc tiền sử có chửa ngoài tử cung) (**).
- Không sẵn sàng cho việc có thai tự nhiên (ví dụ: phôi phải sàng lọc do bệnh tật di truyền…) (***).
Mục (**) và (***), nếu chuẩn bị niêm mạc bằng chu kỳ dùng thuốc nội tiết (không có trứng phát triển) hay chỉ quan hệ tự nhiên 1 lần duy nhất trước 1 ngày chuyển phôi (gần như không có cơ hội có thai tự nhiên do trứng đã rụng vài ngày trước đó) thì cũng không có nhiều cơ hội có thai tự nhiên.