Những cặp vợ chồng nhiều lần chuyển phôi thất bại ở nước ngoài, về Việt Nam làm IVF đã bất ngờ đón “trái ngọt”

Thảo Nguyên - Ngày 09/02/2024 14:00 PM (GMT+7)

Gắn bó với nghề hiếm muộn, hỗ trợ sinh sản suốt 15 năm nay, Bác sĩ Thân Trọng Thạch, Giảng viên bộ môn Sản, Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh cho biết đã từng điều trị cho rất nhiều ca thành công, số ca ấn tượng cũng nhiều.

Bác sĩ Thân Trọng Thạch

 Giảng viên bộ môn Sản, ĐH Y Dược TP.HCM

Xem tất cả bài viết của chuyên gia

Với nam bác sĩ hiếm muộn này, mỗi ca thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) là một câu chuyện cảm động, ẩn trong đó là cảm xúc lo lắng, hồi hộp chờ đợi, những hi vọng không thành kèm theo cảm xúc tiêu cực và những thăng hoa khi chuyển trạng thái thành công với cảm xúc tích cực.

2 lần chuyển phôi tại Mỹ thất bại, lần về Việt Nam đã đón nhận hạnh phúc diệu kỳ

Nam bác sĩ hiếm muộn này kể lại, chị H., 38 tuổi lập gia đình đã 8 năm nay nhưng vẫn chưa một lần mang thai. Chị H. là người miền Tây chân chất và lấy chồng Việt kiều Mỹ. Sau kết hôn 1 năm chị quyết định làm IVF lần 1 tại Việt Nam nhưng chuyển phôi thất bại, hết phôi cũng là lúc chị được cấp visa định cư tại Mỹ cùng chồng.

Qua Mỹ, chị dành một thời gian nghỉ ngơi ổn định cuộc sống. Sau thời gian ổn định cuộc sống mới là lúc bản năng muốn làm mẹ trong chị trỗi dậy. Chị quyết định làm IVF lần 2 tại nước Mỹ với chi phí khá đắt đỏ.

Bác sĩ Thân Trọng Thạch đang tư vấn cho vợ chồng hiếm muộn. (Ảnh: BSCC)

Bác sĩ Thân Trọng Thạch đang tư vấn cho vợ chồng hiếm muộn. (Ảnh: BSCC)

Giống như lần 1 tại Việt Nam, chị H. cũng tạo được phôi nhưng chuyển hết phôi vẫn chưa thấy Beta HCG dương lần nào. Hi vọng tích cực vào việc điều trị mới này bao nhiêu thì chị H. lại bị cảm xúc tiêu cực vây lấy bấy nhiêu khi tiếp tục thất bại với số tiền bao dành dụm nhiều năm.

Nhưng chị H. vẫn không bỏ cuộc, chị tìm hiểu và tiếp tục IVF lần 3 tại xứ sở cờ hoa với quyết tâm, nỗ lực mạnh mẽ hơn, kì vọng lớn hơn vì đã tìm hiểu nhiều về quá trình IVF. Và lần IVF thứ 3 này, chị cũng tạo được phôi tốt N5, cũng khảo sát tình trạng viêm mãn nội mạc tử cung bằng phương pháp hiện đại giải trình tự gien khuẩn hệ niêm mạc tử cung… nhưng kết quả vẫn không thay đổi. Chị H. tiếp tục thất bại sau nhiều lần chuyển phôi cho đến khi không còn phôi nào tại Mỹ.

“Nghỉ ngơi một thời gian, chị liên hệ với tôi bày tỏ mong muốn về lại Việt Nam thực hiện IVF lần 4 vì cảm thấy không còn niềm tin cũng như kinh tế để tiếp tục điều trị tại Mỹ. Tuy nhiên, vấn đề là vợ chồng chị không có quá nhiều thời gian để ở Việt Nam điều trị, đặc biệt trong trường hợp “khó” như chị. Thế nên tôi thảo luận chị sẽ dành nhiều thời gian ở Việt Nam để tiến hành IVF tạo phôi N5 và khảo sát lại nguyên nhân thất bại làm tổ nhiều lần”, bác sĩ Thạch chia sẻ.

Sau thời gian trao đổi qua tin nhắn với bác sĩ hiếm muộn, cuối cùng chị H. cũng sắp xếp về Việt Nam rất sớm và tiến hành IVF ngay với kích thích buồng trứng ngẫu nhiên không cần đầu chu kỳ kinh để làm giảm thời gian chờ đợi ra kinh trở lại.

Quá trình thực hiện IVF giai đoạn đầu tạo phôi khá thuận lợi và nhanh chóng, sau 02 tuần đã tạo được phôi N5. Sau đó chị H. đã được khảo sát lại buồng tử cung và thấy toàn bộ buồng tử cung bị viêm mãn tính, không thể nào thuận lợi cho việc làm tổ của phôi.

“Người vợ này đã phải điều trị 03 tuần tiến hành soi lại buồng tử cung, kết quả không thể tuyệt vời hơn khi những tổn thương viêm đã giảm đi hơn 80-90%, buồng tử cung đã đẹp để chuẩn bị tiếp nhận phôi. Thế là xong giai đoạn 2 và chuyển qua giai đoạn 3 chuẩn bị niêm mạc tử cung chuyển phôi. Toàn bộ những lần thất bại trước chị đều sử dụng phác đồ hóc môn thay thế nên lần này tôi cho chị sử dụng những phác đồ khác nhưng sau 04-05 tuần niêm mạc vẫn không thể đẹp được”, bác sĩ Thạch nhớ lại ca IVF khó nhằn.

Thời điểm này, chị H. bắt đầu sốt ruột vì thời gian lưu lại Việt Nam khá lâu. Do áp lực bởi bệnh nhân nên bác sĩ Thạch đã quay lại phác đồ cũ để rút ngắn thời gian chuẩn bị niêm mạc lại. Và lần này, có lẽ chị hợp với phác đồ sử dụng hóc môn thay thế nên niêm mạc nhanh chóng đẹp tuyệt. Sau 02 tuần chuẩn bị, một phôi ngày 5 được chuyển, nhưng lần chuyển phôi đó cũng không dễ dàng, mất rất nhiều thời gian mới đưa được phôi vào buồng tử cung.

Nhiều chị em sau khi chuyển phôi thất bại liên tiếp đã bất ngờ đón nhận tin vui. (Ảnh: BSCC)

Nhiều chị em sau khi chuyển phôi thất bại liên tiếp đã bất ngờ đón nhận tin vui. (Ảnh: BSCC)

“Đây là một ca khó chuyển phôi nhất tôi từng gặp. Mọi thứ đều không thuận lợi nên chị cũng rất lo lắng, có thể nói tôi nhận tin nhắn, trả lời mỗi ngày để chị an tâm, bởi chỉ có tinh thần thoải mái kết quả mới tốt được. Và… phép màu xảy ra khi chị tự thử que tại nhà từ rất sớm đã có 2 vạch một đậm một mờ, chị không tin đó là sự thật, cứ nghĩ đó là giấc mơ. Chị thử thêm vài lần nữa kết quả đều như vậy nên vui lắm gọi cho tôi chỉ để nói đúng 1 câu ‘Bác sĩ giỏi quá’”, bác sĩ Thạch nói.

Ngày xét nghiệm máu beta HCG, chị H. rạng ngời, tinh thần sảng khoái, cười nói vui vẻ hơn như là cả một sự chuyển đổi trạng thái từ tiêu cực sang tích cực rõ rệt nhất của những ca điều trị IVF. Diễn tiến sau đó rất thuận lợi, chị H. có thai nên vui quá không về Mỹ sớm nữa mà ở lại khám tiếp đến qua mốc tuổi thai 12 tuần mới quay về Mỹ. Khi thai 12 tuần mọi thứ đều hoàn hảo, chị H. hẹn 1-2 năm nữa sau khi sinh bé ra sẽ về lại Việt Nam chuyển phôi tiếp để có bé thứ 2 sớm.

2 năm sau cưới chưa có bầu, vợ chồng lục đục kéo nhau từ Mỹ về Việt Nam nghỉ Tết kết hợp khám hiến muộn thì bất ngờ có bầu

Câu chuyện thứ 2 bác sĩ Thạch vẫn nhớ như in đó là trường hợp cặp vợ chồng chị M. còn rất trẻ gần 30 tuổi. Hai vợ chồng chị M. đều định cư tại Mỹ, cưới nhau 02 năm chưa có thai nên lần này họ về Việt Nam thăm gia đình, nghỉ Tết, du lịch và kết hợp khám hiếm muộn.

“Mô hình du lịch - khám bệnh khá phổ biến, tuy nhiên trước đây chỉ ở một số nước phát triển. Nhưng hiện tại tôi khám và điều trị cho rất nhiều cặp đôi sinh sống ở nhiều nước trên thế giới chọn về Việt Nam kết hợp du lịch và điều trị hiếm muộn”, bác sĩ Thạch nhận định.

Vợ chồng chị M. về Việt Nam là qua khám ngay ngày hôm sau. Giống như những ca khám mới khác, bác sĩ Thạch phải dành rất nhiều thời gian để hỏi bệnh sử 2 vợ chồng và tư vấn các vấn đề về hiếm muộn cũng như sắp xếp kế hoạch thời gian cho phù hợp nhất để họ vừa có thể khám, điều trị vừa có thể đi du lịch các nơi đúng theo kế hoạch mong muốn.

Sau gần 30 phút trao đổi, bác sĩ bắt đầu khám siêu âm kiểm tra tử cung, buồng trứng cho chị M. Kết quả ngạc nhiên đến ngỡ ngàng khi mới đặt đầu dò siêu âm đã thấy mầm sống trong tử cung của chị M.. Chị M. đã có túi thai nhỏ 3 mm, chưa có triệu chứng gì nên không cảm nhận được cơ thể đã có một sinh linh bé bỏng mới hình thành.

“Do chu kỳ kinh nguyệt không đều nên chị M. không thể biết được có thai hay không. Vợ chồng chị mừng lắm, chỉ biết cười và không biết nói gì hơn. Chị cứ bảo đi khám hiếm muộn mà chưa khám đã có thai, bác sĩ mát tay và vợ chồng thật có duyên với bác sĩ. Ngẫm lại đúng là cái duyên chứ thật sự tôi chưa làm gì hết”, bác sĩ Thạch vui vẻ nhớ lại.

Bao mong ngóng suốt 9 tháng 10 ngày của mỗi mẹ bầu để có phút giây thiêng liêng thế này. (Ảnh: BSCC)

Bao mong ngóng suốt 9 tháng 10 ngày của mỗi mẹ bầu để có phút giây thiêng liêng thế này. (Ảnh: BSCC)

Ngay sau đó, mọi kế hoạch du lịch của vợ chồng chị M. đều phải thay đổi mặc dù được bác sĩ khuyến khích cứ đi chơi theo kế hoạch nhưng do 2 bên gia đình lo lắng nên chuyến về Việt Nam lần này của họ chỉ để khám thai và theo dõi thai kỳ.

“Khi thai được 07 tuần có tim thai là lúc 2 vợ chồng chị M. tạm biệt để quay về Mỹ tiếp tục công việc và cuộc sống. Hạnh phúc đôi khi chỉ là những điều đơn giản như thế nhưng cũng đủ để bác sĩ hiếm muộn như tôi vui cả ngày rồi”, nam bác sĩ hiếm muộn khẳng định.

6 lần chuyển phôi thất bại, người vợ mất 15 năm đi tìm nguyên nhân hiếm muộn
Hành trình tìm con suốt 15 năm qua của cặp vợ chồng hiếm muộn đã khiến bác sĩ cũng phải buồn lây và quyết tâm truy tìm nguyên nhân.

Câu chuyện mang thai

Theo Thảo Nguyên
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Hiếm muộn - Vô sinh