Hành trình tìm con suốt 15 năm qua của cặp vợ chồng hiếm muộn đã khiến bác sĩ cũng phải buồn lây và quyết tâm truy tìm nguyên nhân.
Kết hôn đã 15 năm nay nhưng vợ chồng chị Đỗ Thu Hiền, 45 tuổi ở Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội vẫn chưa một lần được ôm trong vòng tay. Sau nhiều lần đi khám hiếm muộn, uống đủ các loại thuốc Nam - Bắc tốn kém nhưng chị Hiền vẫn chưa có tin vui.
Thấy nhiều vợ chồng hiếm muộn đi thụ tinh trong ống nghiệm thành công, vợ chồng chị cũng quyết tâm thực hiện IVF. Suốt 15 năm qua, vì quá mong con mà bao tiền của kiếm được, vợ chồng chị Hiền đều dành hết cho 3 lần chọc trứng và 6 lần chuyển phôi nhưng may mắn vẫn chưa mỉm cười với anh chị.
Bác sĩ CKI. Kiều Đức Tỵ thăm khám và truy tìm thủ phạm. (Ảnh: BSCC)
“16 năm dài đằng đẵng vợ chồng nhiều lúc chán nản, mệt mỏi muốn buông xuôi. Nhất là 2 lần mình có bầu nhưng đều bị lưu. Cả 2 đã đi khám tất cả những nơi có thể đi và bỏ ra số tiền không nhỏ. Thế nhưng các bác sĩ vẫn không khẳng định được nguyên nhân gốc rễ của việc nhiều lần vợ chồng mình chuyển phôi thất bại liên tiếp”, chị Hiền chia sẻ.
Ở tuổi 45 vẫn không có một đứa con cho riêng mình, chị Hiền đã quyết định thực hiện chuyển phôi lần thứ 7 cũng như tìm nguyên nhân khiến 6 lần chuyển phôi trước thất bại liên tiếp.
Tại Trung tâm hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Bưu Điện, chị được bác sĩ CKI. Kiều Đức Tỵ thăm khám và truy tìm thủ phạm. Cuối cùng sau 60 phút, bác sĩ đã tìm được nguyên nhân khiến chị Hiền trước đó bị thất bại chuyển phôi liên tiếp.
“Qua 60 phút nghiên cứu từng trang, từng xét nghiệm ở 5 cuốn sổ cũ và siêu âm đánh giá niêm mạc chuyên sâu, mình đã tìm được thứ gọi là nguyên nhân khiến người vợ 45 tuổi trên chưa đón được con yêu về vì thất bại chuyển phôi liên tiếp. Đó chính là do người bệnh bị quá sản và viêm niêm mạc tử cung”, bác sĩ Tỵ nhận định.
Hiện chị Hiền đang được điều trị tích cực với phác đồ đặc biệt. Cả bác sĩ hiếm muộn và vợ chồng tuổi trung niên này đều mong đây sẽ là chìa khóa để mở cánh cửa đón bé đầu lòng ở tuổi 45.
Bác sĩ Đức Tỵ cho biết thêm, bình thường niêm mạc tử cung sẽ có độ dày lớn nhất khoảng 12 - 16mm. Trường hợp niêm mạc tử cung dày hơn 20mm được xem là quá dày và có thể ảnh hưởng đến khả năng thụ thai.
Hiện tượng niêm mạc tử cung quá dày là do sự dư thừa hàm lượng hormone sinh dục ở nữ. Điều này ảnh hưởng đến khả năng sinh sản và khiến chị em phải đối mặt với những vấn đề khác như rong kinh, vô kinh kéo dài, chu kỳ thất thường, thời gian rụng trứng không ổn định,...
Lớp niêm mạc tử cung quá dày cũng là biểu hiện của một số bệnh lý như rối loạn phóng noãn, buồng trứng đa nang,... ảnh hưởng rất lớn đến khả năng có thai của phụ nữ.
6 lần chuyển phôi thất bại, người vợ 45 tuổi mất 15 năm mới tìm ra nguyên nhân khiến cô chưa được đón con đầu lòng. (Ảnh: BSCC )
Ngoài ra, tình trạng viêm niêm mạc tử cung cũng là một căn bệnh mà nhiều phụ nữ thường gặp phải. Khi bị viêm niêm mạc tử cung không được điều trị sẽ gây nên các biến chứng nguy hiểm là viêm phần phụ, nhiễm khuẩn huyết, dính tử cung, viêm phần phụ gây dính tắc vòi trứng. Nghiêm trọng hơn là bị vô sinh do tinh trùng không gặp được trứng để thụ tinh hoặc trứng đã thụ tinh không về được tử cung làm tổ hoặc do tử cung không đảm bảo chức năng cho trứng làm tổ.
Để tránh bị quá sản và viêm niêm mạc tử cung, bác sĩ Đức Tỵ khuyến cáo các chị em cần chú ý khám chuyên khoa định kỳ để kiểm soát tình trạng quá sản nội mạc tử cung, viêm niêm mạc tử cung, sàng lọc ung thư cổ tử cung. Không nên để đến khi có các triệu chứng như tăng dịch tiết âm đạo, rong máu, đau vùng hố chậu, thắt lưng, vô sinh hiếm muộn… mới đi khám khiến quá trình điều trị gặp nhiều khó khăn hơn.
* Tên nhân vật đã được thay đổi.