Xu hướng sinh thêm con khi có điều kiện về kinh tế đang ngày càng phổ biến. Mặc dù có nhiều trường hợp phụ nữ lớn tuổi sinh con khỏe mạnh, nhưng không phải tất cả đều an toàn vì có nhiều rủi ro mang thai tăng theo độ tuổi.
1. Sức khỏe ảnh hưởng vì đã lớn tuổi sinh con
Ở tuổi 46, chị N.T.N.H (ở Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội) mới sinh thêm một bé trai vừa được 4 tháng tuổi. Chị cho biết, mình đã có dấu hiệu tiền mãn kinh từ hai năm trước vì có biểu hiện kinh nguyệt thất thường, thỉnh thoảng có cơn bốc hỏa. Chị không biết mình mang thai cho đến khi thai được hơn 2 tháng tuổi. Nhưng gia đình chị nghĩ đó là điều may mắn, là "lộc trời" cho, chị vẫn quyết định sinh thêm con cho "vui cửa vui nhà".
Tuy nhiên, quá trình mang thai lần này của chị thật gian nan, vất vả. Ở độ tuổi này, chị cảm thấy mình luôn trong tình trạng vật vã, kiệt sức vì ốm nghén, mệt mỏi, đau nhức xương khớp…
"Mình hầu như nằm một chỗ, đếm từng ngày mong em bé ra đời, chưa kể thường xuyên lo lắng vì những nguy cơ đối với em bé và bản thân khi sinh con ở độ tuổi này…", chị chia sẻ.
Trong suốt thời gian mang thai, chị thường xuyên đi khám theo dõi đều đặn. Phát hiện bị đái tháo đường thai kỳ, đường huyết luôn ở mức cao nên chị cần phải khám và theo dõi chặt chẽ, ăn uống kiêng khem theo đúng hướng dẫn của bác sĩ.
Mặc dù sinh con an toàn, nhưng chị H. vẫn muốn khuyên các phụ nữ khác khi tuổi đã cao nên hạn chế sinh nở nếu như chỉ muốn sinh thêm con cho vui, vì điều đó sẽ ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe bản thân, kể cả khi mang thai cũng như sau sinh vì cơ thể không được khỏe mạnh bình thường như khi còn trẻ…
Phụ nữ lớn tuổi mang thai sẽ ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe.
2. Những rủi ro khi sinh con ở phụ nữ lớn tuổi
Theo BSCKII. Nguyễn Thị Minh Phương, Chủ nhiệm khoa Phụ sản, Bệnh viện 354, phụ nữ tuổi cao khi mang thai và sinh đẻ có thể đối mặt với nhiều nguy hiểm, khó có một thai kỳ an toàn.
Đối với người mẹ, một số trường hợp dễ có nguy cơ cao là thai bất thường, hay gặp là chửa trứng. Ngoài ra, sản phụ còn phải đối mặt với các bệnh lý nguy hiểm như tăng huyết áp, tiền sản giật, đái tháo đường… Trong quá trình sinh nở cũng dễ xảy ra biến chứng. Sau khi sinh sức khỏe cũng chậm phục hồi hơn.
Đối với thai nhi, nguy cơ xảy ra dị tật bẩm sinh cao hơn so với khi mang thai lúc người mẹ còn trẻ như: hội chứng Down, dị tật tim, phổi, cơ xương, thai chậm phát triển, sinh non, sinh nhẹ cân, thai lưu…
Theo Hướng dẫn phát hiện sớm - can thiệp sớm khuyết tật trẻ em của Bộ Y tế, về nguyên nhân gây khuyết tật ở trẻ trong nhóm nguyên nhân trước sinh có độ tuổi của bố mẹ: tuổi của mẹ trên 35 và bố trên 45.
Người mẹ mang thai sau 35 tuổi có thể làm tăng nguy cơ sinh mổ, đái tháo đường thai kỳ, tăng huyết áp, tiền sản giật, sinh non. Đặc biệt, nguy cơ con bị dị tật bẩm sinh, chậm phát triển về thần kinh vận động cũng tăng theo tuổi của mẹ.
Nguyên nhân là mẹ càng lớn tuổi, khả năng các nhiễm sắc thể ở trứng dính vào nhau càng cao, dẫn đến những bệnh liên quan rối loạn nhiễm sắc thể như hội chứng Down, Edwards... Nghiên cứu cho thấy người mẹ 25 tuổi, tỷ lệ sinh con mắc bệnh Down chỉ 1/1.250 ca; 1/952 ở mẹ tuổi 30; 1/378 ở mẹ tuổi 35; 1/30 ở mẹ trên 45…
Phụ nữ nên khám sức khỏe trước khi có ý định mang thai để đảm bảo an toàn. Ảnh minh họa
3. Cần lưu ý gì khi mang thai sau tuổi 35?
Nói chung, trong giai đoạn từ độ tuổi sau 35, phụ nữ mang thai và sinh con sẽ gặp những trở ngại lớn về sức khỏe cho cả mẹ và bé. Đặc biệt là các phụ nữ tiền mãn kinh, sau 40 tuổi trở lên hạn chế sinh con do nguy cơ rủi ro rất lớn, có thể gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của mẹ và em bé.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, phụ nữ không nên sinh con quá muộn vì độ tuổi càng cao thì tỷ lệ rủi ro càng lớn. Trong trường hợp vì nhiều lý do sau tuổi 35 mới có thể mang thai và sinh con cần chú ý theo dõi sức khỏe, thăm khám thường xuyên để các bác sĩ chuyên khoa tư vấn biện pháp bảo vệ sức khỏe tốt nhất.
Cách tốt nhất là người phụ nữ nên khám sức khỏe trước khi có ý định mang thai, nếu không đủ điều kiện về sức khỏe thì không nên cố mang thai. Trong quá trình mang thai cần khám theo dõi chặt chẽ bởi bác sĩ chuyên khoa và thực hiện các xét nghiệm sàng lọc dị tật. Nếu mắc các bệnh như tăng huyết áp, đái tháo đường cần được điều trị và tư vấn kỹ để kiểm soát tốt. Cần có chế độ ăn uống và nghỉ ngơi phù hợp để tăng cường sức đề kháng cho mẹ và sự phát triển của thai nhi.