Nguyên nhân ban đầu khiến sản phụ Hồ Thị Mơ (Nghệ An) nguy kịch rồi qua đời sau khi sinh được nghi ngờ là do tắc mạch ối.
Thời gian gần đây, vụ việc thai nhi chết, sản phụ nguy kịch rồi qua đời sau ca mổ đẻ tại bệnh viện Đa khoa huyện Quỳnh Lưu đang thu hút đông đảo sự quan tâm.
Theo đó, sản phụ tên Hồ Thị Mơ (27 tuổi), mang thai 40 tuần nhập viện đa khoa huyện Quỳnh Lưu hôm 19/11. Khi ca đẻ chủ động diễn ra 10 phút thì nhịp tim thai giảm, sản phụ đột ngột ngừng thở, tím tái toàn thân, mất dần ý thức. Bệnh nhân được chẩn đoán ngừng tuần hoàn, nghi do tắc mạch ối, được đặt nội khí quản nhưng vẫn hôn mê.
Do tim thai còn, các bác sĩ quyết định mổ lấy thai. Tuy nhiên em bé chào đời cũng ngừng tuần hoàn sau một giờ cấp cứu tích cực. Sản phụ được mổ cắt tử cung, chuyển lên tuyến trên trong tình trạng nguy kịch. Đến tối ngày 22/11, chị Mơ cũng không qua khỏi.
Bệnh viện đa khoa Quỳnh Lưu, nơi xảy ra sự việc.
Hiện tại, vụ việc đang được sở Y tế Nghệ An và các bên liên quan điều tra, lập hội đồng chuyên môn đánh giá, tìm ra nguyên nhân tử vong.
Trong khi đó, nhiều chị em phụ nữ, đặc biệt là các mẹ bầu đang băn khoăn về tắc mạch ối, nguyên nhân, dấu hiệu và hậu quả biến chứng này.
Trên thực tế, tắc mạch ối là một trong những biến chứng sản khoa đáng sợ không chỉ với sản phụ mà với cả các y bác sĩ. Bởi vì biến chứng này không thể dự báo được, không thể dự phòng được. Và trong hầu hết các trường hợp là không thể điều trị được.
Tắc mạch ối xảy ra khi nào?
Biến chứng tắc mạch ối do nước ối, tế bào thai nhi, chất gây, tóc, bọt khí hoặc mảnh mô chức thai khác lọt vào hệ tuần hoàn của sản phụ dẫn đến suy hô hấp và tuần hoàn cấp tính.
Nước ối là dịch nằm trong buồng ối, bao quanh thai nhi nằm trong tử cung. Khi sắp đẻ ối sẽ bị vỡ, một phần nước ối sẽ chảy ra ngoài, phần còn lại sẽ chảy ra khi sổ thai và sổ nhau. Biến chứng xảy ra khi một lượng nước ối chứa các tế bào màng ối, tế bào bong ra từ thai nhi, các chất gây, cả phân su của thai,… đi vào mạch máu của tử cung về tim rồi lên phổi sẽ tích tụ lại làm nghẽn các động mạch phổi, đồng thời các thành phần trong nước ối giải phóng ra nhiều chất trung gian nội sinh gây ra hội chứng tắc mạch ối.
Tắc mạch ối xảy ra khi có mô lạ hoặc nước ối lọt vào hệ tuần hoàn của sản phụ. (Ảnh minh họa)
Tắc mạch ối thường xảy ra trong chuyển dạ nhưng cũng có thể xảy ra trong khi mổ lấy thai, sảy thai, chấn thương bụng, truyền buồng ối, chọc hút nước ối, thậm chí có thể gặp tắc mạch ối sau khi đẻ, sau mổ lấy thai. Một số lý do hay gặp như: rau cài răng lược, vỡ tử cung, sót rau. Thời điểm xảy ra tắc mạch ối cũng rất khác nhau tùy trường hợp, 12% số trường hợp xảy ra tắc mạch ối khi màng ối còn nguyên, 70% xảy ra sau đẻ qua đường âm đạo, 19% xảy ra trong mổ lấy thai khi đã có chuyển dạ hay khi chưa có chuyển dạ.
Có 3 hoàn cảnh làm cho nước ối đi vào tuần hoàn của người mẹ: Vỡ ối, vỡ tĩnh mạch tử cung hay tĩnh mạch cổ tử cung và áp lực buồng tử cung cao hơn áp lực tĩnh mạch.
Hậu quả của tắc mạch ối
Biến chứng xảy ra khởi đầu là suy hô hấp ở sản phụ, tím tái xảy ra đột ngột trong vài phút, tiếp theo là tụt huyết áp, phù phổi, choáng, biểu hiện thần kinh: mất ý thức, lú lẫn và co giật. Khoảng 40% trường hợp qua được giai đoạn này có biểu hiện chảy máu dữ dội nhiều nơi do đờ tử cung (nếu sau đẻ) và do đông máu rải rác trong lòng mạch. Đặc biệt, chảy máu tử cung không thể cầm được, tỷ lệ có biểu hiện phù phổi ở giai đoạn này cũng rất cao.
Do biến chứng hay xảy ra đột ngột và tiến triển rất nhanh nên hầu hết người bệnh đều tử vong. Trường hợp thai nhi chưa xổ thì hầu hết không thể cứu kịp, bác sỹ có thể mổ ngay để cứu thai nhi nhưng tính may rủi rất lớn.
Những ai dễ bị tắc mạch ối?
Tắc mạch ối xảy ra bất ngờ và có thể khiến sản phụ mất mạng trong vài phút. (Ảnh minh họa)
Tắc mạch ối có thể xảy ra ở bất cứ thai phụ nào trong cuộc đẻ hoặc mổ lấy thai sau đẻ... Tuy nhiên, người mẹ rơi vào những trường hợp sau thì nguy cơ bị tắc mạch ối cao hơn.
- Mẹ từ 35 tuổi trở lên và sinh con rạ. (75% các trường hợp tắc mạch ối là mang con rạ)
- Mẹ mang thai con trai, (67% số trường hợp tắc mạch ối là mang thai trai).
- Mẹ phải mổ lấy thai, đẻ đường dưới có can thiệp thủ thuật foóc-xép hay giác kéo có nguy cơ cao hơn đẻ thường.
- Mẹ mang đa thai, đa ối (tử cung quá to) hoặc thai chết lưu, bị vỡ ối, rách cổ tử cung, vỡ tử cung, rau tiền đạo, rau bong non, sản giật, gây chuyển dạ cũng có nguy cơ bị tắc mạch ối.
Tuy cực kỳ nguy hiểm nhưng may mắn thay là tỉ lệ mắc biến chứng tắc mạch ối rất thấp. Ở Hoa Kỳ, ước tính 1 trường hợp tắc mạch ối 8.000 - 30.000 thai nghén. Một nghiên cứu ở Canada từ năm 1991 - 2002 trên 3 triệu trường hợp đẻ trong bệnh viện cho thấy, tỷ lệ tắc mạch ối là 14,8/100.000 trường hợp đẻ đa thai, 6,0/100.000 đẻ một thai.