Siêu âm không chỉ giúp các mẹ nhìn thấy con mà đây còn là cách để kiểm tra sức khỏe của mẹ và đánh giá sự phát triển của bé. Tuy nhiên, tần suất thực hiện như thế nào thì hợp lý và 1 tuần siêu âm 2 lần có sao không, các mẹ hãy cùng tìm hiểu bài viết dưới đây.
Siêu âm trong thai kỳ luôn là một vấn đề được các mẹ quan tâm rất nhiều, bởi siêu âm sẽ giúp các mẹ biết được ngày dự sinh, giới tính của bé hay bé có phát triển đúng tuổi thai không, có bị dị tật trên người hay mắc phải hội chứng Down không,... Hoặc đơn giản là để gặp con, nhiều thai phụ sẽ đi siêu âm rất nhiều lần trong quá trình mang thai, thậm chí là siêu âm 2 lần 1 tuần.
Vậy siêu âm nhiều lần, 1 tuần siêu âm 2 lần có sao không? Tuy nhiên, để trả lời câu hỏi này, các mẹ cũng nên tìm hiểu qua siêu âm thai hoạt động như thế nào để biết được việc siêu âm nhiều có gây ảnh hưởng gì tới thai nhi không nhé.
"1 tuần siêu âm 2 lần có sao không?" là câu hỏi được khá nhiều mẹ quan tâm khi muốn đi siêu âm thường xuyên. (Ảnh minh họa)
Siêu âm hoạt động như thế nào?
Siêu âm là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh không xâm lấn sử dụng những sóng âm tần số cao mà tai mình không nghe được. Sóng âm này được phát từ một thiết bị gọi là “đầu dò”, truyền sóng âm qua da, đi qua thành bụng rồi dội lại và chuyển đổi thành dạng hình ảnh hiển thị trên màn hình.
Siêu âm sử dụng sóng âm, tức âm thanh, nên em bé sẽ không hề bị chói mắt hoặc đau khi siêu âm. Vì vậy, phương pháp này có độ an toàn cao, không gây ảnh hưởng tới thai nhi.
1 tuần siêu âm 2 lần có sao không?
Do siêu âm không gây ra khó chịu gì nên nhiều mẹ muốn đi siêu âm thường xuyên để ngắm con, xem con phát triển như thế nào. Cũng chính vì lẽ đó mà nỗi băn khoăn siêu âm thai nhiều lần có tốt không xuất hiện.
Tính tới thời điểm hiện tại, chưa có nghiên cứu khoa học nào cho thấy việc siêu âm nhiều lần sẽ gây hại cho thai nhi. Nhưng “chưa có” không đồng nghĩa là “không có”. Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng việc siêu âm quá nhiều lần có thể khiến bà bầu cảm thấy căng thẳng hơn về các chỉ số phát triển của thai nhi.
Vì vậy, các bác sĩ vẫn khuyên thai phụ không nên quá lạm dụng phương pháp siêu âm, vừa tốn thời gian, tiền bạc mà không cần thiết. Siêu âm chỉ nên thực hiện khi có chỉ định của bác sĩ hoặc khi có dấu hiệu bất thường như ra máu bất thường, đau bụng, thai ít hoạt động hơn bình thường,...
Siêu âm sẽ giúp mẹ biết được liệu thai nhi có phát triển khỏe mạnh hay không. (Ảnh minh họa)
Khoảng cách giữa 2 lần siêu âm bao lâu là hợp lý?
Theo khuyến cáo của bác sĩ sản khoa, trong suốt thai kỳ có 5 mốc quan trọng mẹ bầu phải đi khám và siêu âm:
- Sau khi biết thụ thai: Giúp chị em biết chính xác mình đã cấn bầu hay chưa, vị trí thai nằm ở đâu, số lượng thai là bao nhiêu, thai có bình thường hay không.
- Tuần 11 - 13 của thai kỳ: Xác định chính xác tuổi thai, từ đó xác định ngày dự sinh và đo độ mờ da gáy của thai nhi để tiên lượng nguy cơ mắc hội chứng Down trong thai kỳ.
- Tuần 15 - 20 của thai kỳ: Lần siêu âm này thường được chỉ định vào tuần 16. Siêu âm ở mốc này có mục đích sàng lọc dị tật ống thần kinh của thai nhi.
- Tuần 21 - 25 của thai kỳ: Khảo sát hình thể của thai nhi để biết được liệu thai nhi có khỏe mạnh hay mắc một số dị tật như sứt môi, hở hàm ếch,...
- Tuần 32 - 36 của thai kỳ: Thông qua siêu âm, bác sĩ sẽ đánh giá được sự phù hợp giữa độ tuổi với sự phát triển của thai nhi, khảo sát bánh nhau, ngôi thai, lượng nước ối.
Nhiều thai phụ thường đi siêu âm nhiều lần trong 3 tháng đầu, tuy nhiên 3 tháng cuối, đặc biệt là tháng cuối trước ngày dự sinh, mới là thời điểm thai phụ nên đi siêu âm và khám thai thường xuyên hơn. Các chuyên gia gợi ý:
- Thai nhi từ 32 - 36 tuần tuổi, thai phụ nên đi khám 2 lần/tuần.
- Thai nhi từ 36 - 39 tuần tuổi, thai phụ nên đi khám 1 tuần/lần.
- Thai nhi sau 39 tuần tuổi, thai phụ nên đi khám 3 ngày/lần.
Hy vọng những chia sẻ này sẽ giúp mẹ bầu biết được 1 tuần siêu âm 2 lần có sao không và siêu âm như thế nào để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé.