Sau nhiều năm hiếm muộn, người phụ nữ này đã từng xin trứng để thụ tinh ống nghiệm tìm con nhưng vẫn thất bại. Lúc vô vọng nhất thì tin vui lại bất ngờ đến với chị.
Khi nhắc tới những trường hợp hiếm muộn phải trải qua muôn vàn vất vả và phiền muộn để tìm con, Tiến sĩ - Bác sĩ Bùi Chí Thương, Trưởng khối Sản, Bệnh viện Nhân Dân Gia Định, TP. Hồ Chí Minh kể về một trường hợp sản phụ tưởng như vô vọng trong hành trình tìm con vừa được hạnh phúc ôm con trong vòng tay.
Bác sĩ Bùi Chí Thương kể, cách đây 4 năm, một phụ nữ hiếm muộn tên Q.,35 tuổi (tên nhân vật đã được thay đổi) ở TP. Hồ Chí Minh có tìm đến phòng mạch. Chị Q. chia sẻ rằng đang rất mong có con và đã thụ tinh ống nghiệm (IVF) bằng trứng của mình nhưng không may mắn đậu thai.
Người phụ nữ này rất mong có con và đã thụ tinh ống nghiệm (IVF) bằng trứng của mình nhưng không may mắn đậu thai. (Ảnh minh họa)
Sau khi thăm khám, xem hồ sơ thì bác sĩ Thương thấy chị Q. chẳng những trên 35 tuổi, trứng ít mà tử cung còn bị u xơ chằng chịt như củ gừng nên IVF khó có thai. Bởi thế bác sĩ đã khuyên người phụ nữ hiếm muộn tìm người để xin trứng và làm thụ tinh ống nghiệm tiếp.
Khoảng một năm sau, bác sĩ lại nhận được tin nhắn của chị Q. cho biết đã được em gái cho 12 trứng nhưng chỉ tạo ra được 1 phôi loại 2. Điều này khiến chị Q. rất buồn, không biết làm sao. Lại một lần nữa bác sĩ đã khuyên chị Q. tiếp tục chuyển phôi vì không có lựa chọn nào khác nữa. Lần này, may mắn vẫn chưa đến khi chị Q. chuyển phôi không thành công.
Một thời gian sau người phụ nữ hiếm muộn này lại đến phòng mạch gặp bác sĩ. Lúc này chị đã gần 40 tuổi. Nhìn chị buồn rầu và cảm thấy vô vọng trong hành trình tìm con, bác sĩ Thương đã phải động viên chị đừng dằn vặt bản thân vì đã chị làm hết cách rồi, cứ nghỉ ngơi thư giãn rồi tính tiếp. Nghe lời bác sĩ, chị Q. lại lủi thủi ra về.
“Bẵng đi một thời gian, chị lại tới. Vừa thấy chị, tôi chuẩn bị tinh thần nghe thông báo xấu. Nhưng không, lần này chị tới để khoe sau khi nghe lời khuyên chị về nghỉ ngơi, may mắn sao có thai tự nhiên. Nghe tin chị báo có bầu tự nhiên mà tôi còn tưởng mình nằm mơ, không tin vào tai mình”, bác sĩ Thương nhớ lại.
Sau khi kiểm tra, bước đầu thấy thai kỳ ổn định nhưng vì chị Q. đã lớn tuổi, hiếm muộn và đa u xơ tử cung nên đã được cho uống thuốc dưỡng thai và dự phòng tiền sản giật. Do mẹ bầu ở xa nên bác sĩ cũng dặn dò kỹ và khuyên chị khám thai ở bệnh viện gần nhà cho tiện.
“Chị cũng nghe lời khám thai ở bệnh viện gần nhà, nhưng mỗi lần khám thai chị lo vì siêu âm thấy thai nhỏ, bác sĩ tư vấn nguy cơ này kia. Tôi phải trấn an rằng chị không còn cơ hội nào nữa, dù thế nào thì thai này là cục vàng, là tài sản của chị, chị đừng lo nghĩ gì, cứ bơ đi mà sống cho thai kỳ khỏe mạnh và an vui nhất”, vị bác sĩ này nhớ lại.
Khi ở tuần thứ 34, mẹ bầu này muốn bác sĩ mổ lấy thai ra sớm vì chỉ số xương đùi dưới bách phân vị 1 và tăng trở kháng động mạch rốn, bánh nhau vôi hóa, thai 1900g.
“Thời điểm ấy cá nhân tôi là bác sĩ chuyên khoa mà cũng thấy thật khó xử. Con quý, con hiếm, nếu đem ra non quá khó nuôi, còn nếu để trong đó coi chừng mất tim thai là không thể bù đắp. Vì thế tôi xem biểu đồ tim thai Nonstress test, thấy Nonstress test còn được, nghĩa là chưa sao nên khuyên mẹ bầu siêu âm doppler và đo Nonstress test mỗi 3 ngày xem sao.
Từ đó, cứ mỗi 3 ngày từ quận 12 chị lên quận 1 để siêu âm và đo Nonstress test, sau đó đem qua bác sĩ xem. Mỗi lần nhìn kết quả, tôi cười là chị cười theo”, bác sĩ Thương kể.
Tiến sĩ - Bác sĩ Bùi Chí Thương thăm hỏi một sản phụ mới sinh.
Nhờ kiên trì và nhẫn nại, cuối cùng mẹ bầu 40 tuổi cũng cán mốc 39 tuần mới chuyển dạ. Do u xơ nhiều, ngôi thai ngang nên chị vào Bệnh Viện Nhân Dân Gia Định mổ lấy thai. May mắn ca mổ đã thành công và con sơ sinh nặng 3kg của chị đã chào đời. Hiện 2 mẹ con chị Q. đã được xuất viện về nhà.
Chia sẻ về niềm hạnh phúc với mẹ hiếm muộn trên, bác sĩ Thương giãi bày: “Nhìn thấy chị Q. được làm mẹ sau nhiều năm hiếm muộn mà tôi cũng mừng cho hạnh phúc muộn màng của chị ấy”.
Tại sao căng thẳng lại là một trong những nguyên nhân dẫn đến khó thụ thai?
Mặc dù chỉ một mình căng thẳng thì không gây vô sinh, nhưng căng thẳng có thể khiến người bệnh thực hiện những hành vi không lành mạnh có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Ví dụ: khi bạn căng thẳng, bạn có thể:
- Ngủ quá nhiều hoặc ngủ quá ít
- Ăn uống theo cảm xúc hoặc không có đủ thời gian để ăn uống hợp lý
- Không có đủ thời gian để tập thể dục hoặc ép bản thân tập thể dục quá sức
- Uống quá nhiều đồ uống có cồn
- Hút thuốc lá, hoặc nếu bạn đã bỏ hút thuốc thì bắt đầu hút thuốc lại
- Uống quá nhiều cà phê, đặc biệt là nếu bạn bị thiếu ngủ
- Mất hứng thú trong quan hệ tình dục
Tất cả những điều này là những thói quen có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của bạn.