Mặc dù hai bà thông gia sống chung với nhau nhưng thân thiết, yêu thương nhau hơn cả chị em ruột.
Anh Trần Thái Thông (ở TP.Cần Thơ, kinh doanh kim cương) kết hôn với chị Nguyễn Hiền Nhiên (hay còn gọi là Hini Nguyễn) đã kết hôn 6 năm. Từng ấy năm làm chồng cũng là từng ấy năm anh Thái Thông sống chung nhà với mẹ vợ là cô Trần Thị Mãi (SN 1968). Không những vậy, vợ chồng em trai của anh Thông cùng mẹ vợ của em trai cũng sống cùng nhà.
Vợ chồng anh Thông trong đám cưới của Midu.
Chàng rể “vàng mười”, mẹ vợ không chê được điểm nào
Cô Mãi cho biết, lần đầu tiên chị Nhiên đưa anh Thông về nhà chơi với tư cách là bạn bè đúng vào ngày 29 Tết khi gia đình cô đang vào nhà mới. Khi đó, cô thấy anh Thông có dáng vẻ thư sinh, hiền lành nhưng sức hơi yếu. “29 Tết vào nhà mới, nhờ Thông khiêng bàn khiêng ghế vào mà yếu lắm”, cô Mãi kể lại.
Về phía anh Thông, ấn tượng đầu tiên của anh về mẹ vợ tương lai là hiền lành, ít nói. Anh rất thương mẹ vợ vì bà đã một mình vất vả nuôi 2 người con ăn học trưởng thành. Vì thế, ngay từ lúc yêu anh đã nghĩ rằng, sau này khi kết hôn anh sẽ phải có trách nhiệm với mẹ vợ.
Nửa năm sau khi ra mắt, anh Thông và chị Nhiên kết hôn, từ đó anh Thông ở rể nhà cô Mãi. Chia sẻ về điều này, anh Thông cho biết, mẹ vợ luôn có một mình, trước giờ chị Nhiên ở đâu là cô Mãi ở đó nên anh mới quyết định đi ở rể.
Trước khi cưới, anh cũng hay qua nhà mẹ vợ chơi. Qua một thời gian tiếp xúc, cả anh Thông và cô Mãi đều có ấn tượng tốt đẹp về nhau nên khi sống chung nhà, mẹ vợ và con rể đều rất thoải mái. “Thực ra ban đầu nghĩ đến chuyện ở rể tôi cũng sợ. Nhưng thời gian yêu nhau, tiếp xúc nhiều tôi đã hiểu được tính tình của mẹ rồi”, anh Thông cho hay.
Anh cho biết, anh và mẹ vợ có điểm chung là ít nói nhưng rất quan tâm đến những người xung quanh. Hai mẹ con rất hợp tính nhau. Ở chung nhà, tiếp xúc thường xuyên nên hai mẹ con càng hiểu tâm tư của nhau.
Tổ ấm hạnh phúc của cặp đôi.
Về phía cô Mãi, cô khen con rể không tiếc lời. 6 năm mẹ con chung sống dưới một mái nhà, anh Thông chưa từng làm điều gì khiến cô Mãi phải buồn phiền hay tức giận. Cô Mãi cũng không thấy con rể có tật xấu gì, lúc nào cũng điềm đạm, hiền lành. Thậm chí, anh còn chăm con rất khéo, mọi việc từ cho con ăn, ngủ, vệ sinh, chơi với con,… anh đều làm được.
Tuy ít nói nhưng anh Thông luôn để ý và quan tâm tới mẹ vợ. Anh thường nhắc vợ nếu thấy mẹ thiếu gì thì sắm sửa cho mẹ.
Cô Mãi kể, khi có con rể, cô mới biết sinh nhật là gì. “Năm đầu tiên Thông về làm rể, hai vợ chồng con đã tổ chức sinh nhật cho tôi và tặng mẹ một bộ trang sức kim cương trị giá hơn 1 tỷ đồng. Trước giờ cuộc sống của tôi hơi chật vật khó khăn, một mình nuôi hai đứa con tới lớn. Bình thường tôi ham vàng lắm nhưng không có tiền sắm đeo. Hôm đó con rể tặng nguyên bộ trang sức kim cương, tôi vui và xúc động lắm. Tôi nuôi con lớn, con lấy chồng rồi con rể lại thương mình như vậy. Khi nhận quà của con, tôi đã khóc. Đó giọt nước mắt của hạnh phúc”, cô Mãi nghẹn ngào kể lại.
Hai bà sui ở cùng nhà, quý nhau hơn chị em ruột
Sau khi bố ruột của anh Thông mất, anh quyết định đón mẹ ruột về sống cùng. Hai bà thông gia sống chung dưới một mái nhà nhưng vô cùng thân thiết và quý mến nhau. “Thân hơn cả chị em ruột nữa. Hai bà đi đâu cũng đi cùng nhau, ngủ cùng nhau, trò chuyện, chia sẻ với nhau”, cô Mãi nói.
Sau khi em trai anh Thông kết hôn, mẹ vợ của em trai cũng tới ở cùng. Thành ra, nhà có 3 bà sui gia sống với nhau.
Cô Mãi (bên trái) và bà thông gia.
Chia sẻ bí quyết giữ gìn hòa khí trong nhà, cô Mãi cho biết: “Mỗi người mỗi tính, không ai giống nhau. Mình phải biết nhường nhịn, thông cảm với nhau để gia đình vui vẻ, con cái hạnh phúc. Ví dụ như hai chị em sống chung không vui, con mình đâu có vui, đâu có hạnh phúc”.
Cô Mãi và bà thông gia luôn phân công công việc rõ ràng. Cô Mãi phụ trách việc cơm nước, chợ búa còn bà nội thì chăm các cháu. “Các con cũng có công việc của chúng, đó là ra ngoài kiếm tiền. Việc ai nấy làm, không ai soi mói việc của người khác”, cô Mãi nói.
Bên cạnh đó, hai bà sui lúc nào cũng nhắc nhở, vun vén cho các con. Chẳng hạn như mẹ anh Thông nhắc nhở con trai nên nhường nhịn vợ. Cô hay nói với anh Thông: "Vợ con là đứa dễ thương, biết cách sống nhưng tính nó nóng nảy. Thôi thì mình là đàn ông nên nhường vợ một chút cho êm ấm cửa nhà, cãi qua cãi lại mất vui". Còn cô Mãi luôn bênh vực con rể, thấy con gái hay bắt nạt chồng là chấn chỉnh ngay: "Đừng thấy chồng hiền mà ăn hiếp nó, tội nghiệp".
Đại gia đình sống chung nhà nhưng luôn vui vẻ, hòa thuận khiến nhiều người vô cùng ngưỡng mộ.