Những tưởng cuối cùng cũng được ngồi ăn chút gì đó lót dạ cho đỡ mệt, nào ngờ tôi vừa đưa miếng thức ăn vào miệng thì bố chồng đột ngột lên tiếng.
Tôi và em gái chồng bằng tuổi, cả hai đều có dự định sẽ tổ chức đám cưới vào năm ngoái. Em gái chồng báo với bố mẹ trước, còn tôi và chồng báo sau nên đám cưới của cô em sẽ được tổ chức trước vào giữa năm, còn đám cưới của tôi sẽ lùi về giữa năm. Tuy nhiên do dịch bệnh nên đám cưới của cả hai đứa đều bị trì hoãn, em chồng lùi về cuối năm còn vợ chồng tôi đành phải đăng ký kết hôn trước, đợi tới năm nay thì làm tiệc báo hỉ sau.
Khi em chồng tổ chức đám cưới, lúc đó tôi và chồng mới đăng ký kết hôn được gần một tháng. Tuy chưa có trầu cau đưa rước nhưng đã đăng ký kết hôn rồi thì tôi là dâu con trong nhà nên đám cưới của em cũng có một phần trách nhiệm.
Trước cưới tôi xin nghỉ làm 2 ngày để về lo đám cưới cho em chồng, phần vì nhà neo người phần vì bố mẹ chồng tôi cũng có tuổi rồi. Một mình tôi dọn dẹp nhà cửa từ trong ra ngoài, lo kẹo bánh, trà nước rồi phụ bố mẹ làm những việc linh tinh khác, lúc nào cũng luôn tay luôn chân. Nhưng cũng may nhà tôi đặt cỗ nên cũng đỡ được khoản nấu cỗ cưới. Dẫu vậy sáng hôm đám cưới tôi vẫn phải dậy sớm chuẩn bị bữa sáng cho mọi người gồm anh em từ dưới quê lên, bạn bè em chồng lên sớm ngủ lại qua đêm,…
Chắc nhà ai có đám cưới cũng hiểu cảnh phải chạy vặt khắp nơi, tôi cũng vậy. Khi tiệc đám cưới sắp tàn, chỉ còn bàn ăn thừa thì tôi mới được ngồi xuống ăn một chút cho đỡ đói. Trên bàn tiệc có tôi cùng bố chồng và một vài người họ hàng nữa.
Mấy hôm về dọn dẹp, chuẩn bị đám cưới cho em gái chồng mà tôi mệt rã rời. (Ảnh minh họa)
Những tưởng cuối cùng cũng được ngồi ăn chút gì đó lót dạ cho đỡ mệt, nào ngờ tôi vừa đưa miếng thức ăn vào miệng thì bố chồng đột ngột lên tiếng:
- Cơm nhà hàng này nấu khô quá, thế này thì sao mà ăn được. Thanh (tên tôi) chạy về nhà cắm lại nồi cơm nguội rồi mang sang đây cho thằng Tuấn (tên em rể tôi) ăn, chứ khô thế này sợ nó không nuốt nổi, nó đói thì biết phải làm thế nào?
Nghe yêu cầu của bố chồng mà tôi đứng hình mất mấy giây, những người ngồi cùng bàn cũng tròn mắt kinh ngạc, nhất thời không nói nên lời. Nhà tôi tuy đặt cỗ nhưng không tổ chức đám cưới ở nhà hàng mà mượn khoảng đất trống trong tổ dân phố để dựng rạp vì sân nhà không có không gian, chỗ đó cách nhà tôi khoảng 300m.
Chạy loăng quăng từ sáng trên đôi giày cao gót khiến tôi mệt rã rời, thật sự không muốn về nhà chỉ vì cái chuyện nhỏ nhặt như vậy. Ngoài ra tôi thấy yêu cầu của bố chồng khá vô lý, bởi cơm nhà hàng nấu tuy không dẻo thơm như cơm ở nhà nhưng không tới mức không thể nuốt nổi vì chính tôi cũng đang ăn cơm đó mà.
Hơn nữa trên bàn tiệc cũng có bao nhiêu món, nào xôi, nào bún, thịt gà,… thiếu gì đồ ăn mà ông phải bắt con dâu về cắm cơm mang sang cho con rể ăn như vậy. Khi đang nghệt mặt ra chưa biết phải từ chối bố chồng thế nào thì mấy chị dâu họ ngồi cùng bàn tiệc vội vàng “chống đỡ” hộ tôi.
Trong bàn tiệc, bố chồng bỗng yêu cầu tôi về nhà cắm cơm cho em rể ăn. (Ảnh minh họa)
- Chú ơi, cơm có khô mấy đâu, với thiếu gì đồ ăn đâu mà phải lặn lội về nhà cắm lại cơm nguội làm gì. Với lại nhà mình ăn cỗ từ hôm qua tới bây giờ, có cắm cơm đâu mà có cơm nguội thừa ra.
Nói mãi một lúc bố chồng mới thôi, không bắt tôi phải về nhà nữa. Tuy là chuyện nhỏ nhưng với một đứa mới về làm dâu, nghe bố chồng nói như vậy tôi vẫn chạnh lòng đôi chút, thậm chí nghĩ ngợi có khi nào ông chỉ trọng con rể coi khinh con dâu không.
Đến nay đã gần một năm làm dâu, tôi cũng hiểu hơn về người bố chồng này. Thực ra bố không hề trọng nam khinh nữ, con dâu con rể ông đều quý như nhau. Nhớ có hôm trời nắng chang chang 37-38 độ, biết tôi thích ăn mít mật mà ông vẫn đội nắng đi lùng sục khắp làng trên xóm dưới cho tôi. Nhìn ông nhễ nhại mồ hôi, khệ nệ bê quả mít về nhà lúc 12 giờ trưa mà tôi nghẹn ngào…