Thịt chân giò trước hay sau của lợn thì ngon? Người nuôi lâu năm mách mẹo tránh mua nhầm

Lam Anh - Ngày 13/08/2021 09:27 AM (GMT+7)

Hóa ra, chân giò trước và sau có sự khác nhau về hương vị và mục đích sử dụng.

Thịt chân giò trước hay sau của lợn thì ngon? Người nuôi lâu năm mách mẹo tránh mua nhầm - 1

Chân giò hay thịt chân giò là một trong những bộ phận ngon nhất của con lợn. Phần thịt chân giò này có gân, giòn, hơi giai lại bổ dưỡng nên nhiều người ưa thích. Thịt chân giò có thể đem luộc, xào, hầm canh, kho, rim, làm nhân bánh bao, giả cầy, chạo... mà món nào cũng rất ngon, hấp dẫn. 

Một con lợn có 2 chân giò trước và 2 chân giò sau. Tuy nhiên nhiều người thích chọn chân trước hơn là mua chân giò sau vì cho rằng chân trước ngon hơn. Vậy thực thế, thịt chân trước của lợn ngon hay chân sau ngon hơn? Nó khác nhau nhiều về hương vị và dinh dưỡng không? Người nuôi lợn lâu năm đã cho biết, khó đánh giá chân nào ngon hơn tuy nhiên nó cũng có sự khác biệt nhất định giữa hai loại này.

Thịt chân giò trước hay sau của lợn thì ngon? Người nuôi lâu năm mách mẹo tránh mua nhầm - 2

Do đó, khi mua, chị em cần hiểu để phân biệt, lựa chọn đúng loại chân giò phù hợp với mục đích sử dụng của mình:

Ở phần thịt chân giò trước

Thông thường con lợn sử dụng chân trước nhiều, do đó, ở phần thịt chân trước này cũng có nhiều gân hơn, mỡ cũng nhiều hơn, thịt ít tuy nhiên thịt ở phần này lại mềm. Mặc dù thịt ở chân trước ít hơn chân sau nhưng hương vị lại có chút tinh thế hơn, thanh hơn, ngọt, thơm và hơi giòn. 

Do đó, thịt chân trước rất phù hợp để làm món luộc, giả cầy, nhân bánh bao,.. Các món ăn làm từ thịt chân trước có hương vị thơm ngon hơn hẳn. 

Thịt chân giò trước hay sau của lợn thì ngon? Người nuôi lâu năm mách mẹo tránh mua nhầm - 3

Phần thịt chân sau

Chân sau của lợn vốn ít hoạt động cho nên phần này ít cơ, khối lượng cũng lớn hơn và nhiều thịt hơn. Mỡ ở phần này cũng phân bố đều và nhiều trên bề mặt mặc dù vậy, thịt nạc vẫn chiếm đa số. 

Chính vì có nhiều nạc, thịt lại chắc nên bạn có thể dùng phần bắp thịt này để xào, làm thịt băm, chạo, nấu cháo, kho, hầm, thậm chí làm heo khô xé nhỏ... đều được. Trước khi nấu phần thịt này, bạn có thể ướp thêm chút rượu nấu ăn sẽ rất ngon. 

Thịt chân giò trước hay sau của lợn thì ngon? Người nuôi lâu năm mách mẹo tránh mua nhầm - 4

Như vậy, có thể khẳng định sự khác nhau giữa chân giò trước và chân giò sau là ở chân trước, ít thịt, thịt mềm, nhiều gân. Còn chân sau nhiều thịt, ít gân. Do đó, tùy vào mục đích sử dụng mà bạn mua cho đúng loại chân giò về chế biến thì món ăn mới ngon và hấp dẫn.

Tham khảo thêm 1 vài món ngon từ chân giò:

1. CHẠO CHÂN GIÒ

Nguyên liệu:

- Thịt chân giò: 500g

- Riềng: 150g

- 4-5 củ sả

- 3-4 quả khế chua

- 20g vừng

- 4-5 cái lá chanh

- Ớt, tỏi, muối, đường, chanh

- Rau ăn cùng: lá sung, lá đinh lăng hoặc các loại lá khác như lá mơ, rau thơm các loại.

Cách làm:

Thịt chân giò rửa sạch, để ráo sau đó đem thui vàng. Ngon nhất là bạn thui bằng rơm, nếu không có rơm bạn có thể quấn giấy xung quanh miếng thịt rồi thui hoặc cho lên bếp lửa thui vàng các mặt cũng được.

Thịt sau khi thui, rửa lại cho sạch rồi cho vào áp chảo cùng với vài lát riềng, sả lót dưới đáy chảo. Đun với lửa liu riu khoảng 15-20 phút, khi thịt chín có màu vàng sậm, mùi thơm của thịt quyện cùng mùi thơm của sả của riềng.

Riềng rửa sạch, thái lát sau đó cho vào cối giã nhỏ hoặc cho vào máy xay, xay nhỏ. Khế rửa sạch, gọt bỏ viền xung quanh, bỏ hạt, lõi sau đó thái lát mỏng. Tỏi bóc vỏ, rửa sạch, bằm nhỏ. Ớt rửa sạch, xắt nhỏ. Lá chanh rửa sạch, thái nhỏ. Vừng rang chín.

Thái thịt thành những miếng mỏng.

Thịt sau khi thái mỏng, trước hết đem bóp cùng với khế chua ở trên sao cho vị chua của khế ngấm vào thịt. Tiếp đến cho riềng đã giã nhỏ ở trên cùng vài lát ớt, chút gia vị nêm nếm cho vừa miệng. Cuối cùng rắc chút vừng, lá chanh và vài lát sả trộn đều là được.

Chạo chân giò ăn kèm với các loại lá như lá sung, lá lộc vừng, lá đinh lăng hoặc thêm chút lá mơ, rau thơm các loại. Chấm cùng tương bần hoặc nước mắm chua ngọt. Khi ăn mùi thơm của thịt nướng quyện cùng mùi thơm của riềng, sả, lá chanh tạo nên hương vị đậm đà, hấp dẫn cho món ăn này.

Thịt chân giò trước hay sau của lợn thì ngon? Người nuôi lâu năm mách mẹo tránh mua nhầm - 5

2. THỊT CHÂN OM

Nguyên liệu:

- 1 cái chân giò

- Lượng bột đậu nành thích hợp

- 1 miếng gừng nhỏ

- Lượng hành lá vừa đủ

- 1 miếng quế nhỏ

- 2 lá hương diệp

- 2 quả ớt khô

- Hạt tiêu: 10 hạt

- 2 hoa hồi

- 20g đường phèn

Cách làm: 

- Làm sạch lông heo còn sót lại trên chân giò. Sau đó lọc bỏ xương, lấy toàn bộ phần thịt chân giò có cả bì.

- Cho phần thịt chân giò vào nước lạnh, thêm 1 thìa rượu và nửa thìa giấm. Đun sôi bùng lên trên lửa lớn khoảng 3 phút. Giấm sẽ giúp loại bỏ mùi tanh ở thịt.

- Xoa đều lên thịt một lớp gồm bột đậu nành và 5 thìa xì dầu. Cả phần bì heo và phần thịt đều phải được xoa đều. Chú ý làm ngay lúc thịt vớt ra còn nóng. Sau đó bọc lại bằng màng bọc thực phẩm và ướp trong 2 giờ. Bột đậu nành có tác dụng tẩy sạch, làm trắng và mềm thịt.

- Sau khi ướp thịt chân giò, cho thêm gừng, hành lá, quế, hương diệp, hoa hồi, ớt khô, hạt tiêu, đường phèn, 3 thìa muối và 1 bát nước lọc to vào nồi. Lượng nước không được ngập quá thịt.

- Đậy nắp nồi áp suất và hầm đến khi thịt chân giò mềm. Sau khi tắt bếp, ngâm thịt trong nước gia vị thêm 1 tiếng để thịt ngấm gia vị tốt nhất. 

- Trải 1 lớp màng bọc thực phẩm lên thớt. Vớt thịt chân giò đặt lên sao cho phía bì heo hướng xuống dưới như hình. Gạt bỏ các loại gia vị bám trên bề mặt thịt, không để thịt còn dính quá nhiều nước súp. Chuẩn bị cuộn thịt, nếu thấy bề mặt thịt có phần nhấp nhô khó cuộn thì hãy dùng dao chỉnh sửa lại cho bằng phẳng.

- Cuộn tròn màng bọc thực phẩm từ 1 bên sao cho miếng thịt chân giò hoàn toàn cuộn chặt lại với nhau như hình. Lúc này mới có 1 lớp màng bọc, cuộn thịt vẫn chưa được chặt cho lắm.

- Để cuộn thịt được chặt hơn, hãy bọc thêm vài lớp màng học thực phẩm rồi cột chặt 2 đầu như hình. Sau đó đặt cuộn thịt vào trong ngăn mát tủ lạnh.

- Sau khi thịt được làm lạnh, tháo bỏ các lớp màng bọc là xong.

- Khi ăn thái miếng mỏng rồi bày lên đĩa.

Thịt chân giò trước hay sau của lợn thì ngon? Người nuôi lâu năm mách mẹo tránh mua nhầm - 6

Lưu ý:

- Thịt chân giò tương đối dày vì thế nên có thời gian ướp gia vị trước khi hầm. Sau khi hầm xong vẫn phải ngâm thịt tiếp trong nồi để thịt ngấm gia vị ngon miệng nhất.

- Khi cuộn thịt, lần đầu cuộn sẽ không được chặt. Không sao, thêm vài lớp màng bọc tiếp theo thịt sẽ được cuộn chặt như mong muốn.

- Thịt chân giò phải được làm lạnh và đông cứng lại trước khi mở màng bọc ra.

Mua thịt lợn, nhìn thấy 4 dấu hiệu này chạy xa ngay lập tức, dù rẻ bèo cũng đừng mua
Nhìn thấy điều này nhiều người tưởng thịt còn tươi nhưng hóa ra đấy lại là dấu hiệu của thịt ôi, hỏng.

Mẹo hay chọn thực phẩm

Lam Anh (Dịch từ Sohu)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Mẹo hay chọn thực phẩm