Đảm bảo bị chua chua, thơm thơm của những món bún chua này cả nhà sẽ thích mê cho mà xem.
1. BÚN SƯỜN CHUA
Nguyên liệu:
- Sườn: 500g
- Sấu: 5-7 quả
- Cà chua: 3-5 quả
- Hành hoa: 2 nhánh
- Hành khô: 2 củ
- Bún: 1 kg
- Rau thơm ăn kèm.
- Gia vị: bột canh, bột nêm, dầu ăn.
Cách làm:
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
- Sườn non chặt miếng vừa ăn, luộc qua rồi rửa sạch.
- Cà chua, sấu rửa sạch. Cà chua bổ múi cau, sấu cạo vỏ.
- Hành hoa rửa sạch thái nhỏ, hành khô băm nhỏ.
Rau thơm rửa sạch, ngâm nước muối loãng.
Húng lủi, húng quế là 2 loại rau thơm không thể thiếu
Phi thơm hành khô với dầu ăn, cho cà chua vào xào sơ qua. Nêm 1 thìa bột nêm.
Cho sườn vào nồi đổ nước vừa ăn đun nhỏ lửa cho sườn mềm. Nếu có nồi áp suất bạn cho sườn vào ninh để sườn mau chín.
Khi nồi sườn sôi, phần nước trong, thêm 1 thìa súp để nồi nước dùng được đậm đà. Sau đó cho cà chua vừa xào cùng sấu vào đun tiếp đến khi sấu chín nổi lên.
Trong khi chờ nồi canh sườn chín, bạn chuẩn bị bát bún, rồi thêm sườn lên trên. Chan nước dùng lên trên ăn kèm cùng rau thơm.
Bún sườn có vị ngọt của nước sườn, vị chua nhẹ và thơm của sấu đầu mùa. Buổi sáng thưởng thức bún sườn nấu sấu chắc chắn bạn sẽ tràn trề năng lực cho một ngày mới.
2. BÚN DỌC MÙNG
Nguyên liệu:
- Thịt mọc: 200gr - Thịt bò: 150gr - Dọc mùng: vài cây vừa - Cà chua: 1-2 quả - Hành hoa
- Dấm bỗng hoặc các loại quả chua
- Nấm hương: 3-5 tai nâm
- Bún: vừa ăn
- Nước dùng vừa đủ.
- Gia vị, muối…
Thực hiện:
Dọc mùng tước bỏ vỏ, rửa sạch, thái vát và ngâm trong nước muối loãng khoảng 15 phút, sau đó xả sạch lại với nước lạnh nhiều lần để mùng hết ngứa, với cách làm này thì mùng không cần phải vắt nước.
Nấm hương rửa sạch, ngâm nở, rồi thái nhuyễn.
Thịt bò rửa sạch, thái miếng và ướp với tỏi, gừng, chút gia vị.
Cà chua rửa sạch, thái miếng, hành hoa nhặt bỏ rễ, rửa sạch và thái nhỏ.
Trộn nấm hương với mọc cho đều, thêm 1 chút gia vị cho đậm đà.
Bắc nồi lên bếp, phi thơm hành, cho cà chua vào xào và dầm nhuyễn để lấy màu, chế nước dùng vừa ăn vào nồi rồi đun sôi, sau đó thả từng viên mọc vào nồi đun chín.
Thêm dọc mùng, hành lá vào nồi nước dùng, nêm nếm gia vị, độ chua vừa miệng ăn rồi tắt bếp.
Khi ăn cho bún đã chần qua nước sôi vào bát, thêm mọc, thịt bò nhúng chín, dọc mùng, chan nước canh lên trên và thưởng thức.
3. BÚN MĂNG VỊT
Nguyên liệu
- 1/2 con vịt xiêm/ vịt cỏ.
- 300g măng tươi hoặc măng khô.
- 2 củ gừng.
- 200ml rượu trắng.
- 5 tép tỏi.
- 5 củ hành khô.
- 1 củ hành tây.
- Bún tươi sợi nhỏ.
- Tiết vịt nếu thích.
- 10 cái nấm hương.
- 1 hộp sữa tươi không đường.
- Mùi tàu, rau húng quế, hành lá.
- Chanh, ớt, nước mắm, hạt tiêu, đường phèn, đường cát, mì chính, muối.
Sơ chế
- Với măng tươi: Nên chọn măng có độ dài khoảng 30 cm trở lại. Cắt ngang làm hai, chia măng ra làm hai phần gốc và ngọn. Phần ngọn xắt dọc thành lát mỏng, phần gốc, tùy lớn nhỏ để chẻ làm hai hoặc làm bốn rồi cắt ngang thành miếng mỏng. Măng tươi tùy loại có vị đắng ít nhiều, có thể gây cảm giác ngứa miệng nếu không ngâm và luộc kỹ trước khi nấu. Pha nước vo gạo với 2 thìa cà phê muối, ngâm măng đã cắt lát mỏng trong 2 giờ, vớt ra xả nước cho sạch, rồi luộc khoảng 15 phút sau khi nước sôi, vớt ra một miếng nhấm thử không còn thấy đắng mà có vị ngọt nhẹ thì vớt ra, xả lại nước lạnh, để ráo.
- Về măng khô: Ngâm, rửa sạch măng với nước vo gạo qua đêm, rồi luộc măng trong nồi ngập nước. Khi nước sôi rồi, tắt bếp, đậy nắp nồi, để ngâm măng trong nồi nước nóng khoảng 4 giờ. Sau khi ngâm măng, rửa xả lại, dùng tay xé thử măng, nếu thấy măng tách thành miếng dễ dàng nhưng phải hơi cứng để khi nấu với thịt là vừa. Măng khô nên xé miếng cỡ ngón tay sẽ ngon hơn là dùng dao cắt.
Cách làm:
- Vịt làm sạch lông, nhổ hết phần chân lông và lông tơ, cắt bỏ tuyến nhờn ở đuôi (phao câu) vì các phần này là nguyên nhân gây mùi hôi. 1 củ gừng giã nhỏ, trộn với muối, rượu trắng, giấm trắng rồi chà xát lên khắp mình vịt. Rửa 2-3 lần cho sạch. Sau đó, tiếp tục lấy sữa tươi xoa đều các mặt, rồi tiếp tục rửa lại cho sạch. Cách này giúp vịt khử hết mùi hôi, đồng thời thịt thơm ngon hơn.
- Hành tây, hành khô, gừng nướng thơm rồi cạo phần vỏ đen.
- Nấm hương ngâm nước ấm cho nở.
- Cho 2 lít nước vào nồi lớn đun hơi âm ấm thì mới cho vịt đã làm sạch vào. Không đun sôi nước trước khi cho vịt vào dễ làm thịt vịt thâm đen và lâu chín. Sau đó, cho thêm hành khô, gừng, hành tây đã nướng thơm, nêm vào 1,5 thìa cơm muối, 3 cục đường phèn, 1 thìa cà phê mì chính vào để giúp thịt vịt ngon ngọt hơn.
- Khi vịt sôi hớt bọt và hạ nhỏ lửa, đậy vung để vịt chín dần đều. Thỉnh thoảng vớt bọt để nước dùng được trong. Sau khoảng 25-30 phút, chọc thử tăm vào nếu không thấy chảy nước đỏ nữa là vịt đã chín. Tắt bếp, đậy vung và ngâm vịt tầm 10 phút. Cách này giúp vịt giữ nước ngọt hơn và không bị thịt đỏ. Sau đó, vớt vịt ra để nguội, chặt miếng vừa ăn hoặc lọc xương thái miếng tùy theo khẩu vị từng gia đình.
- Làm nóng chảo, cho dầu ăn, hành vào phi thơm, cho măng cùng nấm hương vào xào trong 5 phút. Nêm mắm muối vừa ăn.
- Phần nước dùng vớt bỏ hành, gừng. Sau đó mới cho phần tiết và lòng vịt đã làm sạch vào luộc chín, vớt ra, thái miếng vừa ăn, để riêng. Sau đó, cho măng đã xào vào đun sôi, nêm nếm mắm muối, hạt nêm lại cho phù hợp khẩu vị gia đình.
- Bún chần nóng cho hết chua.
- Pha nước chấm: 3 thìa cơm đường, 3 thìa cơm nước mắm, vắt nước cốt nửa quả chanh, thêm vào 1/2 củ gừng giã nát, 5 tép tỏi băm, 2 quả ớt băm nhỏ rồi khuấy tan cho tới khi tạo độ sánh.
- Cho bún vào bát, xếp thịt vịt, măng, nấm hương, tiết luộc, thêm hành củ chần, hành lá, mùi tàu, húng quế lên trên và chan nước dùng. Ăn kèm mắm gừng, chanh tươi, ớt.
4. BÚN RIÊU CUA
Nguyên liệu:
- 500 gram cua đồng
- 1 kg bún
- 3 bìa đậu
- 200 g giò sống
- Rau rút (nếu thích)
- 3-4 quả cà chua
- Giấm bỗng, khế chua
- 1 chút mắm tôm - Hành tím, hành lá, rau mùi
- Rau sống: hoa chuối, xà lách, kinh giới, húng
- Hạt tiêu, hạt nêm, nước mắm, đường, dầu ăn
Cách nấu bún riêu cua ngon:
Bước 1: Sơ chế
- Cua đồng mang về thêm chút muối xóc mạnh rửa sạch rồi tách mai cua, lấy gạch, phần còn lại đem giã hoặc xay.
- Nếu thích nước cua đặc thì khi giã thêm chút xíu muối, giã cua và lọc lấy nước sẽ ngon hơn khi xay.
- Lọc 2-3 lần lấy nước cua vừa đủ ăn rồi thêm 1 thìa bột canh khuấy nhẹ đặt lên bếp đun lửa vừa đến khi phần nước cua đóng tảng rồi vớt gạch cua ra để riêng.
Bước 2: Rán đậu
- Đậu hũ cắt miếng nhỏ vừa ăn, cho vào chảo rán vàng.
Bước 3: Sơ chế các nguyên liệu còn lại
- Cà chua rửa sạch, bổ múi cau
- CKhế chua rửa sạch thái mỏng.
- Rau rút, rau thơm các loại nhặt sạch rửa và ngâm vào nước có pha chút muối loãng.
Bước 4: Nấu nước dùng
- Bắc chảo lên bếp, phi hành tím thái nhỏ lên, đến khi hành có màu vàng ươm thì đổ gạch cua vào, đảo nhanh tay rồi tắt bếp, đổ gạch cua vào một bát để riêng.
- Sau đó cho cà chua vào xào sơ. Nếu thích màu nước dùng đẹp bạn có thể thêm 1 thìa bột nghệ.
- Sau khi xào cà chua xong thì đổ vào nồi nước dùng cua, thêm chút giấm bỗng, 1 chút mắm tôm, gia vị vừa miệng rồi đun nhỏ lửa. Tiếp đến viên giò sống thả vào sau đó là đậu phụ.
Bước 5: Thưởng thức
- Xếp bún đã chần vào bát, bày 5-6 miếng đậu phụ rán giò sống, thịt cua, hành lá, rau mùi thái nhỏ vào 1 góc, rồi từ từ rưới nước dùng cua lên bát bún, cùng ăn với rau sống, thưởng thức khi còn nóng!
5. BÚN CÁ RÔ ĐỒNG
Nguyên liệu:
- Cá rô đồng: 400g
- Dọc mùng hoặc rau cần: 1 bó
- Cà chua: 3 quả
- Ớt, me, rau răm, thì là
- Gia vị vừa đủ.
Cách nấu:
Cá làm sạch, để ráo nước rồi cho vào luộc, đập thêm nhánh gừng vào nồi nước luộc để khử hết mùi tanh của cá. Khi cá chín, nhẹ nhàng gắp ra để nguội, cho vào ngăn mát tủ lạnh khoảng 15 phút rồi gỡ cá thành những miếng dọc thân cá, cố gắng gỡ cá tránh bị vỡ và nát.
Tẩm cá cùng ít gia vị cho ngấm rồi phi thơm hành mỡ, cho cá vào nhẹ nhàng đều cho thơm.
Rau cần rửa sạch, cắt khúc vừa ăn. Cà chua thái miếng cau. Hành, rau răm, thì là thái nhỏ.
Phần xương cá cho vào máy xay, xay nhuyễn rồi lấy nước luộc cá lọc qua rây. Cho cà chua phi thơm cùng hành sau đó đổ nước cá đã lọc vào đun sôi.
Sau đó nêm nếm gia vị vừa ăn, thêm rau cần, chút hành, rau răm, thì là rồi tắt bếp.
Cho bún vào bát, xếp rau cần, cà chua, cá rô và rau thơm lên trên rồi chan nước đều quanh bát, sau đó mời mọi người thưởng thức.