Lượng gạo thơm xuất khẩu trong quý đầu năm nay đã tăng 47% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, để có được hợp đồng xuất khẩu, một số doanh nghiệp đã sử dụng “chiêu trò” cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng tới uy tín chung của gạo thơm Việt Nam.
Xuất khẩu gạo thơm…không thơm
Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, xuất khẩu gạo trong quý 1.2015 đạt hơn 1 triệu tấn, kim ngạch 440 triệu USD, giảm 28% về số lượng và 32% về giá trị so với cùng kỳ 2014. Ngược lại, lượng gạo thơm xuất khẩu 3 tháng đầu năm nay đã tăng hơn 47% so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu gạo thơm dù tăng trưởng nhưng được dự báo không bền vững, do nhiều doanh nghiệp làm ăn chộp giật (ảnh minh họa, chụp tại cảng Sài Gòn). Thuận Hải
Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cũng đánh giá, gạo thơm Việt Nam ngày càng được nhiều nhà nhập khẩu ưa chuộng do có chất lượng tốt, giá bán cạnh tranh hơn rất nhiều so với gạo thơm Thái Lan. Mặc dầu vậy, hoạt động xuất khẩu gạo thơm đang ngày càng lộn xộn, bát nháo bởi một số doanh nghiệp làm ăn chộp giật...
Ông Huỳnh Thế Năng, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood II) cho biết, hiện tại những dòng gạo Jasmine của Việt Nam có thể bán được với mức giá từ 500 – 600 USD/tấn, tương đương giá lúa trong nước có thể trên 6.000 đồng/kg. Tuy nhiên, theo ông Năng, cách tổ chức sản xuất, kinh doanh lúa gạo đang có sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp trong nước, cạnh tranh theo kiểu giả dối.
“Đáng lẽ giá chào xuất khẩu cho Jasmine đạt 90% độ thuần phải từ 500 USD/tấn trở lên thì hiện tại, nhiều doanh nghiệp chỉ chào bán với giá từ 427 – 428 USD/tấn, sau đó lại trộn gạo OM4900 vào”- ông Năng cho biết.
Trong khi đó, OM4900 chỉ là giống lúa thơm nhẹ, gạo OM4900 lúc nấu cơm thì có mùi thơm nhưng khi chín thì không thơm nữa, để nguội cơm không những không mềm như gạo thơm mà còn trở nên khô, cứng.
Đại diện một doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gạo tại Cần Thơ cũng cho biết, nhiều nông dân sản xuất lúa thơm nhưng không sử dụng giống xác nhận, do đó, dẫn đến tình trạng gạo thơm bị lẫn lộn với lúa thường, hoặc chất lượng gạo bị ảnh hưởng do hiện tượng thụ phấn chéo.
“Nhiều doanh nghiệp lợi dụng mua gạo thơm không đảm bảo chất lượng, giá thấp rồi xuất khẩu cũng với giá thấp nhưng lại quảng cáo là gạo thơm chất lượng cao, ảnh hưởng tới mặt bằng giá chung” - vị này cho biết.
Vướng khâu kiểm định chất lượng
Ông Trần Ngọc Trung – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Gạo Vinh Phát cũng cho rằng, Việt Nam đang có lợi thế lớn trên thị trường gạo thơm do giá cạnh tranh. Trong đó, các loại gạo Jasmine của Việt Nam chỉ bằng một nửa giá so với gạo thơm Hom Mali của Thái Lan và một phần ba giá so với Basmati của Ấn Độ.
Hiện tại, Hongkong (Trung Quốc), Singapore và một số nước châu Phi đang có nhu cầu nhập khẩu gạo thơm khá mạnh. Tuy vậy, theo ông Trung, để cạnh tranh được với gạo thơm của các nước, doanh nghiệp Việt Nam cần chấn chỉnh ngay tình trạng kinh doanh “hớt váng”, ảnh hưởng tới uy tín chung. Còn theo ông Huỳnh Thế Năng, hiện Việt Nam còn rất kém trong khâu kiểm định chất lượng xuất khẩu, dẫn đến tình trạng doanh nghiệp có thể “qua mặt” cơ quan chức năng khi xuất khẩu gạo.
Cụ thể như, một số thị trường khó tính như Nhật, Mỹ... yêu cầu kiểm soát đến hơn 600 chỉ tiêu về kháng sinh, hóa chất các loại, tuy nhiên, Việt Nam chỉ có thể kiểm tra được 30% trong số các chỉ tiêu này. Số còn lại, phải đi Thái Lan, hoặc qua Nhật, qua Mỹ kiểm tra tiếp, vừa tốn thời gian, chi phí lại rất lớn.
“Hoặc như, để kiểm tra độ thuần 90% của gạo thơm Jasmine có thể thực hiện bằng phương pháp thủ công nhưng nay đã có cách kiểm tra gen rất hay và hiệu quả. Tuy nhiên, hiện chỉ có Viện lúa ĐBSCL làm được nhưng mất đến 7 ngày và chi phí hơi cao. Trong khi Thái Lan họ làm có vài tiếng là xong”- ông Năng nhấn mạnh.
“Đến thời điểm này, sự cạnh tranh giữa gạo Việt Nam không chỉ với các đối thủ truyền thống mà cả với gạo của các nước mới nổi lên như Campuchia… rất dữ dội. Trong khi đó, nhiều lần doanh nghiệp xuất khẩu gạo qua Nhật rồi khi kiểm tra các chỉ tiêu không đạt nên bị trả về, hoặc phải tiêu hủy tại chỗ, thiệt hại rất lớn”- ông Năng tiếp lời.
Do đó, theo ông Năng, để tăng tính cạnh tranh cho gạo Việt, đồng thời, hạn chế tình trạng kinh doanh chộp giật, không bền vững, cần đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, đội ngũ cán bộ kỹ thuật cho hoạt động kiểm định chất lượng gạo trước khi xuất khẩu.
Phần lớn nhãn hàng gạo trong nước không có vùng nguyên liệu Ông Huỳnh Thế Năng cho biết, Vinafood 2 có 13 sản phẩm nhãn hàng hóa sản phẩm gạo trong nước nhưng chỉ có 3 nhãn hàng hóa gắn với vùng nguyên liệu, có thể truy xuất được nguồn gốc. Còn các sản phẩm khác đều không có vùng nguyên liệu chất lượng, ổn định. Trong thời gian tới, doanh nghiệp này sẽ tiến hành rà soát, sắp xếp lại các nhãn hàng hóa sản phẩm gạo của công ty. Từ đó, tìm ra những nhãn hiệu được yêu thích tại thị trường nội địa, tiến tới xây dựng thương hiệu gạo cho xuất khẩu. |