Việc có thêm nhiều siêu thị nữa vừa là cơ hội nhưng cũng vừa là thách thức đối với doanh nghiệp sản xuất trong nước.
Thị trường bán lẻ Việt Nam ngày càng sôi động bởi sự xuất hiện ngày càng nhiều tập đoàn bán lẻ ngoại mạnh. Chẳng hạn Thái Lan đã thâm nhập bằng cách mua lại Metro Cash&Carry với 19 hệ thống phân phối có sẵn. Aeon (Nhật) mua 49% cổ phần của Citimart và sở hữu 30 siêu thị. Hàn Quốc đã đầu tư 10 siêu thị Lotte Mart… Sự hiện diện nhanh của những đơn vị này khiến doanh nghiệp (DN), giới chuyên gia lo ngại cho sản xuất trong nước bởi khi nắm được kênh phân phối, mọi sự đều do các đại gia này định đoạt.
Cơ hội và thách thức
Nhiều DN cho biết hiện nay đưa được hàng vào hệ thống các siêu thị Co.opmart, Big C hay Lotte Mart... là đã trầy trật rồi. Thế nên việc có thêm nhiều siêu thị nữa sẽ vừa là cơ hội nhưng cũng vừa là thách thức đối với DN sản xuất.
Lãnh đạo một DN trong ngành thực phẩm chế biến cho rằng hệ thống siêu thị ngày càng phát triển nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu của DN. Nhiều DN sắp hàng chờ để được đưa sản phẩm vào siêu thị. Do vậy các hệ thống siêu thị có quyền chọn lọc và đưa ra các điều kiện. Khi hệ thống siêu thị tăng lên sẽ có sự cạnh tranh lẫn nhau. Tuy nhiên,hầu hết các DN của Việt Nam là vừa, nhỏ và siêu nhỏ,vừa sản xuất vừa phân phối đến siêu thị với sản lượng, doanh thu thấp nên chi phí rất cao. Và tiếng nói với các siêu thị yếu ớt, khó có thể thương lượng một cách bình đẳng, nhất là với các siêu thị của các tập đoàn đa quốc gia.
Hiện nay đưa được hàng Việt vào siêu thị đã khó, trong tương lai khi hàng ngoại được ưu tiên trên các quầy kệ thì hàng Việt sẽ ít lại.Ảnh: TÚ UYÊN
Vậy DN nội có lo khi nhà phân phối ngoại giành được kênh phân phối sẽ hạn chế việc nhập hàng của DN nội? “Chúng ta chấp nhận cuộc chơi là phải cạnh tranh với hàng ngoại nhập ngay tại sân nhà. Siêu thị nào cũng muốn bán được hàng. Nếu người tiêu dùng (NTD) ưa chuộng hàng Việt thì dù siêu thịđó là của Việt Nam hay nước ngoài họ vẫn sẽ kinh doanh mặt hàng đó” - vị lãnh đạo ngành thực phẩm trên chia sẻ.
Một số DN khác cho biết trước mắt chưa thấy tác động gì nhưng về lâu dài chắc chắn hàng của nhà phân phối ngoại đó sẽ có mặt ở siêu thị nhiều hơn và họ sẽ hạn chế lấy hàng của DN Việt.
Một DN trong ngành gia dụng cũng băn khoăn cái DN được là sẽ tạo vị thế vững chắc trên thị trường, phát triển đa dạng mẫu mã, loại bỏ những hàng kém chất lượng… Song cái mất cũng không ít khi DN ngoại nắm giữ một số chuỗi bán lẻ lớn ở Việt Nam thì chắc chắn hàng hóa của các nhà cung cấp Việt sẽ hiện diện trên kệ hàng ít lại. Áp lực cạnh tranh ngành sẽ lớn hơn và cạnh tranh nhiều hơn với các nhãn hàng của nước ngoài tràn vào.
DN bán lẻ ngoại ngày càng thống lĩnh
Ông Đỗ Thanh Năm, Giám đốc Công ty Tư vấn Chiến lược Win Win, phân tích bất kỳ DN bán lẻ nào đầu tư vào một thị trường họ đều đưa hàng hóa của nước họ vào hệ thống để bán. Ví dụ như Aeon, một ông lớn trong ngành bán lẻ Nhật Bản, khi mở siêu thị bán lẻ ở Việt Nam họ đã tận dụng tâm lý tin cậy, thích dùng hàng Nhật của người Việt mà sử dụng phương án nhập để bán 1/3 hàng Nhật, 1/3 hàng Việt và 1/3 hàng từ các nước khác. DN bán lẻ ngoại đang ngày càng thống lĩnh mạng lưới phân phối, đó là một sự thật mà các DN sản xuất Việt phải chấp nhận.
Ông Năm thông tin từ ngày 1-11 tới đây, Việt Nam sẽ cho phép thành lập các công ty bán lẻ 100% vốn đầu tư nước ngoài theo cam kết gia nhập WTO. Các DN bán lẻ sẽ mang hàng hóa của nước họ vào, việc cung cấp hàng hóa đến NTD ngày càng cạnh tranh khốc liệt hơn. Đó là chưa kể hiệp định TPP với 12 nước tham gia sẽ được ký kết trong năm 2015. Với hiệp định này, hơn 10.000 loại hàng hóa từ các nước thành viên sẽ loại bỏ hoàn toàn thuế quan, chắc chắn sẽ gây nhiều bất lợi cho hàng hóa trong nước.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh khẳng định DN bán lẻ ngoại nắm được kênh phân phối sẽ bóp chết sản xuất trong nước là nguy cơ rất lớn. Từ trước đến nay chúng ta chỉ coi trọng sản xuất mà coi nhẹ kênh phân phối nhưng trong kinh tế thị trường, phân phối sẽ quyết định. Ai quyết định được phân phối sẽ tác động ngược trở lại sản xuất.
Ông Doanh bày tỏ lo ngại người Thái khi mua Metro, họ đưa hàng hóa Thái từ công nghệ đến hàng nông sản vào thì DN chúng ta bán hàng đi đâu.
Thay đổi tư duy kinh doanh
Ông Đỗ Thanh Năm cho rằng cơ hội có thể còn tìm thấy là khu vực nông thôn và ngoại thành hầu như chưa xuất hiện hệ thống phân phối. Nếu DN sản xuất Việt có hàng hóa chiếm lĩnh được thị trường nông thôn, đây sẽ là lợi thế rất lớn khi đàm phán với siêu thị nếu họ muốn phục vụ thị trường này. Bên cạnh đó, các hiệp định thương mại AEC, TPP… mở ra cơ hội rất lớn phục vụ thị trường tiềm năng của các nước thành viên. DN sản xuất Việt cần thay đổi tư duy kinh doanh vốn đã theo lối mòn bằng các chiến lược kinh doanh và hệ thống phân phối, tiếp thị sáng tạo, mô hình quản lý hiệu quả để nâng cao năng lực sản xuất.
Theo ông Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Quản lý và Kinh tế TP.HCM, vấn đề ở đây là các DN Việt phải cố gắng nâng cao hiểu biết, học hỏi các công nghệ quản lý tiên tiến thế giới,tạo được niềm tin đối với các nhà bán lẻ. Có khả năng vượt trội để trở thành một mắt xích trong chuỗi cung ứng được bảo đảm lợi ích lâu dài. Ví dụ có nhiều DN bán lẻ sẽ cạnh tranh mạnh với nhau về chất lượng sản phẩm, giá cả tốt. Vì vậy họ phải chủ động được đầu vào, phải kết nối tốt với vùng cung cấp sản phẩm, thậm chí sẽ chuyển giao cả quy trình công nghệ trồng, đánh bắt, bảo quản, sơ chế… theo chuẩn quốc tế. Họ thường cam kết bao tiêu luôn sản phẩm của những nhà cung ứng nào biết làm ăn bài bản, năng động có đủ năng lực sản xuất.
Ở tầm vĩ mô, ông Lê Đăng Doanh đề nghị cần có những biện pháp, rào cản kỹ thuật để bảo vệ DN trong nước. Chẳng hạn ở Nhật có quy định trong bán kính 50 km đã có một siêu thị thì không cho một siêu thị nước ngoài mọc lên. “Chúng ta đang hội nhập, mở cửa nhưng mở cửa một cách “hào phóng”, “tự nhiên” quá” - ông Doanh nói.
1.200-1.500 là số lượng các siêu thị sẽ có trên cả nước theo quy hoạch đến năm 2020. Hiện cả nước có hơn 700 siêu thị, 132 trung tâm thương mại… chủ yếu tập trung ở các TP lớn. (Nguồn: Bộ Công Thương) Chúng ta cần có những hàng rào kỹ thuật để hàng nhập vào phải đạt chất lượng chứ không để hàng kém chất lượng tràn vào, cạnh tranh không lành mạnh với sản phẩm trong nước. Chuyên gia kinh tế NGUYỄN MINH PHONG |