Sau khi bị “kìm kẹp” dưới ngưỡng 600 điểm, VN-Index đã bật tăng trở lại nhờ lực cầu bắt đáy.
Sàn thành phố Hồ Chí Minh
Những phiên giao dịch thường dừng trong sắc đỏ của VN-Index không làm nản lòng giới đầu tư. Ngay cả khi VN-Index bị đẩy xuống dưới ngưỡng quan trọng 600 điểm, nhà đầu tư vẫn chuẩn bị tiền và sẵn sàng bắt đáy khi có cơ hội.
Phiên giao dịch đầu tiên của tháng 10 mang lại nhiều cơ hội cho nhà đầu tư. Ngay từ đầu phiên, dòng tiền đã được đổ mạnh vào thị trường giúp VN-Index nhanh chóng lấy lại được sắc xanh sau nhiều phiên bị “dìm hàng”.
Ngoài tâm lý bắt đáy, nhữn thông tin kinh tế vĩ mô tích cực cũng góp phần giúp niềm tin vào chứng khoán tăng trở lại. Giá xăng giảm, GDP quý 3 ước tăng 6,19%, tăng trưởng tín dụng 9 tháng đầu năm đạt xấp xỉ 7% là những thông tin được nhắc tới nhiều từ chiều qua.
Càng về cuối phiên, đà tăng của thị trường càng được củng cố. Chốt phiên ngày 1/10, VN-Index tăng 10,47 điểm, tương ứng 1,75% và đóng cửa ở mức 609,27 điểm. VN-Index là chỉ số chính tăng mạnh nhất trên cả 2 sàn. Không chỉ dễ dàng tìm lại ngưỡng 600 điểm, VN-Index gần đạt ngưỡng 610 điểm.
Ảnh minh họa
Thanh khoản trên sàn thành phố Hồ Chí Minh tăng đáng kể. Tổng khối lượng giao dịch đạt 183.011.333 cổ phiếu, tương ứng giá trị giao 3.092,48 tỷ đồng. Khối lượng thỏa thuận cũng được cải thiện. Khối lượng đạt 14.328.853 cổ phiếu, tương đương 320,27 tỷ đồng. Toàn sàn ghi nhận 188 mã tăng giá, 59 mã đứng giá và 42 mã giảm giá.
VN30-Index cũng có tốc độ tăng mạnh. Kết thúc phiên giao dịch ngày 1/10, VN30-Index tăng 10,81 điểm, tương ứng 1,68% dừng ở mức 655,06 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 72.810.585 cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch 1.587,89 tỷ đồng. Nhóm VN30-Index có 25 mã tăng giá, 5 mã đứng giá và 0 mã giảm giá.
Đã lâu lắm rồi thị trường không chứng kiến nhóm blue-chip không có mã nào giảm giá. Trong khi đó, đa số blue-chip đều đi lên. PVD hứng khởi nhất khi tăng 4.000 đồng/CP lên 101.000 đồng/CP. VNM tăng 2.000 đồng/CP lên 107.000 đồng/CP. VIC tăng 1.500 đồng/CP lên 49.500 đồng/CP. FPT tăng 1.500 đồng/CP lên 53.500 đồng/CP. MSN tăng 1.000 đồng/CP lên 83.000 đồng/CP.
Hôm nay, blue-chip đồng loạt đi lên nhưng đà tăng vẫn khiêm tốn hơn so với cổ phiếu nhỏ. Trong nhóm cổ phiếu nhỏ, cổ phiếu ngành khoáng sản gây ấn tượng khi nhiều mã đua nhau tăng trần. BGM tăng 300 đồng/CP lên 5.300 đồng/CP. DHM tăng 400 đồng/CP lên 7.500 đồng/CP. FCM tăng 800 đồng/CP lên 13.400 đồng/CP. KSA tăng 600 đồng/CP lên 10.100 đồng/CP. KSS tăng 400 đồng/CP lên 6.300 đồng/CP.
Giao dịch thỏa thuận đạt hơn 14 triệu cổ phiếu nhưng giao dịch tập trung vào KBC. Đã có tới 11 triệu cổ phiếu KBC, tương ứng 158 tỷ đồng được trao tay. Các mã còn lại, không mã nào có khối lượng giao dịch đạt hơn 1 triệu đơn vị.
Sàn Hà Nội
Sàn Hà Nội cũng giao dịch đầy hứng khởi như sàn thành phố Hồ Chí Minh. Kết phiên giao dịch 1/10, HNX-Index tăng 1,11 điểm, tương ứng 1,25% và đóng cửa ở mức 89,73 điểm. Thanh khoản trên sàn Hà Nội không hưng phấn như sàn thành phố Hồ Chí Minh.
Tổng khối lượng giao dịch trên sàn Hà Nội đạt 83,084,121 cổ phiếu, tương ứng 1.105,77 tỷ đồng, tăng nhẹ về khối lượng nhưng giảm nhẹ về giá trị. Khối lượng giao dịch thỏa thuận đạt 11.014.645 cổ phiếu, tương ứng 99,19 tỷ đồng, ít thay đổi về khối lượng nhưng giảm sâu về giá trị. Toàn sàn ghi nhận 156 mã tăng giá, 57 mã đứng giá và 70 mã giảm giá.
HNX-Index tăng mạnh hơn HNX30-Index. Chốt phiên ngày 1/10, HNX30-Index tăng 3,07 điểm, tương ứng 1,7% và đóng cửa ở mức 183,87 điểm. Khối lượng giao dịch trong nhóm HNX30-Index đạt 49.422.800 cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch 700,43 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng lớn trên sàn Hà Nội. Trong nhóm ghi nhận 25 mã tăng giá, 3 mã đứng giá và 2 mã giảm giá.
Hai blue-chip hiếm hoi trên sàn Hà Nội đi ngược xu hướng thị trường là EID và BCC. EID giảm 300 đồng/CP xuống 13.200 đồng/CP. BCC giảm 500 đồng/CP xuống 14.000 đồng/CP. Trong suốt phiên giao dịch, cả 2 mã này đều không có bất cứ thời điểm nào tăng giá.
Ở chiều ngược lại, HMH tăng 2.000 đồng/CP lên 26.600 đồng/CP. TCT tăng 1.900 đồng/CP lên 157.000 đồng/CP. PVS tăng 1.300 đồng/CP lên 41.500 đồng/CP. PVC tăng 1.300 đồng/CP lên 35.000 đồng/CP. PLC tăng 900 đồng/CP lên 257.000 đồng/CP. PGS tăng 900 đồng/CP lên 36.900 đồng/CP.