Chính phủ ban hành Nghị định 100 nghiêm cấm quảng cáo dưới mọi hình thức nhiều sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ; Bộ Tài chính yêu cầu các doanh nghiệp sữa tiết giảm chi phí quảng cáo... là những giải pháp nhằm kéo giảm giá sữa.
Chi hàng trăm tỷ quảng cáo mỗi năm
Tại cửa hàng sữa trên phố Sơn Tây (Hà Nội), nhân viên bán hàng giới thiệu hàng loạt chương trình khuyến mãi sữa đang được áp dụng, như mua hai hộp Physiolac 900 gr sẽ được tặng ba lô, ghép gỗ tàu hỏa, nếu khách hàng không lấy đồ khuyến mãi thì cửa hàng trừ cho 40 nghìn đồng. Mua một hộp sữa Enfa 900 gr được một đai an toàn, hai hộp thì được gối an toàn, không lấy khuyến mãi được trừ 60 nghìn đồng. Nutifood đang tặng xe scooter, nồi cơm điện, đàn organ... Nhẩm tính, một hộp sữa Enfa 900 gr có giá 420 nghìn đồng, được trừ tới 60 nghìn đồng cho quà khuyến mãi, thì giá trị hàng khuyến mãi chiếm tới gần 15% giá trị hộp sữa.
"Có bột mới gột nên hồ”, chất lượng mới là chủ chốt. Nếu doanh nghiệp sữa mải chạy theo quảng cáo mà quên đi chất lượng, phát triển sản phẩm thì dù chi tiền tỷ quảng cáo, chỉ sau 3-5 năm là người tiêu dùng nhận ra”. Ông Hà Quang Tuấn - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Hanoimilk |
Chị Hường, chủ đại lý bánh kẹo trên phố Dịch Vọng thừa nhận, sữa là mặt hàng luôn có khuyến mãi giá trị nhất. “Nhất là sữa ngoại, khuyến mãi có khi chiếm tới 20% giá sữa. Như chương trình khuyến mãi vừa kết thúc của Abbott, mua hai hộp sữa Abbott loại 900 gr đã được tặng một bộ bowling 10 trái - đang có giá bán tới 110 nghìn đồng trên thị trường; tức mỗi hộp sữa “cõng” tới 55 nghìn đồng khuyến mãi”, chị Hường kể và dự tính, nếu không có khuyến mãi, nhiều hãng sữa có thể giảm đến vài chục nghìn đồng/hộp.
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, chi phí để quảng cáo, tiếp thị sữa rất “khủng” và tất cả chi phí này đều được tính vào giá thành, đẩy giá sữa cao ngất. Ngay kết luận thanh tra của Bộ Tài chính với năm hãng sữa lớn hồi tháng 4/2014 cho thấy, 4/5 công ty đã chi 386 tỷ đồng dành cho quảng cáo sữa trong năm 2013 và ba tháng đầu năm 2014, như Abbott chi quảng cáo, khuyến mại, tiếp thị vượt mức quy định của Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp cho các mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi khoảng 69,4 tỷ đồng, Mead Johnson chi quảng cáo, tiếp thị vượt quy định tới 249 tỷ đồng. Bộ Tài chính cho biết, việc các doanh nghiệp đã chi quảng cáo, khuyến mại, tiếp thị “vượt khung” khá lớn là lý do khiến giá thành mặt hàng sữa tăng cao với mức tăng tương ứng từ 2,18-16,39%.
Sữa hiện đang “cõng” theo chi phí quảng cáo, khuyến mãi trong giá thành
Đừng để lách luật
Từ ngày 1/3/2015 tới, Nghị định 100/2014/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực, sẽ nghiêm cấm quảng cáo sản phẩm sữa dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi dưới mọi hình thức. Từ việc cử nhân viên tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với bà mẹ, phụ nữ mang thai hoặc thành viên trong gia đình họ; đến hành vi trưng bày sản phẩm tại cơ sở y tế; trưng bày tên, logo sản phẩm trên các biểu ngữ, áp phích và tài liệu quảng cáo khác trong siêu thị, cửa hàng bán lẻ... Các biện pháp khuyến mại như tặng quà, hàng mẫu, phiếu giảm giá, giải thưởng, quà tặng, tích điểm cộng thưởng... cũng không được phép. Theo ông Ngô Trí Long, với hàng loạt điều cấm, Nghị định 100 sẽ khiến các doanh nghiệp sữa không thể mạnh tay chi tiền quảng cáo, hoa hồng, tiếp thị như trước, buộc các doanh nghiệp phải giảm chi phí quảng cáo, giảm giá thành sản phẩm sữa một cách hợp lý.
“Tuy nhiên, quy định đã có thì cần phải kiểm tra, xử lý nghiêm để tránh lách luật, bởi doanh nghiệp sữa có thể lách bằng cách chi mạnh hoa hồng cho bác sĩ, nữ hộ sinh, chuyên gia dinh dưỡng, trường học…”, ông Long nêu vấn đề.
Ông Hà Quang Tuấn, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần sữa Hà Nội nhận định, quy định này sẽ không ảnh hưởng đến những doanh nghiệp chú trọng chất lượng. “Có những doanh nghiệp sữa, các hãng lớn quảng cáo đến cả trăm tỷ, chúng tôi không có nhiều tiền như thế. Quảng cáo của Hanoimilk thường chỉ chiếm 7% tổng chi phí. Quảng cáo rất quan trọng nhưng không phải là tất cả”, ông Tuấn nhấn mạnh.