Bắt đầu từ hôm nay (16/3), giá điện bình quân tăng 7,5%. Trước đó, từ ngày 11/3, giá xăng dầu đã tăng trở lại. Hai mặt hàng ảnh hưởng quan trọng đến thị trường vừa tăng giá có khiến người tiêu dùng phải đối mặt trước cơn “bão giá”?
“Tâm bão” sẽ tung hoành ở chợ
Từ trước Tết Nguyên đán đã có thông tin tăng giá điện, bây giờ mọi lo lắng của người dân đã thành hiện thực. “Giá điện tăng 7,5% là mức khá cao. Chắc chắn gia đình tôi phải điều chỉnh lại cách dùng điện trong nhà”, bà Nguyễn Thị Thanh (ở khu tập thể Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết. Bà Thanh cho biết, bà và nhiều người ở khu tập thể Thanh Xuân Bắc luôn quan tâm đến sự biến động của giá điện. “Kinh nghiệm đi chợ nhiều năm cho tôi thấy, mỗi lần giá điện tăng, hoặc giá xăng dầu tăng là giá cả thị trường lại leo thang. Lần này cả hai mặt hàng cùng tăng giá, đầu tuần tới giá rau, thịt ở chợ sẽ tăng chóng mặt cho mà xem”, bà Thanh lo ngại.
Còn anh Tú ở đường Láng (Đống Đa, Hà Nội) tỏ rõ sự thất vọng khi hai mặt hàng quan trọng tác động lớn đến thị trường “lập cú đúp” tăng giá. “Giá xăng dầu và điện tăng sẽ khiến giá hàng hóa khác tăng theo. Trong khi đó, lương hai vợ chồng chỉ hơn 10 triệu đồng/tháng, sắp tới còn phải lo tiền học cho hai đứa con. Tôi cảm thấy ngày càng mệt mỏi vì phải thu xếp tài chính trong nhà”, anh Tú nói.
Cũng có cảm nhận như anh Tú, bác Tam (ở khu tập thể K5, Bách Khoa, Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, mọi khoản chi trong gia đình đang được tiết kiệm tối đa khi hàng tháng chỉ trông chờ vào khoản lương hưu hơn 3 triệu đồng. “Từ tháng 7 năm ngoái tới nay, tôi nhẩm tính giá xăng giảm 15 lần, nhưng bó rau cũng không rẻ hơn. Chưa kịp được hưởng sự công bằng của thị trường, tôi e sau khi giá xăng tăng trở lại cộng với giá điện tăng, chi phí ngoài chợ sẽ tăng vùn vụt. Con số này khó mà thống kê cụ thể ra được", bác nói.
Người tiêu dùng lo ngại sau cú đúp tăng giá xăng dầu và điện sẽ tạo ra “cơn bão giá” ngoài thị trường. Ảnh: HP
Chúng tôi tiếp xúc với nhiều người tiêu dùng thì đa số đều lo ngại sự “ăn theo” của các mặt hàng khác vịn cớ giá xăng dầu và điện tăng để tăng theo. Trong khi, lương của người lao động thì không tăng thêm nên muốn xoay xở, nhiều gia đình đã tính kế làm thêm lúc rảnh rỗi.
Doanh nghiệp kêu khó
Việc xăng dầu và điện đồng hành tăng giá không chỉ ảnh hưởng đến “nồi cơm” hàng ngày của các gia đình mà còn ảnh hưởng đến các doanh nghiệp. Doanh nghiệp sẽ khó khăn hơn do chi phí sản xuất đầu vào tăng. Hầu hết doanh nghiệp đều nhanh chóng tìm cách thích ứng để việc tăng giá xăng dầu và điện không tác động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh. Đại diện Công ty Thép Việt cho biết, với việc tăng giá điện thì mỗi năm, tiền điện của Công ty ước tính sẽ tăng thêm 55 tỷ đồng, ở mức 795 tỷ đồng. Trước đây, sản xuất 1 tấn thép mất hơn 143.000 đồng thì tới đây sẽ mất khoảng 160.000 đồng. Các ngành khác như xi măng, nhựa cũng đều lo lắng về khoản chi phí tăng thêm do mức tiêu thụ điện ở mức cao, trên dưới 100kWh/tấn sản phẩm, chiếm 5% trong giá thành sản xuất.
Cùng với việc giá xăng dầu tăng, một số doanh nghiệp cho biết có thể sẽ tăng giá sản phẩm để bù đắp chi phí. Tuy nhiên, tăng giá chỉ là giải pháp cuối cùng, bởi vừa ra Tết, sức mua của người dân chưa tăng, nếu tăng giá có thể sẽ phản tác dụng. Theo các doanh nghiệp, sau khi giá xăng dầu và điện tăng, họ phải cân nhắc rất kỹ, chờ xem giá nguyên liệu đầu vào, chi phí vận chuyển… có tăng hay không; đồng thời áp dụng các biện pháp tiết kiệm chi phí đầu vào, chấp nhận giảm lợi nhuận, “cầm cự” giữ giá càng lâu càng tốt.
Anh Hồ Hải Đức, chủ một xưởng cơ khí ở đường La Thành (quận Đống Đa, Hà Nội) thở dài: “Giá xăng dầu mới tăng, chi phí vận chuyển tăng. Giờ giá điện tăng tiếp, tôi bị động hoàn toàn. Cứ mỗi lần nghe cái gì tăng giá là mình thấy oải. Lúc này oải gấp đôi”, anh Đức chia sẻ. Mỗi tháng, xưởng cơ khí của anh Đức chi đến hơn trăm triệu đồng tiền điện. Bây giờ, khi giá điện tăng, anh Đức phải tiêu tốn thêm trên dưới chục triệu đồng nữa.
Việc người dân lo lắng, doanh nghiệp kể khổ sau mỗi lần tăng giá điện hoặc xăng dầu không còn là mới. Nhưng bắt đầu từ hôm nay, “cú đúp” tăng giá sẽ song hành, dự kiến sẽ còn nhiều khó khăn hơn mà người tiêu dùng phải đối mặt. Và để hạn chế được “cơn bão giá” dự kiến hoành hành, vai trò của Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) và Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) phải được thể hiện hơn lúc nào hết vào lúc này.
Bảng giá điện sinh hoạt từ ngày 16/3 do Bộ Công Thương ban hành: Biểu giá bán lẻ điện cho khối hành chính sự nghiệp được chia ra 2 đối tượng. Cụ thể, đối với bệnh viện, nhà trẻ, mẫu giáo, trường phổ thông, giá điện ở cấp điện áp từ 6 kV trở lên là 1.460 đồng/kWh, còn dưới 6 kV là 1.577 đồng/kWh; Giá điện cho chiếu sáng công cộng, đơn vị hành chính sự nghiệp từ 6 kV trở lên là 1.606 đồng/kWh, dưới 6kV là 1.671 đồng/kWh. |