Khác với những ngày đầu thực hiện chương trình đổi mũ bảo hiểm (MBH) đảm bảo chất lượng có trợ giá, các điểm đổi mũ hiện đều rơi vào cảnh ế ẩm. Một trong những nguyên nhân là do tạm dừng việc xử phạt người tiêu dùng đội mũ không đạt chuẩn, làm thay đổi tâm lý người dân.
Thờ ơ với mũ “xịn”
Những ngày tháng 3, người dân trên địa bàn Hà Nội nô nức đi đổi MBH có trợ giá. Thời điểm đó, có hơn 10 điểm trợ giá, điểm nào cũng đông cứng, người dân lặn lội đi từ các huyện ngoại thành tìm về để mua mũ có trợ giá. Chỉ từ ngày 23 đến hết 25-3, thống kê từ Ủy ban ATGT Quốc gia, đã có khoảng 40.000 mũ được đổi. Song, vào những ngày này, không khí tại các điểm đổi mũ “vắng như chùa bà Đanh”. Nhiều điểm bán mũ trợ giá rơi vào cảnh ế hàng như điểm tại cổng công viên Thống Nhất, điểm đổi mũ ở Intimex Bờ Hồ, điểm tại vườn hoa Hà Đông…
Tham gia chương trình đổi MBH có trợ giá đầu tiên là hai doanh nghiệp Công ty CP Á Long và TNHH sản xuất, thương mại Nhựa Chí Thành. Theo đó, Công ty Á Long trợ giá từ 30.000-70.000 đồng/mũ, tùy loại; Công ty Chí Thành trợ giá từ 20.000-100.000 đồng/mũ. Từ tháng 3 đến nay, Hà Nội đã mở rộng các điểm đổi MBH trợ giá ra con số 90, và hầu hết các điểm đều rơi vào tình trạng vắng vẻ. Cũng theo Ủy ban ATGT Quốc gia, đến thời điểm hiện nay, chương trình đổi MBH đã thu hút được 17 doanh nghiệp tham gia, hàng trăm điểm đổi mũ ở khắp các tỉnh, thành. Song, số lượng mũ được đổi chỉ vào khoảng 200.000 cái.
Hầu hết các điểm đổi mũ trợ giá đều rơi vào cảnh vắng vẻ
Theo tìm hiểu của PV, một trong những nguyên nhân khiến các điểm đổi mũ trợ giá rơi vào tình trạng ế ẩm là do, mặc dù đã được trợ giá từ 20.000-100.000 đồng/cái, nhưng một số hãng tham gia vào chương trình với số lượng mũ ít, giá cao, vì vậy, không thu hút được người dân đến mua, lượng mũ bán ra cũng đạt thấp. Ví dụ, sản phẩm MBH của Amoro, dù đã trợ giá từ 30.000-50.000 đồng/cái, nhưng mỗi chiếc vẫn còn từ 230.000-400.000 đồng. Thậm chí, dù đã trợ giá, nhưng so với giá mũ bán cùng loại trên thị trường lại không rẻ hơn.
Nhiều việc cần chấn chỉnh
Chị Nguyễn Thúy Hồng, ở Đội Cấn cho hay: “Cuối tuần vừa qua, tôi mua một chiếc mũ trợ giá tại Intimex Bờ Hồ với giá 170.000 đồng. Họ cho biết, mũ này đã trợ giá 50.000 đồng/cái. Nhưng, hôm qua, tôi và người bạn đi mua một chiếc MBH cùng chủng loại, cùng một nhà sản xuất ở cửa hàng trên phố Bà Triệu cũng chỉ 170.000 đồng”. Chị Hồng so sánh, mũ có trợ giá và mũ bán tại các cửa hàng là như nhau.
Tại điểm đổi mũ trợ giá nhãn hiệu B’color của Công ty Á Long ở vườn hoa Hà Đông, một nhân viên bán hàng cho hay: “Bình quân mỗi ngày chỉ đổi được hơn chục cái. Mấy ngày nắng nóng thì càng ế, vì chỉ một chút buổi sáng còn có người đến xem, mua, còn từ khoảng 10h trở đi đến chiều muộn thì gần như không có khách”. Vắng khách lại gặp những ngày nắng nóng, nên tại nhiều điểm đã diễn ra cảnh nhân viên bán hàng bỏ đi trốn nắng.
Trao đổi về việc này, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia nhìn nhận, có tình trạng trên là do một số nguyên nhân. Trong đó, những ngày bắt đầu thực hiện chương trình đổi mũ, công tác truyền thông đến người dân rất tốt, phần nào thay đổi được nhận thức, dẫn tới thay đổi hành vi tìm mua mũ đảm bảo chất lượng của người dân. “Đặc biệt, khi bắt đầu chương trình đổi MBH đạt chuẩn có trợ giá, người dân còn lo ngại, nếu đội mũ không đạt chuẩn sẽ bị phạt. Nhưng, đến thời điểm này, không xử phạt người đội mũ bảo hiểm kém chất lượng nữa nên đã tác động tới tâm lý người dân”. Mục tiêu của chương trình là tuyên truyền, vận động người dân tự bảo vệ chính mình chứ không đội mũ chỉ để đối phó với cơ quan chức năng.
Ngoài ra, cũng ông Nguyễn Hoàng Hiệp cho hay, xung quanh MBH đạt chuẩn đã xuất hiện một số vấn đề cần cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc. Đó là tình trạng không ít MBH được sản xuất bởi công ty, có dán tem hợp quy nhưng lại không đạt chuẩn. Vì vậy, các cơ quan quản lý cần gấp rút vào cuộc, chấn chỉnh lại tình hình sản xuất. Bên cạnh đó, các lực lượng như QLTT, Tổng cục Tiêu chuẩn chất lượng cần tiếp tục truy quét hành vi sản xuất, kinh doanh MBH rởm.