Nỗ lực “giải cứu” heo tồn đã có tín hiệu tích cực khi giá heo hơi đang nhích dần lên
Ngày 2-5, trao đổi với phóng viên, ông Trầm Quốc Thắng, Phó Giám đốc HTX Chăn nuôi Tiên Phong (huyện Củ Chi, TP HCM), cho biết giá heo hơi trong ngày ở mức 25.000-26.000 đồng/kg, cao hơn khoảng 3.000 đồng/kg so với giá đáy cách đây vài ngày. Với mức giá này, người nuôi vẫn đang lỗ nhưng TP HCM có ưu thế gần nơi tiêu thụ nên heo vẫn bán được, không bị ế ẩm như tại thủ phủ chăn nuôi Đồng Nai.
Ông Thắng tin tưởng giá heo hơi đã chạm đáy và đang trên đà hồi phục do lượng heo cỡ lớn bớt dần, nhiều tín hiệu cho thấy cửa khẩu phía Bắc cũng đã thông trở lại. Dù vậy, người chăn nuôi tại TP HCM vẫn cần hỗ trợ chính sách về tín dụng như khoanh nợ, giãn nợ để vượt qua giai đoạn khó khăn.
Theo khảo sát của phóng viên, dịp lễ vừa qua, tại các kênh bán hàng hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện lợi, giá nhiều mặt hàng thịt đã giảm sâu nhưng quầy hàng khá vắng vẻ. Trong khi đó, tại các chợ truyền thống, giá thịt heo các loại vẫn còn khá cao.
Giá heo hơi trên thị trường đang nhích nhẹ, trong khi thịt heo bán lẻ vẫn còn giữ giá khá cao Ảnh: Tấn Thạnh
Chị Lê Tâm An (ngụ quận 7, TP HCM) cho biết: “Vào siêu thị thấy thịt giá rẻ, tôi định mua về làm chà bông nhưng lại thôi vì gia đình còn đi chơi nhiều điểm, mang thịt theo thì dễ bị hư”. Chị An cho rằng muốn “kích cầu” thịt heo thì phải giảm giá ở chợ truyền thống vì đây là kênh tiêu thụ nhiều, các bà nội trợ sẽ tính toán được việc chế biến những món ngon nếu thấy giá rẻ.
Theo chị Nguyễn Thị Nga (ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM), dịp lễ, chị đi chợ gần nhà thấy nhiều sạp thịt nghỉ, những sạp còn bán vẫn giữ giá cao: thịt ba rọi 90.000-100.000 đồng/kg, nạc 70.000 đồng/kg, xương ống 50.000 đồng/kg.
Đại diện cơ sở giết mổ heo Xuyên Á (huyện Củ Chi, TP HCM) cho biết giá heo bán sỉ tại các chợ đầu mối đã giảm tương ứng với giá heo hơi. Mức giá đầu chợ với heo mảnh chỉ còn 30.000-40.000 đồng/kg. “Tiểu thương chợ lẻ còn ghim giá cao, dẫn đến người tiêu dùng không thể mua được giá rẻ. Đây là nhóm khó quản lý nên dẫn đến nghịch lý này. Ngoài ra, các mối mua thịt heo số lượng lớn như bếp ăn tập thể, nhà hàng, quán ăn và các cơ sở chế biến đều đã được mua thịt giá thấp nhưng không giảm giá bán cuối cùng” - vị đại diện này cho hay.
Theo lãnh đạo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, hiệp hội đang tất bật chuẩn bị mở thêm 3 điểm bán thịt heo để hỗ trợ người chăn nuôi. “Điểm bán đầu tiên trung bình mỗi ngày tiêu thụ được khoảng 100 con. Đây là lượng tiêu thụ lớn so với 1 sạp thịt nhưng vẫn còn nhỏ bé so với số heo cần “giải cứu”. Tuy nhiên, qua việc bán trực tiếp, sạp heo đã nhận được sự ủng hộ của người tiêu dùng. Vì uy tín của hiệp hội nên chúng tôi chỉ thu mua heo loại 1, trọng lượng dưới 105 kg từ các trại VietGAP và trại thành viên kiểm soát tốt chất lượng, an toàn thực phẩm. Những loại heo quá lứa, chúng tôi sẽ thu mua tiếp trong chương trình cấp đông dự trữ” - ông cho biết.
“Việc mở sạp thịt sạch, mua heo hơi cao hơn thị trường nhưng lại bán lẻ thấp hơn 20%-30% so với giá chợ đã “đánh thẳng” vào nồi cơm của các tiểu thương nên chúng tôi hết sức thận trọng trong công tác bảo vệ, nhất là sau vụ đốt phá quầy heo sạch ở Bình Dương. Ngoài kinh doanh trực tiếp, chúng tôi còn đang vận động các tiểu thương bán thịt tham gia chương trình giải cứu vì họ là những người chuyên nghiệp trong lĩnh vực này, sẽ làm tốt hơn những người nghiệp dư như chúng tôi” - lãnh đạo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai nhận xét.
Trong khi đó, chủ một cơ sở giết mổ lớn tại TP HCM cho biết vừa qua, có đoàn khách Trung Quốc đến đặt vấn đề mua heo mảnh cấp đông và chở bằng container lạnh nhưng giao dịch không hoàn thành. Lý do là để thực hiện hợp đồng này, cơ sở phải đầu tư máy móc 10-20 tỉ đồng, trong khi đoàn khách không chịu đặt cọc, chỉ “nói miệng” là sẽ mua. Do quá rủi ro nên cơ sở không dám đầu tư dù rất muốn bán được hàng, nhất là trong bối cảnh heo ế ẩm như hiện nay.