Nếu chưa có áp lực cạnh tranh đủ mạnh trên thị trường thì doanh nghiệp khó giảm giá.
Thông tin từ Bộ Tài chính cho biết giá sữa nguyên liệu thế giới liên tục giảm. Tuy nhiên, ghi nhận trên thị trường cho thấy hiện giá bán lẻ đến người tiêu dùng (NTD) vẫn chưa có dấu hiệu giảm.
Giá sữa án binh bất động
Anh Nguyễn Văn Luân, chủ một cửa hàng sữa trên đường Trường Chinh (quận Tân Bình), cho biết chưa nghe nhân viên tiếp thị của các hãng sữa đánh tiếng về việc sẽ giảm giá. Cửa hàng vẫn bán với giá ổn định từ khi có quy định áp giá trần.
Ở các cửa hàng khác, Similac total comfort số 2 có giá 255.000 đồng/hộp 360 g, sữa Optimum số 3 giá 340.000 đồng/hộp 900 g, Dutch Lady gold 456 giá 222.000 đồng/hộp 900 g.
Chị Nguyễn Hồng Thanh, kế toán công ty may mặc tư nhân, kể chị vừa mua hộp sữa Nuti IQ 123 gold giá 275.000 đồng/hộp 900g, grow plus màu đỏ 300.000 đồng/hộp 900 g, giá không giảm.
Nhiều người dân chia se mấy ngày vừa rồi, qua báo đài họ được biết giá sữa nguyên liệu thế giới giảm nhiều nhưng không nghe cửa hàng sữa nói gì về việc giảm giá.
NTD chưa có thông tin về giá sữa trong và ngoài nước nên không thể dùng “quyền lực” của mình để tác động đến việc giảm giá của DN. Ảnh: TÚ UYÊN
Lờ việc giảm giá
Khi hỏi một số DN sữa lớn về việc có kế hoạch giảm giá sữa không, các DN này đều cho rằng việc ký hợp đồng với nhà cung cấp nước ngoài về nguyên liệu sữa là cho cả một thời gian dài. Do đó hiện nay khi giá thế giới mới giảm thì DN không thể giảm ngay được. Một số DN nhập nguyên sữa thành phẩm về Việt Nam giá vẫn không thay đổi.
Trong một lần trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, đại diện Sở Tài chính TP.HCM, cho biết Sở đang theo dõi tình hình giá sữa nguyên liệu thế giới, kiến nghị với Bộ để có những giải pháp phù hợp nhằm đảm bảo quyền lợi cho NTD. Hiện Bộ đang làm việc với Tổng cục Hải quan thu thập thông tin về tình hình nhập sữa nguyên liệu của các đơn vị. Sau khi có đầy đủ các thông tin sẽ thông báo đến NTD.
Cuộc họp thường kỳ của Bộ Tài chính gần đây, đại diện Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cũng thông tin, đến nay chưa có DN sữa nào đăng ký giảm giá.
Giá sữa nguyên liệu thế giới giảm nhưng các DN vẫn chưa điều chỉnh giảm giá sữa trong nước, điều này có bất hợp lý không? Chuyên gia kinh tế Lý Trường Chiến cho rằng nguyên tắc của DN là dù giá đầu vào giảm nhưng khi thị trường còn chấp nhận giá họ đang bán thì họ vẫn giữ giá đó. Số đông các DN luôn muốn có lợi nhuận tối đa trong kinh doanh. Nếu chưa có áp lực cạnh tranh đủ mạnh trên thị trường thì DN khó mà điều chỉnh giá giảm. Việc các DN cho rằng họ ký mua nguyên liệu dài hạn vào thời điểm giá sữa thế giới cao nên khó điều chỉnh giảm bởi họ phải cân đối nguồn thu phù hợp. Điều này cũng có lý. Tuy nhiên, cơ quan chức năng có thể kiểm tra giấy tờ nhập khẩu để biết việc không giảm giá thành có hợp lý hay không.
Cùng nhận định, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho biết DN luôn chạy theo lợi nhuận nên họ quên giảm giá là điều dễ hiểu. Ở Việt Nam các hiệp hội NTD chưa hoạt động tích cực, NTD không biết, không để ý đến những thông tin của thế giới.
Các chuyên gia trong ngành sữa phân tích đối với sữa công thức thì sữa nguyên liệu chỉ chiếm 30%-40%, các yếu tố dưỡng chất khác chiếm tỉ lệ giá cao hơn nên nếu các yếu tố này tăng, giá nguyên liệu sữa có giảm thì cũng không tác động đến việc giảm giá thành bao nhiêu.
Ông Lý Trường Chiến cho rằng Nhà nước cần có thông tin kịp thời, chính xác, đầy đủ cho NTD. Từ đó NTD dùng quyền lực của mình trong việc lựa chọn nhà sản xuất, nhà cung cấp từ đó tác động đến nhà sản xuất rằng muốn có khách hàng thì phải thực hiện trách nhiệm của mình.
Gia tăng nguồn cung trong nước
Báo cáo mới đây của Công ty Tera Park Việt Nam cho thấy nhu cầu sữa của Việt Nam đang tăng nhanh. Trong năm năm gần đây, việc tiêu dùng sữa của Việt Nam tăng trung bình 16%/năm. Trung bình một người Việt sử dụng 20,5 lít sữa/năm.
Theo đánh giá của Tera Park, Việt Nam đang là một thị trường mới nổi có truyền thống nhập khẩu sữa và mới bước đầu xuất khẩu sữa với doanh số mỗi năm hiện đạt khoảng 230 triệu USD. Trong thời gian tới các công ty sữa địa phương nên gia tăng nguồn cung trong nước, phát triển đàn bò sữa, thúc đẩy việc sản xuất các sản phẩm thay thế nhập khẩu.
Giá nhập khẩu Sữa bột gầy hiện còn 2.300-3.250 USD/tấn (giảm 700-725 USD/tấn), sữa bột nguyên kem giảm 850 USD/tấn còn 2.875-3.625 USD/tấn. Giá sữa bột gầy tại thị trường châu Úc ở mức 2.425-3.350 USD, giảm 650-750 USD. Sữa nguyên kem là 2.600-3.300 USD, giảm khoảng 25-500 USD. Doanh nghiệp giảm lãi chứ không lỗ Việc áp giá trần chắc chắn không làm cho doanh nghiệp lỗ. Họ chỉ giảm lãi, bởi không ai bị lỗ mà kinh doanh được. Ngoài giải pháp áp giá trần như hiện nay, Nhà nước cần cấp phép cho nhiều DN tham gia, tạo nên môi trường cạnh tranh tự do. Các cơ quan chức năng cũng cần đôn đốc chỉ đạo DN và thông tin để NTD được nắm rõ giá cả trong và ngoài nước. Chuyên gia kinh tế NGUYỄN MINH PHONG |