Vừa sau lũ, giá thu mua tôm nguyên liệu ở các tỉnh ĐBSCL cũng như khu vực miền Trung hiện đang ở mức cao kỷ lục. Trong khi đó, khi nhiều nhà máy kêu trời vì thiếu nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu.
Còn theo đánh giá của nhiều doanh nghiệp (DN), nhu cầu nhập khẩu tôm trên thế giới từ nay đến Tết vẫn tăng cao, sẽ giúp ngành tôm Việt Nam đạt mục tiêu đã đặt ra.
Giá tôm tăng cao chưa từng thấy!
Ngày 21.11, ông Võ Hồng Ngoãn (vua tôm Sáu Ngoãn, ngụ xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu), cho biết, giá tôm nguyên liệu ở khu vực này những ngày qua tăng cao chóng mặt. Cụ thể, giá tôm sú loại 30 con/kg được thương lái thu mua với mức giá 270.000 – 275.000 đồng/kg, tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg ở mức 120.000 - 130.000 đồng/kg. Ông Ngoãn khẳng định chưa bao giờ thấy giá tôm sú, tôm thẻ chân trắng cao như mấy ngày qua khiến nông dân ai cũng háo hức.
Giá tôm tăng cao làm cho các doanh nghiệp lo không đủ nguyên liệu để xuất khẩu.
Còn theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Cà Mau (VASEP), tính đến ngày 21.11, giá tôm thẻ chân trắng dù đã giảm nhẹ so với tuần trước nhưng vẫn còn ở mức cao. Cụ thể, giá tôm sú cỡ 20 con/kg, 30 con/kg ổn định so với tuần trước, lần lượt được thu mua với giá 290.000 đồng/kg và 230.000 đồng/kg, tăng 15.000 đồng/kg so với hồi cuối tháng 10.
Trong khi đó, tôm thẻ loại 100 con/kg dù đã giảm 5.000 đồng/kg vẫn còn ở mức 129.000 đ/kg, tôm thẻ loại 80 con/kg có giá 152.000 đồng/kg trong khi tôm thẻ cỡ 60 con/kg được thu mua ở mức 164.000 đồng/kg. Như vậy, giá tôm thẻ đã tăng thêm từ 15.000 - 20.000 đồng/kg so với hồi giữa tháng 9, tùy loại.
Giá thu mua tôm nguyên liệu ở các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Kiên Giang… cũng tăng cao chóng mặt, nhiều nông dân tranh thủ thu hoạch xuất bán tôm để kiếm chênh lệch. Hiện tại, giá thành mỗi kg tôm sú ở mức 100.000 – 110.000 đồng/kg, giá thành tôm thẻ ở mức 70.000 – 80.000 đồng/kg. “Như vậy, với mức giá này, nông dân làm một vụ thu lời bằng 3 vụ những năm trước đây”- ông Sáu Ngoãn phấn khởi.
Lo thiếu nguyên liệu vì lũ lớn
Cùng với việc giá tôm nguyên liệu tăng cao, nhiều nhà máy thủy sản lo thiếu nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu dịp cuối năm.
Giá bán lẻ mặt hàng tôm các loại tại các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu cũng đã tăng nhẹ thời gian qua. Riêng tại thị trường Mỹ, trong 9 tháng đầu năm nay, giá tôm sú đã tăng thêm 3,2 USD/kg trong khi tôm thẻ tăng tới 4 USD/kg. |
Theo đánh giá của một đại diện VASEP, dù hoạt động nuôi tôm năm nay đã có phần hồi phục, diện tích tôm thiệt hại do dịch bệnh giảm nhiều so với năm ngóai, giúp sản lượng tôm nuôi toàn vùng tăng lên, tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của các nhà máy. Hiện sản lượng tôm nguyên liệu tại Cà Mau chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu của các nhà máy trong khu vực.Ông Trần Văn Lĩnh – Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước (Đà Nẵng) thì lại lo ngại rằng, tình trạng thiếu hụt tôm nguyên liệu đang rất trầm trọng trong ngành thủy sản hiện nay.
Đặc biệt, tại khu vực miền Trung, sau những trận lũ lớn vừa qua, một diện tích lớn các ao nuôi tôm bị cuốn trôi hoặc tôm chết do dịch bệnh lây lan. “Đó là chưa kể trước mùa mưa bão, nhiều hộ gia đình nuôi tôm dọc bờ biển đã lo bán tôm chạy lũ rồi. Do đó hiện nay tôm nguyên liệu không còn bao nhiêu”- ông Lĩnh nói thêm.
Trong khi đó, tại khu vực miền Tây, theo phản ánh của nhiều hộ nuôi, tình trạng thương lái lùng sục, tranh mua nguyên liệu vẫn đang tiếp diễn. Anh Lưu Thanh Nghĩa – một người chuyên nhận nuôi tôm cho các chủ ao ở ĐBSCL cho biết, những ngày qua, khu vực Bến Tre xuất hiện việc thương lái vào tận ao tôm trả giá cao để mua được hàng. Bên cạnh thương lái trong vùng còn có thương nhân người Trung Quốc tham gia mua tôm nguyên liệu để xuất khẩu về nước.
Cùng với việc giá tôm nguyên liệu tăng, xuất khẩu tôm Việt Nam những tháng cuối năm cũng tăng trưởng mạnh. Dự báo, nhu cầu tôm thế giới sẽ còn tiếp tục tăng cao từ nay đến cuối năm. Ngành tôm dự báo có thể đạt mức kim ngạch 2,8 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ 2012.Cụ thể, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết, trong quý III năm nay, xuất khẩu tôm sang EU đã phục hồi mạnh mẽ với mức tăng trưởng 40,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 125,7 triệu USD sau khi giảm liên tiếp trong 2 quý đầu năm. Riêng tháng 10 vừa qua, xuất khẩu tôm đạt kỷ lục khi đạt giá trị 404 triệu USD, tăng gần 74%.