Dịp cuối năm, thời điểm nhu cầu thực phẩm của người dân tăng cao đột biến cũng là lúc thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc được dịp "tung hoành".
Tràn lan thịt thối, thịt bẩn
Trưa 14/1, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về môi trường (PC49 - Công an TP. Hà Nội) phối hợp với Đội quản lý thị trường số 15 (Hà Nội) đã phát hiện, bắt giữ gần 20 thùng nội tạng động vật gồm lòng lợn, tràng lợn không rõ nguồn gốc bốc mùi hôi thối nồng nặc được chở trên chiếc xe khách tại bến xe Nước Ngầm (đường Giải Phóng, Hà Nội).
Lòng lợn ướp hóa chất nghi xuất xứ từ Trung Quốc.
Trước đó, trưa 8/1, phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ PC46 đã bắt giữ một chiếc xe tải chở lòng lợn ướp hóa chất nhập lậu từ Trung Quốc tại phường Thạch Bàn (quận Long Biên). Qua kiểm tra, tổ công tác phát hiện trên xe chở hơn 300kg lòng lợn và gà thịt đã qua sơ chế. Bước đầu xác định số thực phẩm tươi sống này nghi có nguồn từ Trung Quốc. Lòng lợn và gà đều đã qua sơ chế, đựng trong các thùng xốp và được ướp bằng hoá chất chống phân huỷ. Nắp thùng xốp có ghi tên hàng cùng số lượng bằng chữ Trung Quốc.
Ngày 13/1, lực lượng thú y Bình Chánh (TP.HCM) vừa phát hiện lò phù phép biến heo bẩn thành đủ thứ loại thịt đặc sản để đưa vào nhà hàng, quá nhậu tại A7/13G1, ấp 1, xã Vĩnh Lộc B. Tang vật thu giữ là 700 kg thịt heo không có giấy chứng nhận kiểm dịch, đựng trong bao xốp để trực tiếp trên nền nhà và ngâm trong thau nước màu đỏ để trong nhà vệ sinh, một số để trong tủ cấp đông chuyển sang màu đỏ… cùng nhiều bao bì ghi thịt đà điểu, thịt nai, thịt lạc đà, thịt nhím, thịt cá sấu, thịt bò... Theo thông tin ban đầu, nhóm người này biến thịt heo thành đặc sản khác bằng cách ngâm trong các thau nước hóa chất, thịt ngâm thời gian ngắn có màu đỏ như thịt bò, ngâm lâu hơn biến màu sậm hơn giống thịt nai, đà điểu, thịt lạc đà…
Thịt heo sau khi “ngâm mình” trong thau nước này sẽ chuyển sang màu đỏ rất đẹp mắt.
Đây chỉ là một vài trong số hàng trăm vụ vận chuyển các thực phẩm "bẩn" không rõ nguồn gốc vào các thành phố lớn trong thời gian qua. Nếu không được phát hiện, bắt giữ kịp thời, chúng sẽ biến thành “đặc sản” cho nhiều gia đình trong dịp tết. Có thể khẳng định, số thịt thối, bẩn ‘lọt lưới’ cơ quan chức năng là không hề nhỏ.
Rượu giả, rượu lậu được dịp tung hoành
Cuối năm, nhu cầu về rượu ngoại tăng, đặc biệt do đây là món quà được rất nhiều người lựa chọn để làm quà biếu Tết. Lợi dụng tâm lý này, rượu giả, rượu nhập lậu cứ mỗi dịp Tết đến, xuân về lại được dịp "tung hoành".
Lực lượng lượng Quản lý thị trường Hà Nội đã phát hiện nhiều ổ nhóm sản xuất và kinh doanh các loại rượu không có tem hoặc tem nhãn giả. Chỉ trong hơn 20 ngày ra quân cao điểm, lực lượng chức năng thu giữ hơn 10.000 lít rượu giả. Trong đó cả rượu vang, rượu kém chất lượng được gắn tem, mác rượu ngoại. Số tem rượu ngoại giả thu giữ được phải tính bằng cân.
Rượu ngoại dán tem giả bị thu giữ.
Trưa 4/1, Công an TP. Hà Nội phối hợp với đội quản lý thị trường đã tiến hành kiểm tra, thu giữ một lượng lượng lớn nguyên liệu sản xuất nước ngọt, rượu không rõ nguồn gốc (chất tạo mùi, màu) tại Công ty TNHH chế biến thực phẩm Thanh Mai - chuyên sản xuất nước ngọt, rượu các loại (xã La Phù, huyện Hoài Đức, Hà Nội). Cơ quan chức năng còn phát hiện trên 100 lít cồn công nghiệp. Một cán bộ Phòng Cảnh sát PCTP về môi trường cho hay: cồn công nghiệp không nằm trong danh mục các phụ gia được sử dụng trong thực phẩm, sản xuất đồ uống vì có chứa Methanol - chất có thể gây ngộ độc.
Cuối năm 2012, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm (PCTP) về môi trường - CATP Hà Nội, kiểm tra phát hiện một công ty kinh doanh nước ngọt tại xã La Phù, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội sản xuất các loại đồ uống đóng chai bằng nước giếng khoan, kết hợp cùng chất tạo ngọt Trung Quốc, hương liệu không rõ nguồn gốc. Đáng chú ý, quá trình kiểm tra tại đây, chủ cơ sở còn “bật mí” với cơ quan chức năng, “công nghệ” này hiện được nhiều doanh nghiệp ở La Phù áp dụng.
Hàng trăm thùng rượu vang nội được 'phù phép' thành rượu ngoại.
Trước đó, Đội QLTT số 11 phối hợp với Cảnh sát kinh tế (Công an quận Tây Hồ) đã kiểm tra, phát hiện một cơ sở làm rượu vang giả với quy mô lớn tại ngõ 38, Xuân La, Tây Hồ. Có hơn 10.000 chai rượu vang giả với các nhãn hiệu Bordeaux, Chile, Vallee... đã được đóng gói thành phẩm chuẩn bị đưa ra thị trường. Ngoài ra, còn một lượng lớn rượu vang đóng trong túi, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Các đối tượng khai nhận đã dùng rượu vang Đà Lạt, vang đóng túi không nguồn gốc để sang chiết, đóng chai, dán nhãn mác giả các thương hiệu đang bán chạy để thu lời. Cơ quan chức năng cũng thu giữ một lượng lớn bao bì, nhãn mác các loại rượu vang nhập ngoại và hàng nghìn tem chống hàng giả.
Bánh kẹo bẩn tràn lan
Khoảng một tháng nay, thị trường bánh kẹo, mứt tết… đã rộn ràng. Ở bất kỳ đâu người mua cũng dễ dàng thấy các mặt hàng bánh kẹo, mứt được đựng trong từng túi lớn, bán theo kg và hoàn toàn không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Với một số sản phẩm bánh kẹo khác, khi về đến tay người mua lẻ thì đều đã được đóng gói thủ công với nhãn mác, nơi sản xuất đầy đủ. Nhưng nhãn mác này hoàn toàn không thể chứng minh cho độ vệ sinh an toàn thực phẩm của nó. Người mua buôn hoàn toàn có thể mua hàng theo số lượng nhiều, xin túi và nhãn mác về nhà tự đóng gói. Thậm chí, với một sản phẩm bánh kẹo, mứt bạn có thể có đôi, ba loại mác để lựa chọn.
Các loại bánh kẹo cân không rõ ngồn gốc được bày bán công khai trên phố hàng Buồm.
Những ngày giáp Tết, khu phố cổ Hà Nội tràn ngập hàng hóa, bánh kẹo, thực phẩm mập mờ về nguồn gốc xuất xứ, không hạn sử dụng và phần lớn vỏ kẹo được ghi bằng chữ… Trung Quốc.
Theo các chuyên gia về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), các loại bánh, kẹo này chủ yếu là hàng nhập tiểu ngạch từ Trung Quốc hoặc sản xuất gia công tại VN nên không được các cơ quan chức năng kiểm soát về chất lượng. Các nguyên liệu sản xuất các loại bánh, kẹo này thường không đảm bảo yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm, sử dụng phẩm màu công nghiệp, đường hóa học, chất bảo quản không được phép sử dụng...
Vì thế, ăn những loại bánh, kẹo cân có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, ngộ độc cho người sử dụng. Chính những người bán những loại bánh, kẹo này tiết lộ, không hiểu các loại kẹo được sử dụng chất bảo quản gì mà bán không hết để Tết sang năm vẫn đẹp mã, không hề chảy nước. Người mua hàng không thể biết kẹo mới hay cũ.
Lập 10 đoàn thanh tra kiểm tra ATVSTP Tết Nguyên đán Các ban chỉ đạo liên ngành cấp huyện, xã phường đều thành lập ban thanh tra ATVSTP. Trong đó, chúng tôi quan tâm nhiều đến nguồn nguyên liệu thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ của số thực phẩm đó. Việc thanh, kiểm tra ở các tỉnh biên giới, chợ đầu mối được đặt lên hàng đầu. Không những đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm Tết Nguyên đán mà còn cả các lễ hội dân tộc trên toàn quốc", ông Nguyễn Thanh Phong, phó cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho biết. |
Tin tức đang được đọc nhiều nhất: |