Khách sạn ế nặng

Ngày 13/10/2013 05:03 AM (GMT+7)

Có khách sạn giảm giá đến gần 30% nhưng các hãng lữ hành vẫn phải lắc đầu vì lượng khách du lịch quá lẹt đẹt.

Mới đây, Công ty Nghiên cứu Bất động sản Savill đã công bố kết quả khảo sát nguồn cung và cầu khách sạn TP.HCM trong quý III vừa qua. Kết quả khảo sát cho thấy giá phòng khách sạn tại TP.HCM đã có mức giảm đáng kể. Đây được coi là thời điểm giá phòng khách sạn thấp nhất trong vòng bốn năm qua.

Ế mà vẫn xây khách sạn mới

Theo báo cáo của Savill, tính đến quý III năm nay nguồn cung phòng khách sạn tại TP.HCM có hơn 12.000 phòng, tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Do nguồn cung tham gia dồi dào nên công suất trung bình của các khách sạn chỉ đạt 60%, giảm đáng kể so với mọi năm.

Hiện mức giá trung bình của các khách sạn là trên 1,7 triệu đồng/phòng/đêm, giảm khoảng 6% so với năm ngoái. Savill cũng đánh giá các khách sạn từ ba sao, bốn sao, năm sao đều bị giảm sút về công suất.

Khách sạn ế nặng - 1

Lượt khách quốc tế giảm mạnh đang là nỗi ám ảnh của các khách sạn và lữ hành.

Nguồn cung phòng khách sạn hiện đang được đánh giá là khá cao. Thế nhưng Savill còn dự đoán từ quý IV-2013 đến 2016 sẽ còn khoảng 5.500 phòng từ 12 dự án tương lai vào thị trường. Còn trước mắt, trong hai quý tiếp theo sẽ có khoảng 1.300 phòng mới từ bốn khách sạn. Tất cả khách sạn mới này đều là năm sao và tọa lạc tại quận 1.

Ông Đặng Huy Hải, Phó Tổng Giám đốc khách sạn năm sao New World Saigon, cho biết nguồn cung phòng khách sạn đưa vào thị trường trong thời gian qua quá nhiều đã khiến nhiều khách sạn lâm vào tình cảnh thiếu khách. Đây chính là một trong những lý do khiến giá phòng khách sạn phải giảm và các khách sạn đang phải cố đẩy mạnh nhiều chương trình khuyến mãi để hút khách.

Chưa hết, ông Hải cũng cho rằng kinh tế khó khăn đã khiến rất nhiều doanh nghiệp (DN), khách quốc tế cắt giảm ngân sách. Ví dụ như, trước đây, các DN, khách có thể chọn khách sạn năm sao để ở. Thế nhưng giờ họ chuyển sang ba sao hoặc bốn sao để tiết kiệm chi phí. Do vậy, nhiều khách sạn năm sao gặp khó khăn về nguồn khách.

Đồng tình quan điểm này, ông Lê Phong Trần, Giám đốc thị trường quốc tế Công ty Du lịch Fiditour, cho biết thêm: “Tháng trước, một khách sạn lớn ở TP.HCM đã giảm giá khá mạnh để thu hút khách thế nhưng cũng thất bại. Khách sạn này giảm giá phòng từ 75 USD xuống còn 55 USD/phòng/đêm, tương đương giảm gần 30%, thế nhưng chúng tôi cũng phải chào thua vì thực sự không có khách. Nhất là trong bối cảnh hiện thị trường khách từ Mỹ và châu Âu hiện nay rất khó để tìm được một đoàn”.

Nạn cướp giật làm ảnh hưởng đến lượng khách

Theo các khách sạn và DN lữ hành, việc lượng khách quốc tế đang giảm đến mức đáng báo động, khách sạn ít khách, một phần là do nạn cướp giật và chặt chém, chèo kéo du khách.

Ông Đặng Huy Hải kể nạn chèo kéo du khách và cướp giật là nỗi lo lắng cũng như ám ảnh của rất nhiều du khách. Nhất là cách đây sáu tháng, hầu như tháng nào, tại TP cũng nghe đến việc du khách bị cướp giật. “Du khách thường có tâm lý muốn đi dạo vào ban đêm. Họ ở gần khách sạn thì không sao, cứ ra khỏi một chút là có nhiều người bám theo, mấy cô gái bắt chuyện, khách thì họ đâu có biết. Nói chuyện xong, sờ lại túi thì đã mất điện thoại rồi. Nếu cứ để tình trạng như vậy, không có du khách nào cảm thấy an toàn khi đến với chúng ta hết” - ông Hải nói.

Ông Tào Văn Nghệ, Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn TP.HCM, cho rằng các khách sạn hiện đang là “nạn nhân” của nạn cướp giật. “Nhiều người cứ rên là do giá phòng khách sạn cao ngất ngưởng nhưng thực ra không phải. Giá phòng khách sạn của chúng ta hiện đang thấp so với rất nhiều nước. Trong khi đó, hiện cứ thỉnh thoảng lại có những chuyện du khách bị cướp, điều này chính quyền phải tính chứ sao để khách sạn là nạn nhân được” - ông Tào Văn Nghệ nói.

Tuy nhiên, theo ông Võ Anh Tài, Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ lữ hành Saigontourist, cho rằng để giải quyết những vấn đề trên, ngoài việc tạo an toàn cho du khách thì từ góc độ chính quyền cần có giải pháp mạnh hơn.

Ông Tài dẫn chứng: “Lượt khách đến Việt Nam có nhu cầu ở khách sạn và tiêu xài thì ngoài khách quốc tế còn có rất nhiều đối tượng khách là doanh nhân, nhà đầu tư đến tìm cơ hội… Từ đây, muốn có thêm nguồn khách này cần tạo thêm các sự kiện kinh tế - xã hội - văn hóa lớn để thu hút.

Khách nội địa “chê” khách sạn năm sao

Theo các hãng lữ hành, mức giá trung bình 1,7 triệu đồng/phòng/đêm so với tình hình tài chính của khách quốc tế thì có thể không cao. Tuy nhiên, so với khách nội địa thì lại quá cao. Từ đây, khách nội địa thường lựa chọn các khách sạn có mức giá vừa phải từ hai sao đến ba sao.

Theo MAI PHƯƠNG (Pháp luật TPHCM)

Tin liên quan