Sau khi Bộ Y tế và Bộ Tài chính vào cuộc, người tiêu dùng tưởng giá sữa sẽ nhanh chóng được "quản" và giảm. Tuy nhiên, việc quản giá sữa thực tế lại không dễ...
Sau khi Bộ Y tế ban hành Thông tư 30 về danh mục các sản phẩm sữa, thức ăn công thức thuộc diện bình ổn giá và Bộ Tài chính có công văn đề nghị các doanh nghiệp (DN) sữa phải kê khai giá sữa, người tiêu dùng tưởng giá sữa sẽ nhanh chóng được "quản" và giảm. Tuy nhiên, việc quản giá sữa thực tế lại không dễ...
Tăng giá bất hợp lý...
Tại cuộc họp báo của Bộ Tài chính hôm qua (10.10), ông Nguyễn Anh Tuấn- Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá Bộ Tài chính cho biết, sau khi Bộ Y tế ban hành danh mục các mặt hàng sữa để quản lý giá, Bộ Tài chính đã có ngay động thái chỉ đạo các địa phương thực hiện quản lý, kê khai các sản phẩm này và buộc các DN sữa phải có sự giải trình. "Sau khi kê khai mà thấy có sai phạm, có tăng giá bất hợp lý thì chúng tôi sẽ tiến hành xử lý" - ông Tuấn nói.
Thực tế, sau động thái của các bộ ngành, thị trường sữa gần như không có sự thay đổi nào đáng kể. Giá các mặt hàng sữa ngoại như Friso, Enfa, Dutch Lady, Dielac, Dumex, một số sản phẩm của Hãng sữa Abbott... vẫn đứng ở mức cao như bình thường, chưa có sự điều chỉnh nào. Anh Nguyễn Đông Hà - chủ một đại lý sữa ngoại tại phố Tây Sơn (Hà Nội) cho biết, sữa ngoại hiện chỉ bán chậm hơn so với trước chứ giá vẫn giữ nguyên, không hề giảm. Ông Vũ Vinh Phú- Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, cho rằng động thái của các bộ chưa thể làm cho mặt hàng này giảm giá. Bởi, dù được quản nhưng từ năm 2007 đến nay, giá sữa đã tăng 30 lần, mỗi lần tăng từ 3-20%. Chỉ riêng từ đầu năm đến nay, nhiều hãng sữa ngoại tăng giá lần thứ 5 liên tiếp. "Dù công tác quản lý giá sữa hiện đang có vẻ được chú tâm hơn nhưng vẫn còn thiếu chặt chẽ, chế tài để giá sữa có thể giảm"- ông Phú phân tích.
"Nếu có sự cạnh tranh thì giá sữa không thể đứng ở mức cao như hiện nay”.Ông Lê Minh Phong"Nếu có sự cạnh tranh thì giá sữa không thể đứng ở mức cao như hiện nay”. Ông Lê Minh Phong |
Ông Phú cho rằng, giá sữa bán đến tay người tiêu dùng cao hơn khoảng 30% so với giá gốc thì mới được cho là hợp lý. Trong khi đó, giá sữa tại VN bị đẩy lên cao từ 400-500% so với giá gốc là quá phi lý song các bộ vẫn chỉ yêu cầu các DN kê khai giá, mà không có động thái nào buộc các DN phải giảm giá sữa ngay lập tức.
Rõ ràng, các hãng sữa nước ngoài đang độc quyền thao túng thị trường sữa VN mà quản lý của chúng ta vẫn chỉ ở thế bị động...
Rào cản từ làm giá
Để kiểm soát giá sữa, các chuyên gia cho rằng, Bộ Tài chính phải có trách nhiệm xây dựng cơ cấu giá thành để kiểm soát giá sữa. Trong điều kiện doanh nghiệp bán giá bất hợp lý mà không có biến động thì phải kiểm tra giá. Tuy nhiên, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá Nguyễn Anh Tuấn cho biết, sau khi yêu cầu các DN kê khai giá sữa bộ này mới có đánh giá cụ thể và hướng xử phạt như thế nào?! Ông Tuấn cho hay, các vi phạm từ năm 2012 trở về trước sẽ xử theo Quy định 84 và năm nay là theo Quy định 109. Trường hợp DN nào không chịu kê khai giá sữa thì sẽ xử phạt luôn hành vi này. "Luật Giá đã có hiệu lực nên việc bình ổn giá sữa sẽ căn cứ đúng theo luật này"- ông Tuấn nói.
Giá sữa của Việt Nam đang còn cao do thiếu sự cạnh tranh (ảnh minh họa)
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, chúng ta không nên quá kỳ vọng, trông chờ vào danh mục quản lý giá sữa, kê khai giá sữa mà 2 Bộ: Tài chính và Y tế vừa ban hành vì dù được bình ổn và quản lý, đăng ký giá thì nhiều năm qua, giá sữa vẫn cứ tăng mà không có sự "thổi còi" nào của nhà quản lý. "Vấn đề không phải là tên gọi, hay chất lượng mà thị trường sữa đang có sự độc quyền, làm giá giữa các DN, giữa các phân khúc của thị trường. Đây là cái mà cơ quan quản lý cần nhắm tới nếu muốn giảm giá sữa, còn nếu không đừng kỳ vọng vào sự thay đổi của thị trường. Bởi vì, nếu có sự cạnh tranh thì giá sữa không thể đứng ở mức cao như hiện nay” - ông Phong nhận định.
Xử lý còn thiếu kiên quyết Ở Việt Nam, hành lang pháp lý khá đầy đủ, có nhiều bộ ngành cùng tham gia quản lý nhưng các hãng sữa cứ muốn là tăng, còn cơ quan quản lý luôn chỉ ra sự hợp lý của mỗi lần tăng giá. Phải chăng, các hãng sữa nước ngoài vẫn “nhờn” với mọi biện pháp quản lý, vì chính cơ quan quản lý không đủ kiên quyết? Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu làm rõ giá sữa, Quốc hội cũng đặc biệt quan tâm tới vấn đề giá sữa, đã đến lúc các cơ quan quản lý nhà nước thực thi nghiêm túc trách nhiệm của mình để người tiêu dùng VN không còn chịu bất công vì giá sữa. Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam Gốc là do độc quyền nhóm Sở dĩ hiện nay các hãng sữa có thể tăng giá liên tục là do cấu trúc của thị trường sữa có thể nói là có tính độc quyền cao (có thể tạm gọi là độc quyền nhóm) trong đó người bán (các hãng sữa) có sức mạnh thị trường lớn trong việc ấn định giá. Thực tế, thị trường sữa Việt Nam bị chi phối bởi vài hãng sữa lớn. Các hãng này với sức mạnh về thương hiệu, R&D (nghiên cứu và phát triển), hệ thống phân phối, các chuyên gia… dễ dàng nắm vị thế dẫn đầu trên thị trường. Đó là cái gốc của vấn đề, khiến cho mọi biện pháp kiểm soát giá chỉ là phần ngọn, không sớm thì muộn các hãng sữa sẽ có cách lách các biện pháp kiểm soát giá. Dù ta có biết cũng không làm khác được, người dân vẫn phải chấp nhận mua giá cao, vì con họ, người nhà họ ốm không thể không dùng sữa. Ths Nguyễn Duy Đạt (Khoa Thương mại quốc tế, Đại học Thương mại Hà Nội) |