Quản lý vật tư nông nghiệp và ATTP dù lúc nào cũng “nóng” ở cấp Trung ương nhưng luôn “nguội” ở cấp cơ sở. Thành thử, việc quản lý bấy lâu càng làm càng rối như tơ vò.
100% cơ sở chế biến động vật yếu kém
Thông tư 14/2011/TT-BNNPTNT ngày 29/3/2011 của Bộ NN&PTNT quy định, việc kiểm tra đánh giá, phân loại cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và nông, lâm, thủy sản được kỳ vọng là“cây gậy” để các đơn vị chức năng và địa phương mạnh tay quản lý. Nhưng đến nay, kết quả thực hiện không như mong đợi, chỉ còn một số ít địa phương thực hiện.
Tháng 2-2014 chỉ có 12 địa phương gửi báo cáo kết quả kiểm tra theo Thông tư 14 về Bộ NN&PTNT. Đáng nói, kết quả kiểm tra khiến không ít người … “giật mình”.
Cụ thể, kết quả kiểm tra, phân loại các cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm sản và thủy sản cho thấy, 100% các cơ sở sơ chế, chế biến động vật và sản phẩm động vật xếp loại C (cơ sở yếu kém, không đủ điều kiện).
Nhiều loại thuốc chưa có trong danh mục vẫn được sử dụng tràn lan
Theo ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, lực lượng chức năng cũng đã tái tra các cơ sở yếu kém này nhưng không hề chuyển biến. Điển hình như, cơ sở thu gom, kinh doanh nguyên liệu thủy sản 90% xếp loại C, cơ sở sơ chế, chế biến thủy sản có tới gần 95% yếu kém, cơ sở sơ chế, chế biến rau, củ quả 100% yếu kém, không đủ điều kiện.
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này theo lãnh đạo các Cục, Vụ và Thanh tra Bộ NN&PTNT, do năng lực thanh tra chuyên ngành ở cơ sở còn hạn chế, cán bộ chưa được đào tạo nhiều về quy chế phối hợp liên ngành ở địa phương, thanh tra phải kiêm nhiệm nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, việc xử lý mới chỉ dừng ở mức xử phạt hành chính, chưa truy xuất nguồn gốc sản phẩm, chất lượng của hàng hóa vi phạm.
Phân bón, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng tràn lan
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu cho rằng, mặc dù cấp cơ sở cũng có tổ chức thanh tra nhưng hiện rơi vào thực trạng “có cũng như không”. “Con người đào tạo không đến nơi đến chốn, kinh phí thì không có. Nếu thanh tra cơ sở không làm được mà chỉ dựa vào thanh tra Bộ thì không giải quyết được vấn đề”.
Bà Thu nêu dẫn chứng, thời gian gần đây nhiều sản phẩm vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng được phát hiện như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. “Chúng ta ở trên cứ tuyên truyền nhưng ở địa phương không thực hiện, người dân không biết, không hiểu nên vẫn cứ dùng tràn lan”.
Lãnh đạo Bộ NN&PTNT lấy dẫn chứng, tại Kiên Giang, trung bình một vụ lúa, người dân phun đến 5-6 lần thuốc, thậm chí 9-13 lần, như vậy thì đồng ruộng tắm thuốc. Thuốc bảo vệ thực vật là lĩnh vực kinh doanh mang lại lợi nhuận cao, đơn vị kinh doanh nào cũng khuyến khích người dân dùng nhiều, trong khi chúng ta chưa tuyên truyền đến nơi đến chốn.
Ông Ngô Tiến Dũng, Phó Cục trưởng cục BVTV thừa nhận, khâu yếu nhất trong quản lý hiện nay nằm ở cấp xã, phường. “Người dân có buôn bán, sử dụng thuốc ngoài luồng hay không, phun thuốc có đúng quy định hay không đều nằm ở tuyến này. Tuy nhiên, trách nhiệm của chính quyền địa phương hầu như đang bỏ ngỏ, dồn hết lên vai cán bộ quản lý thực vật. Song, lực lượng này lại rất mỏng, trung bình mỗi trạm/huyện chỉ có 3 người, đảm nhiệm từ sâu bệnh đến thuốc, đến ATTP thì quá năng lực”.
Gần 100% cơ sở chế biến sản phẩm động vật được kiểm tra không đạt
Còn ông Nguyễn Xuân Định, Phó Cục trưởng cục Trồng trọt nêu khó khăn, để tuyên truyền cho người nông dân chuyển sang sử dụng thuốc trừ sâu sinh học rất khó.
“Nông dân phun thuốc phải nhìn thấy con sâu chết ngay, vì vậy phải thuốc hóa học có độ độc cao mới đáp ứng được. Thuốc trừ sâu sinh học an toàn nhưng sâu chết từ từ, bà con không thích”. Hơn nữa, Thông tư 14 của Bộ còn quá rườm rà, khó triển khai.
“Chúng tôi cũng đã tập huấn cho cấp huyện về Thông tư 14, nhưng khi huyện triển khai xuống xã rất khó. Họ cứ “ù ù càng cạc”, rối hết lên vì nhiều thứ quá”.
Bà Thu cho rằng, khi xây dựng Thông tư 14 đã đưa vào quá nhiều quy định rồi không triển khai được. Trong thời gian tới, các Cục, Vụ phải xem xét, tinh giảm lại các quy định theo hướng dễ hiểu, dễ làm để các địa phương thực hiện.
“Trong một tháng, từ ngày 10/1 đến 10/2/201, lực lượng chức năng đã kiểm tra hàng hóa có nguồn gốc thực vật nhập khẩu cho thấy, kiểm tra gần 4.000 lô hàng (hơn 335.000 tấn) với hơn 60 mặt hàng nhập khẩu từ 34 quốc gia. Tổng số mẫu kiểm tra phân tích là 22 mẫu (rau, củ, quả), không phát hiện mẫu nào có dư lượng thuốc BVTV vượt ngưỡng cho phép. Như vậy có thể nói, thực phẩm có nguồn gốc thực vật nhập khẩu vào nước ta là an toàn”, ông Nguyễn Như Tiệp bày tỏ. |