Hành, tỏi, gừng... có xuất xứ Trung Quốc đang được bày bán tràn ngập ở các chợ Việt Nam. Song, đến nay vẫn chưa có cơ quan chức năng nào chịu vào cuộc để lấy mẫu kiểm tra, đánh giá chất lượng.
Lo sợ gia vị Trung Quốc
Sau khi Đài Truyền hình T.Ư Trung quốc (CCTV) phát sóng một phóng sự về việc các nông dân ở TP.Duy Phường (tỉnh Sơn Đông) đã sử dụng thuốc trừ sâu hoạt chất Aldicarb phun với dư lượng vượt mức cho phép 3- 6 lần trên cây gừng nhằm chống sâu rầy và bảo quản củ lâu hỏng, chúng tôi đã có cuộc khảo sát nhanh về tiêu thụ mặt hàng này trên thị trường Hà Nội.
Từ các chợ đầu mối đến các chợ cóc nhỏ lẻ tại Hà Nội, gừng Trung Quốc được bày bán tràn lan. Chị Bắc - tiểu thương bán rau củ trên phố Thể Giao (quận Hai Bà Trưng) cho biết, gừng Trung Quốc vẫn được người dân ưa chuộng. "Mặc dù gừng, tỏi trong nước ăn thơm hơn, cay hơn rất nhiều, nhưng bây giờ người tiêu dùng ưa chuộng sự nhanh gọn, ào ào, sản phẩm gì chế biến nhanh, giá rẻ thì được yêu thích" - chị Bắc nói thêm.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, phần lớn người dân khi mua loại gừng này không biết đó là gừng Trung Quốc và tiểu thương cũng đương nhiên không nói cho họ biết. Chị Lê Kim Nhung - một người thường xuyên đi chợ ở Long Biên cho biết: "Nếu biết là gừng Trung Quốc, thì không đời nào tôi dám mua".
Tại chợ đầu mối Long Biên, theo ghi nhận của phóng viên cuối tuần qua, gừng tràn ngập chợ, chất thành từng đống. Một tiểu thương chuyên buôn bán mặt hàng này tiết lộ, gừng được chở bằng xe tải từ các tỉnh biên giới về đây đổ. Không chỉ có chợ Long Biên, hầu hết từ các chợ đầu mối lớn như đến các chợ dân sinh, chợ cóc, chợ tạm, mặt hàng gừng Trung Quốc được bán ê hề, áp đảo gừng trồng trong nước.
Số lượng ít, nên không kiểm tra?
Ngay sau khi có thông tin gừng Trung Quốc nhiễm độc, Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), Bộ NNPTNT mới tiến hành rà soát tình hình nhập khẩu gừng tại các cửa khẩu khu vực biên giới phía Bắc. Theo Cục BVTV, gừng được nhập khẩu về Việt Nam chủ yếu qua cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) và Lào Cai. Lượng gừng nhập khẩu từ đầu năm đến nay hơn 330 tấn, trong đó cửa khẩu Tân Thanh khoảng 250 tấn.
Ông Nguyễn Xuân Hồng - Cục trưởng Cục BVTV cho biết, gừng không phải thực phẩm được sử dụng nhiều như các loại rau, củ quả khác. Hơn nữa, người Việt Nam sử dụng gừng cũng không nhiều. Bên cạnh đó, mặt hàng này trong nước cũng sản xuất được với chất lượng cao hơn, củ gừng chắc, thơm và cay hơn, nên số lượng gừng nhập không nhiều (!?).
Bà Bế Thị Thu Hiền - Trạm trưởng Trạm Kiểm dịch Tân Thanh cho biết, so với các loại củ gia vị như hành, tỏi khô, thì gừng được nhập khẩu với số lượng ít hơn. "Thỉnh thoảng Trạm cũng lấy mẫu gừng kiểm tra dịch bệnh, nguy cơ hóa chất và đã phát hiện hóa chất tồn dư?nhưng dưới ngưỡng cho phép nên vẫn cho phép nhập mặt hàng này. Đây cũng là mặt hàng được doanh nghiệp kê khai, nhập khẩu chính ngạch" - bà Hiền nói.
Trả lời câu hỏi, vì sao tại các cửa khẩu đều có trạm kiểm dịch thực vật, song chúng ta lại không lấy mẫu gừng thường xuyên để kiểm tra, ông Hồng cho biết: "Theo quy định, tất cả các hàng hóa khi nhập khẩu vào Việt Nam đều phải lấy mẫu kiểm tra xác suất. Song, do gừng nhập khẩu với số lượng không nhiều, lại thuộc nhóm nguy cơ thấp nên chúng tôi không kiểm tra thường xuyên".
Cũng theo ông Hồng, sau sự việc này, Cục BVTV sẽ lấy mẫu kiểm tra với tần suất lớn, bao gồm cả gừng được sản xuất trong nước và gừng lưu thông trên thị trường để có thông tin chính xác nhất tới người tiêu dùng.