Siêu thị Việt ngậm ngùi nhìn chợ vỉa hè qua mặt

Ngày 07/10/2014 04:05 AM (GMT+7)

Các siêu thị Việt đang vật lộn để tồn tại khi phải cạnh tranh với các “đại gia” bán lẻ nước ngoài, trong khi 75% thị phần bán lẻ vẫn theo kiểu truyền thống.

Vừa đắt, vừa bất tiện

Dù xung quanh nhà có tới 5-7 siêu thị lớn nhỏ, song chị Hoa (phố Dịch Vọng, Cầu Giấy) vẫn giữ thói quen mua thực phẩm ở chợ và các đại lý gần nhà. Chị Hoa giải thích, một hộp sữa ở đại lý ven đường chỉ 255.000 đồng, nhưng khi bước chân vào siêu thị, giá bị đội lên ít nhất 10-15.000 đồng/hộp. Chẳng hạn, tại Ocean Mart là 265.000 đồng, CM. Mart 269.000 đồng, Metro 267.000 đồng… Chị bảo: “Đi làm về, tôi chỉ việc tạt xe vào ven đường, gọi với vào là có người mang ra tận nơi, vừa nhanh, vừa rẻ. Đi siêu thị phải xuống tầng hầm gửi xe, xếp hàng chờ thanh toán, ít nhất cũng 30 phút”. 

"Phát triển bán lẻ hiện đại xu thế tất yếu, nhưng ít nhất năm năm tới, bán lẻ truyền thống vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Do đó, vẫn cần chú trọng bán lẻ truyền thống, để người dân vùng sâu cũng mua được hàng tốt”.

Ông Nguyễn Tiến Vượng - Phó Tổng giám đốc - Tổng công ty Thương mại Hà Nội Hapro

Bác Vân, ở D2 khu tập thể Nghĩa Tân thì ngại ngần nhất khoản thực phẩm trong siêu thị hầu hết ở dạng đông lạnh; gần đây lại liên tiếp có thông tin mất an toàn thực phẩm, như chả cá “hai chị em” nhiễm khuẩn tại Big C, Co.opmart, Metro; hàng loạt siêu thị Minh Hoa, Le’s Mart, Citimart, Indochina Plaza nhập rau từ chợ về bán… “Mua tại chợ cá còn giãy, thịt đỏ tươi, rau xanh vừa hái, yên tâm hơn”, bác Vân nói.

Quả thật, khảo sát một loạt siêu thị tại Hà Nội, cho thấy, hàng hóa không có sự khác biệt lớn so với các chợ truyền thống cả về chủng loại, chất lượng, trong khi giá bán thường đắt hơn vài nghìn đến cả chục nghìn đồng/sản phẩm. Đó là lý do quan trọng khiến thị trường bán lẻ 75% vẫn theo phương thức truyền thống (chợ, cửa hàng ven đường) - theo nghiên cứu của Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam. 25% còn lại của thị trường này theo mô hình bán lẻ hiện đại (siêu thị, trung tâm thương mại), song năm 2013, chỉ có 18% người tiêu dùng mua hàng hóa tại các siêu thị.

Siêu thị Việt ngậm ngùi nhìn chợ vỉa hè qua mặt - 1

Mua sắm tại các chợ truyền thống là thói quen của rất nhiều người tiêu dùng Việt

Cần cuộc “đại phẫu” 

Trong khi đó, thị trường bán lẻ Việt Nam sắp phải đón thêm nhiều đối thủ nặng ký như Aeon - tập đoàn bán lẻ lớn thứ tư thế giới đến từ Nhật; Central - nhà bán lẻ hàng đầu Thái Lan; Wal-Mart - tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới…

Theo nhiều chuyên gia, các DN bán lẻ Việt đã đạt được một số kết quả bước đầu. Tuy nhiên, muốn đủ sức cạnh tranh, chơi sòng phẳng với doanh nghiệp ngoại cần hai yếu tố: Tầm nhìn và hướng đi. Các DN Việt không có nghiên cứu thị trường đầy đủ, không nắm bắt được tâm lý người tiêu dùng và đặc biệt là chỉ nhăm nhăm vào đô thị.

Các đại gia bán lẻ ngoại đã “định vị” tại Việt Nam như Big C (Pháp), Lotte Mart (Hàn Quốc), Metro (Đức) cũng không ngừng mở rộng quy mô. Cùng với đó là khoảng 8.546 chợ các loại, khoảng một triệu cửa hàng quy mô nhỏ của các hộ gia đình có nhà ở mặt tiền. “Điều đó đặt siêu thị Việt trong một cuộc cạnh tranh gay gắt và cần có sự bứt phá”, ông Trần Nguyên Năm, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công thương nhận định. 

Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Siêu thị Saigon Co.opmart tại Hà Nội, để cạnh tranh với bán lẻ truyền thống có ưu thế tiện, rẻ; siêu thị cần đổi mới, đa năng, đa dụng, vừa là nơi mua sắm, vừa giải trí, thư giãn. Đồng thời, chú trọng phát triển các cửa hàng tiện ích để đáp ứng yêu cầu người dân.

Đồng quan điểm, ông Trần Nguyên Năm thông tin, từ năm 2013 đến nay, ở Việt Nam, đặc biệt là Hà Nội và TP HCM đã và đang có sự bùng nổ trong phát triển loại hình cửa hàng tiện lợi với những thương hiệu nổi tiếng của nước ngoài như: B’Mart, Circle K, Family Mart… Gần đây nhất, ngày 3/10, Vingroup đã mua lại 70% cổ phần của Công ty Đại Dương (chủ chuỗi siêu thị Ocean Mart) và lên kế hoạch xây dựng 100 siêu thị và 1 nghìn cửa hàng tiện ích trong ba năm tới.

Ngoài ra, trong bối cảnh bùng nổ công nghệ, thị trường bán lẻ cũng đang chứng kiến sự dịch chuyển mạnh mẽ sang các hình thức mua sắm hiện đại như mua sắm trực tuyến, bán hàng qua truyền hình. “Công nghệ IT đang len lỏi vào đời sống, nếu nhà bán lẻ nào bỏ qua thì sẽ bị chậm lại”, Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế T.Ư Võ Trí Thành cảnh báo.

Theo Hải Quỳnh (Giao thông vận tải)
Nguồn:

Tin liên quan