“Doanh nghiệp Thái không to, mạnh bằng Nhật, Hàn Quốc nhưng họ đi nhanh hơn, bài bản hơn. Họ đang đánh du kích vào thị trường Việt Nam”.
Người Thái đang “đánh du kích”
Thời gian gần đây thị trường bán lẻ Việt Nam chứng kiến làn sóng đổ bộ mạnh mẽ của doanh nghiệp Thái Lan qua các thương vụ mua bán, sáp nhập các chuỗi bán lẻ lớn.
Cụ thể, Berli Jucker Plc (BJC) của Thái đã mua hệ thống 42 cửa hàng FamilyMart (Nhật Bản) tại Việt Nam và đổi tên thành B’mart.
Không dừng lại ở đó, giữa năm 2014, BJC cũng là đơn vị thỏa thuận mua lại chuỗi siêu thị Metro Cash & Carry Việt Nam với giá 655 triệu Euro (khoảng 880 triệu USD). Vào ngày 7/1/2016, hai bên đã chính thức hoàn tất thương vụ chuyển giao. Đây được xem là vụ mua bán- sáp nhập quy mô lớn nhất trong ngành bán lẻ Việt Nam từ trước đến nay.
Berli Jucker Plc (BJC) của Thái đã mua lại chuỗi siêu thị Metro Cash & Carry Việt Nam. Ảnh nguồn Internet
Tiếp theo đó, vào đầu năm 2015, Tập đoàn Central Group của tỷ phú Thái Lan Chirathivat đã mua lại 49% cổ phần công ty sở hữu chuỗi siêu thị điện máy Nguyễn Kim.
Sau khi tập đoàn Casino (Pháp) chính thức công bố sẽ bán chuỗi siêu thị Big C ở Việt Nam, các chuyên gia trong ngành bán lẻ cũng dự đoán khả năng Big C sẽ lại rơi vào tay người Thái. Không nằm ngoài dự đoán, mới đây nhất, Tập đoàn BJC đã tuyên bố muốn mua lại Big C.
Trao đổi với phóng viên báo điện tử Infonet, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, Nguyên Phó giám đốc Sở Thương Mại Hà Nội cho biết, nếu như trước đây, đại gia bán lẻ nước ngoài thâm nhập vào thị trường Việt Nam chỉ có Metro của Đức, Big C của Pháp thì khoảng 5-7 năm nay, hầu hết các tập đoàn lớn của thế giới đã có mặt ở Việt Nam. Đặc biệt Thái Lan đang thâm nhập mạnh mẽ nhất vào thị trường bán lẻ Việt Nam qua kênh siêu thị.
Lý do được ông Phú chỉ ra là thị trường bán lẻ Việt Nam có rất nhiều tiềm năng, có khả năng thu hút các nhà đầu tư. Nước nào cũng rất coi trọng hệ thống phân phối nội địa nhưng Việt Nam quá chú trọng xuất khẩu, bỏ qua thị trường nội địa nên dẫn đến “xộc xệch”. Chính vì thế khi nhà đầu tư nước ngoài vào chỉ mất vài tháng họ có thể tìm được dự án đất đai. Trong khi đó có một doanh nghiệp bán lẻ nội mà ông biết đã phải mất 3 năm mới tìm được địa điểm kinh doanh.
“Như thế thì thời cơ kinh doanh mất hết. Nói tóm lại đây là một cuộc cạnh tranh không cân sức. Về khách quan thì thị trường nội địa thiếu sự quan tâm còn về chủ quan thì doanh nghiệp Việt Nam yếu”, ông Phú nói.
Theo ông Phú, lý do Thái Lan thâm nhập mạnh mẽ vào thị trường bán lẻ nước ta vì Thái Lan có lợi thế gần với Việt Nam. Người Thái rất hiểu người Việt Nam, hiểu được tập quán tiêu dùng dùng của người Việt. Mặt khác, trong khi hệ thống phân phối hiện đại của Thái Lan đã bão hòa, chiếm 65% thì ở Việt Nam con số này mới dừng lại ở 20%.
Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội. Ảnh D.Thùy
“Các tập đoàn Thái Lan đã có ý đồ thâm nhập thị trường Việt Nam từ rất lâu, họ muốn đầu tư một cách bài bản, mở rộng từ sản xuất đến phân phối”, ông Phú nói.
Chính vì thế mà họ thường xuyên tổ chức hội chợ thường niên ở Việt Nam để người tiêu dùng Việt quen với hàng Thái.
“Có lẽ 100% các gia đình ở Hà Nội, TP.HCM đều có hàng Thái, như dụng cụ gia đình, nước rửa tay, rổ rá, dao Thái, …để thấy rằng hàng Thái đã thâm nhập vào từng gia đình Việt Nam”, ông Phú cho biết.
Cũng chính vì những lý do trên mà ông Phú dự đoán 80% khả năng Tập đoàn bán lẻ Thái Lan sẽ mua lại chuỗi siêu thị Big C.
Ông Phú đánh giá, dù doanh nghiệp Thái không to, mạnh bằng Nhật, Hàn Quốc nhưng họ đi nhanh hơn, bài bản hơn. Như cách ví von của ông thì họ đang “đánh du kích” vào thị trường Việt Nam.
Hàng Việt nằm ở đâu?
Theo ông Phú, nếu doanh nghiệp Thái Lan có được Big C- một hệ thống siêu thị rộng lớn với 32 điểm phân phối thì sẽ có sức ảnh hưởng lớn tới thị trường, họ có thể hoàn thành được vòng chu trình, từ sản xuất tới phân phối, gây ra sức ép đối với hàng trong nước và các nhà bán lẻ khác. Như câu chuyện cách đây 4 năm, công ty C.P đã từng tăng giá trứng 2 lần trong vòng một tuần mà không hề có lý do, bởi họ nắm tới 30- 40% thị phần cung cấp trứng cho hệ thống siêu thị.
Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho rằng không chỉ riêng người Thái, mà các đại gia lớn khi đã đứng vững trên thị trường, chiếm thị phần nhất định sẽ ép cả sản xuất và người tiêu dùng.
“Vậy câu hỏi đặt ra, hàng Việt nằm ở đâu? Rõ ràng khi họ chiếm lĩnh thị trường thì không chỉ nguy cơ về cạnh tranh trong khâu phân phối mà cả sản xuất, bán lẻ Việt Nam cũng phải đối mặt với việc bị chèn ép, hàng hóa bị đánh bật ra khỏi thị trường”, ông Phú lo ngại.
Nhiều khả năng chuỗi siêu thị Big C sẽ lại rơi vào tay người Thái. Ảnh minh họa
Ông Phú cho biết, nhiều siêu thị khoe hàng Việt chiếm 80-90% trong hệ thống siêu thị nhưng điều này không bền vững vì khi BJC của Thái Lan mua Metro, đại diện công ty này từng tuyên bố sẽ bán 60% hàng Thái trong hệ thống siêu thị này. Càng lo lắng hơn vì hàng Thái có chất lượng, giá cả cạnh tranh và đã chiếm được lòng tin của người tiêu dùng Việt.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, với khoảng cách địa lý gần cùng những chính sách cởi mở về thuế quan của Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ làm cho hàng Thái nhập khẩu vào Việt Nam tăng mạnh trong thời gian tới. Đó là chưa kể trên kệ hàng của siêu thị, hàng Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan đang xuất hiện ngày một nhiều hơn. Điều này đồng nghĩa với việc hàng hóa trong nước vốn đã lép vế lại càng khó có chỗ đứng trong hệ thống phân phối của họ.
Ông Phú cho biết, hiện nay cả nước có khoảng 750 siêu thị, 150 trung tâm thương mại nhưng các thương hiệu bán lẻ nội như Hapro, Fivimart… đã co cụm hoặc bán bớt rất nhiều. Hiện nay chỉ có hai doanh nghiệp Việt đang trụ vững là Co.opmart và Vingroup. Trong khi bán lẻ nội dè dặt, yếu thế thì doanh nghiệp ngoại ngày càng lấn lướt.
Các điểm bán lẻ của DN nước ngoài tuy mới chiếm một lượng khiêm tốn là 90 điểm trên tổng số siêu thị cả nước, song doanh số bán ra 1 điểm của họ gấp 3- 4 lần, thậm chí 7-8 lần so với 1 điểm của các siêu thị nội do quy mô lớn hơn.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, bán lẻ Việt Nam chưa có chiến lược đầy đủ, cả 3 cấp nhà nước, ngành và doanh nghiệp. Vốn của siêu thị nội mới chỉ đủ 15- 20% nhu cầu kinh doanh, khó thu mua hàng hóa một cách trực tiếp của sản xuất; 60-70% các siêu thị nội phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng với lãi suất cao; nhân lực điều hành chưa được đào tạo chuyên ngành bán lẻ; các doanh nghiệp thiếu sự liên kết, mạnh ai nấy làm…Bên cạnh đó công tác quy hoạch hệ thống bán lẻ nói chung và hệ thống bán lẻ hiện đại nói riêng chưa được xây dựng khoa học. Ví dụ như ngay tại Hà Nội, trên tuyến đường Thái Thịnh, chưa đầy 1km đã có tới 3 siêu thị hoạt động, kết cục là một siêu thị Hapro đóng cửa sớm.
Ông Phú cho biết, sự thâm nhập mạnh mẽ và nhanh chóng bằng nhiều con đường của các nhà bán lẻ nước ngoài là xu hướng tất yếu của quá trình Việt Nam hội nhập ngày càng sâu vào nền kinh tế khu vực và thế giới.
Dự kiến trong năm 2016 và các năm tiếp theo, mua bán sáp nhập vẫn còn tiếp tục sôi động với sự tham gia mạnh mẽ của các nhà đầu tư nước ngoài và của cả nhà đầu tư trong nước vào cả lĩnh vực phân phối và cả sản xuất dịch vụ.
Do đó, để doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam không thua trên sân nhà, các doanh nghiệp phải đổi mới, tổ chức sản xuất hàng hóa với quy mô lớn, chất lượng. Các doanh nghiệp đã liên doanh, liên kết hoặc bán một phần vốn có các doanh nghiệp nước ngoài cần tỉnh táo điều hành, nắm thông tin chính xác, chủ động trong quản trị doanh nghiệp, nắm bắt những kinh nghiệm của doanh nghiệp nước ngoài để từng bước phát triển không đánh mất thương hiệu.