Nhiều người trong nghề cho rằng heo bị bệnh gạo, bị nổi nốt hoặc bị áp-xe thì khó mà qua mắt được cơ quan kiểm dịch.
Nghi vấn này xuất hiện sau vụ một khách hàng ở quận Gò Vấp (TP.HCM) mua phải thịt heo nghi nhiễm bệnh tại Siêu thị Big C Gò Vấp vào tối 10-3 và đã mang trả lại ngay cho siêu thị. (Pháp Luật TP.HCM online ngày 12-3 đã phản ảnh chi tiết trong bài “Heo nghi nhiễm bệnh vào Big C”). Miếng thịt ấy nổi nhiều nốt, khi cắt ra có một nốt màu xanh giống như mủ. Tuy đại diện Big C Gò Vấp có đưa ra giấy chứng nhận kiểm dịch lô hàng của Chi cục Thú y tỉnh Đồng Nai nhưng thực sự số thịt heo có dấu hiệu bất thường đó ở đâu ra?
Quy trình chặt chẽ nhưng vẫn lọt?
Sáng 12-3, đại diện Big C cho biết siêu thị đã làm việc lại với nhà cung cấp lô hàng thịt ngày 10-3. Ngoài ra, để khách quan, nhà cung cấp sẽ cùng với Big C đi kiểm nghiệm mẫu thịt nổi nốt.
“Trước mắt, Big C tạm thời ngưng bán toàn bộ thịt đến từ nhà cung cấp đó. Big C sẽ chỉ làm việc lại với nhà cung cấp khi có kết quả kiểm nghiệm và biết được sản phẩm đó chất lượng như thế nào” - đại diện Big C nói.
Theo Big C, giữa nhà cung cấp với siêu thị có thời gian làm việc dài và có sự tin tưởng. Trong việc kiểm soát chất lượng thực phẩm tươi sống thì luôn có ba bên. Bên thứ nhất là nhà cung cấp, họ phải thực sự chịu trách nhiệm về sản phẩm của mình. Bên thứ hai là cơ quan chức năng cung cấp các giấy tờ cần thiết để lưu thông sản phẩm. Thứ ba, khi sản phẩm đến với nhà phân phối thì nhà phân phối phải có trách nhiệm kiểm soát toàn bộ, kể cả kiểm tra bằng cảm quan.
Cũng theo vị đại diện này, để đảm bảo an toàn thực phẩm cho các mặt hàng thịt bán tại siêu thị, Big C còn tới kiểm tra điều kiện vệ sinh an toàn của lò mổ có đạt chuẩn. Việc kiểm tra này hoàn toàn bất ngờ và ngẫu nhiên để xem nhà cung cấp có đảm bảo quy trình giết mổ hay không.
Nếu kỹ lưỡng vậy thì tại sao lại có chuyện không hay như đã nêu ở trên? Đại diện Big C đáp: “Cả một tảng thịt, chỉ có một chỗ bị. Đôi lúc phải xẻ đúng chỗ đó thì mới bị. Big C cũng có kiểm tra lại lô thịt đó nhưng không phát hiện miếng thịt nào bị như vậy”.
Liên quan đến nguyên nhân dẫn đến sự cố, theo tìm hiểu của PV, nhà cung cấp thịt cho Big C đang cho rằng miếng thịt đó bị áp-xe (một dạng nhiễm trùng). Tuy nhiên, Big C “không tin những lời giải thích bằng miệng như vậy và phải chờ kết quả xét nghiệm”.
Có hay không hàng ngoài luồng?
Theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam, nếu đúng là đã cung cấp thịt nhiễm bệnh cho siêu thị thì công ty có liên quan phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, ông Phú đặt giả thiết nếu thịt đó không phải của nhà cung cấp mà là hàng “tuồn” vào bằng con đường khác thì sao?
Ông Nguyễn Xuân Trang, Trưởng ban Quản lý chợ Hoàng Hoa Thám (từng có nhiều năm làm trưởng ban quản lý ở chợ Phạm Văn Hai - chợ đầu mối lớn về thịt heo tại TP.HCM), cũng cho rằng xác suất sai của giấy chứng nhận kiểm dịch an toàn từ cơ quan thú y là rất hiếm. Ông Trang lưu ý: “Heo bị bệnh gạo, bị nổi nốt hoặc bị áp-xe thì khó mà qua mắt được cơ quan kiểm dịch. Trước đây, chúng tôi vẫn thường kiểm tra đột xuất tại chợ để xem tiểu thương có lén lút đem thịt rẻ ở ngoài không có kiểm dịch vào bán cùng với thịt có kiểm dịch hay không?”.
Bàn thêm về trách nhiệm của siêu thị trong sự cố để người tiêu dùng mua thịt heo nghi nhiễm bệnh, ông Phú nói: “Hàng phải có dấu kiểm dịch thì siêu thị mới nhập. Thế nhưng khi các nốt ở miếng thịt nổi lên như vậy thì không thể cứ đổ lỗi cho dấu kiểm dịch. Nổi nốt mà vẫn bán cho người tiêu dùng, tức là siêu thị phải liên đới chịu trách nhiệm. Nếu thịt đúng là của nhà cung cấp thì nhà cung cấp phải chịu trách nhiệm tới 80%, Big C chịu 20%”. Cũng theo ông Phú, qua vụ việc này Big C phải cố gắng rút kinh nghiệm vì siêu thị này không chỉ bán một mặt hàng thịt mà còn bán hàng chục ngàn mặt hàng khác nhau.
Ông PHAN XUÂN THẢO, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM: Quy trình kiểm soát giết mổ heo rất chặt chẽ Theo Quyết định 87/2005 của Bộ NN&PTNT, heo trước khi đưa vào giết mổ phải xem có được cấp giấy chứng nhận kiểm dịch chưa. Sau đó kiểm tra độ sạch của heo, nhiệt độ, dáng đi đứng, vận động, hô hấp, quan sát ngoài da. Nếu heo có nhiệt độ cao hơn bình thường thì phải giữ lại để theo dõi tiếp. Khi phát hiện heo có triệu chứng của bệnh truyền nhiễm thì phải kiểm tra lại toàn đàn. Sau khi giết mổ, heo phải được khám đầu, khám phủ tạng (phổi, tim, gan, lách, dạ dày, ruột), kiểm tra thân thịt. Đối với thân thịt, phải kiểm tra toàn bộ mặt da như quan sát màu sắc của da, các dấu hiệu bệnh lý (xung huyết, xuất huyết, hoại tử, ổ áp-xe, vết loét)... Chỉ sau khi đã kiểm tra xong thì cơ quan thú y mới tiến hành đóng dấu, lăn dấu kiểm soát giết mổ trên thân thịt hoặc dán tem vệ sinh thú y đối với thân thịt, phủ tạng, phụ phẩm heo đủ tiêu chuẩn vệ sinh. Đồng thời cấp giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển sản phẩm động vật. TRẦN NGỌC ghi |
Chưa có kết quả kiểm tra Chiều 12-3, trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Đồng Nai Trần Văn Quang xác nhận đơn vị mình đã cấp giấy phép thú y cho Siêu thị Big C Đồng Nai (đơn vị đứng tên chủ hàng của lô thịt bán tại Big C Gò Vấp, TP.HCM - PV). Tuy nhiên, vì số thịt này lấy từ rất nhiều nguồn khác nhau nên cần phải kiểm tra rõ từng lô hàng trong siêu thị. Bước đầu, trưởng phòng Kiểm dịch của chi cục đã đến Siêu thị Big C Đồng Nai để tìm hiểu. Riêng về nghi vấn heo nhiễm bệnh, hiện vẫn chưa xác định được vì muốn biết chính xác thì phải mang mẫu thịt đến cơ quan y tế xét nghiệm. Cũng theo ông Quang, thịt heo được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn vệ sinh bắt buộc phải qua nhiều khâu kiểm tra như lâm sàng, nội tạng và bước cuối cùng là cắt thịt ở phần lưỡi, đùi, bụng, những khu vực hay biểu hiện của heo bệnh. VĂN NGỌC |