5.000 con chim yến đã chết và 9.000 con bị tiêu hủy vì biện pháp chống dịch.
Đây là con số do Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm công bố trong cuộc họp chiều ngày 7/5/2013.
Theo đó, tại các tỉnh miền Trung đã phát hiện mẫu chim yến có kết quả dương tính với vi rút H5N1. Tổng số có 14.000 chim yến chết và bị tiêu hủy do mắc H5N1 (trong đó có 5.000 con chim yến đã chết, 9.000 con chim yến được tiêu hủy).
Phòng chống dịch cúm trên chim yến (Ảnh minh họa)
Theo Bộ NN-PTNT, hiện tại sau khi tiêu hủy chim yến khỏe vẫn về bình thường, là một biểu hiện rất tích cực sau phòng chống dịch bệnh.
Ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT cho hay, Bộ sẽ ban hành thông tư quy định tạm thời về dẫn dụ, khai thác và quản lý chim yến.
Về dịch lợn tai xanh, hiện có 5 địa phương đang có dịch là: Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Thái Bình, Nam Định, Bắc Ninh. Tổng số lợn măc bệnh ở các địa phương này là hơn 21.000 con. Nam Định là tỉnh đang chịu thiệt hại khá nặng do dịch lợn tai xanh xảy ra với tổng số lợn mắc bệnh là gần 19.000 con.
Về dịch lở mồm long mong hiện còn có tỉnh Hà Tĩnh đang có dịch, dịch cúm gia cầm hiện toàn quốc không có tỉnh nào phát sinh ổ dịch.
Tăng cường giám sát H7N9
Về dịch H7N9 đang gây lo lắng trong dư luận, ông Phùng Quốc Chướng, Viện trưởng Viện Thú Y cho hay, cơ quan này sẵn sàng tham gia vào việc giám sát H7N9.
Ông Vũ Văn Tám, Thứ trởng Bộ NN-PTNT cho hay, Bộ này sẽ tiếp tục tăng cường các biện pháp chống dịch. Hai Bộ NN-PTNT và Bộ Y tế sẵn sàng phối hợp xây dựng kế hoạch phòng chống dịch chung. Bộ NN-PTNT sẽ chủ động lồng ghép các dự án khác, tăng cường xét nghiệm, giám sát vi rút H7N9.
Riêng với đàn chim yến, Bộ NN-PTNT tiếp tục theo dõi giám sát, tìm tác nhân gây bệnh, tìm biện pháp xử lý thích hợp.