Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) vừa đưa ra dự báo, giá xăng dầu thế giới nhiều khả năng sẽ tiếp tục xu hướng giảm từ nay đến hết tháng 9. Vấn đề người tiêu dùng quan tâm là giá xăng trong nước có giảm được tương ứng theo giá thế giới không?
Điều hành giá xăng dầu linh hoạt
Cục Quản lý giá phân tích: Giá xăng dầu thế giới thời gian qua liên tục biến động giảm do nhu cầu tiêu thụ suy yếu ở Châu Âu. Dự báo giá xăng dầu thành phẩm thế giới tháng 9.2015 tiếp tục biến động khó lường, có thể tiếp tục giảm so với hiện nay.
Theo Cục Quản lý giá, từ đầu năm 2015 đến nay, giá xăng dầu đã được điều hành linh hoạt theo cơ chế thị trường.
Đến hôm nay (9.9), giá dầu WTI tiếp tục có những phiên giao dịch giảm xuống mức thấp. Giá dầu WTI giao tháng 10 giảm xuống xòn 45,94USD/thùng. Dầu thô Brent ở mức 49,52USD/thùng, sau khi giảm mạnh vào phiên giao dịch trước đó. Như vậy, kể từ kỳ điều hành giảm giá xăng gần 1.200 đồng/lít hôm 3.9 vừa qua, giá dầu thô và xăng dầu thành phẩm thế giới đã giảm liên tiếp và mất mốc 50USD/thùng.
Theo Cục Quản lý giá, từ đầu năm 2015 đến nay, giá xăng dầu đã được điều hành linh hoạt theo cơ chế thị trường, qua theo dõi cho thấy xu hướng giảm rõ rệt. Sau 7 lần điều chỉnh giảm, giá xăng đã giảm tổng cộng 5.586 đồng/lít. Trong khi đó, sau 4 lần mặt hàng xăng tăng giá mạnh, tổng cộng mức tăng giá từ đầu năm đến nay là 5.040 đồng/lít.
Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, giá xăng trong nước đã có mức giảm nhiều hơn mức tăng. Giá bán lẻ mặt hàng xăng RON 92 (có lượng tiêu thụ lớn nhất đến thời điểm hiện tại) đã về mức 17.330 đồng/lít.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng cho rằng, giá xăng dầu trong nước đang được điều hành quản lý theo đúng Nghị định 83 và đã công khai, minh bạch, tiệm cận với diễn biến của giá xăng dầu thành phẩm thế giới. Theo đó, khi giá thị trường thế giới cao thì giá trong nước cao, giá thị trường thế giới thấp thì giá trong nước thấp.
Giảm thế nào để dân đỡ thiệt?
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, nếu đúng theo diễn biến của giá thế giới thì giá xăng dầu trong nước phải giảm mạnh hơn nữa trong hai lần điều chỉnh hồi tháng 8 vừa qua. Bình quân 8 tháng đầu năm nay, giá bán lẻ xăng A92 của ta vẫn là 18.922 đồng/lít, chỉ giảm 23,6%, tức 5.858 đồng/lít so với mức giá bán lẻ bình quân cùng kỳ năm 2014 là 24.780 đồng/lít. Tương tự, giá bán lẻ bình quân tháng 8 của xăng A92 cũng chỉ giảm 22% so với cùng kỳ năm trước, trong khi giá xăng dầu thế giới 8 tháng qua giảm trên 35%. Giá xăng mới chỉ được giảm khá mạnh hôm 3.9 là gần 1.200 đồng/lít.
Ông Long cho rằng, các cơ quan quản lý đưa ra lý do giá xăng của ta đã thấp hơn các nước xung quanh và nếu giá xăng dầu của ta thấp quá sẽ xảy ra buôn lậu có thể đã làm cho giá xăng giảm chưa “đủ độ”, làm người tiêu dùng cảm thấy chưa thỏa đáng và bị thiệt.
Theo chuyên gia kinh tế này, từ đầu năm tới nay, các doanh nghiệp xăng dầu lãi “khủng” do chi phí định mức kinh doanh mỗi lít xăng RON 92 từ 860 đồng được tăng lên 1.050 đồng/lít. Doanh nghiệp lại được duy trì lợi nhuận định mức 300 đồng/lít xăng và giá xăng dầu thế giới giảm mạnh nên doanh nghiệp nhập được với giá thấp.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cũng xác nhận: Tính chung 7 lần giảm, 4 lần tăng từ đầu năm tới nay, giá xăng hiện tại mới chỉ rẻ hơn so với giai đoạn đầu năm hơn 500 đồng/lít, mức quá ít so với kỳ vọng của người tiêu dùng trong nước, khi giá xăng dầu thế giới liên tục lao dốc mạnh và hiện đã xuống dưới mốc 50USD/thùng (dầu thô). Người dân cũng chỉ mong, nếu giá thế giới giảm thì Nhà nước giảm thế nào để dân đỡ thiệt.
Theo TS Phong, với dự báo giá xăng dầu thế giới còn tiếp tục giảm là tín hiệu tốt cho điều hành giá xăng dầu trong nước và nền kinh tế. Các cơ quan Nhà nước có thể tính toán lại theo hướng giảm hoặc bỏ bớt các yếu tố như thuế, trích định mức, lợi nhuận, quỹ bình ổn xăng dầu… để giá xăng dầu không rườm rà, mù mờ và có thể vận hành theo đúng giá thị trường, nhất là trong bối cảnh giảm giá sẽ giúp giảm chi phí đầu vào cho các doanh nghiệp và khiến cuộc sống người dân dễ thở hơn.