Không giống mỗi lần xăng dầu tăng giá, hàng hóa ồ ạt leo thang, trong một tháng qua, dù giá xăng giảm liên tục ba lần, giá các loại hàng hóa vẫn giữ nguyên, trong khi cước vận tải thì... khất lần.
Tăng ăn theo, giảm phớt lờ
Trong vòng một tháng qua, xăng dầu đã có ba lần điều chỉnh giảm tổng cộng 1.425 đồng/lít (ngày 27/7 giảm 325 đồng/lít; ngày 7/8, giảm thêm 500 đồng/lít và ngày 18/8, giảm thêm 600 đồng/lít). Thế nhưng, khảo sát tại các siêu thị, cửa hàng, chợ… cho thấy hàng hóa vẫn giữ nguyên giá.
Cụ thể, tại chợ Nghĩa Tân sáng 26/8, giá bán thịt lợn nạc thăn, nạc mông, ba chỉ là 100.000 đồng/kg; sườn lợn 95.000 -100.000 đồng/kg; thịt sấn vai, sấn mông 85.000 đồng/kg, không khác gì so với thời điểm cuối tháng 7. Tương tự, các mặt hàng thịt bò, cá, tôm vẫn đứng giá, như thịt bò mông giá 260.000 đồng/kg; cá chép 70.000 đồng/kg; cá rô phi 50.000 đồng/kg…
"Giá hàng hóa tăng nhanh theo xăng rồi lại giảm chậm là nghịch lí không dễ xóa bỏ. Trước mắt, cơ quan chức năng cần tập trung tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng một số mặt hàng thiết yếu của thị trường như gạo, thịt cá, rau quả, sữa, để tạo sự cạnh tranh lành mạnh, mặt hàng nào ế sẽ tự nhiên giảm giá ngay”. Ông Vũ Vinh PhúChủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội |
Thậm chí, so với một tháng trước, mặt hàng gà ta nguyên lông và rau xanh còn tăng giá. Hiện giá gà ta nguyên lông loại ngon lên tới 160.000 đồng/kg, cao hơn 10.000 đồng/kg so với tháng trước.
Các loại rau xanh đắt hơn hẳn, như rau muống từ 5.000 - 6.000 đồng/mớ (tăng 2.000 đồng/mớ so với tháng trước); hoa thiên lý 7.000 đồng/lạng (tăng 1.000 đồng/lạng); bí đao 15.000 đồng/kg (tăng 3.000 đồng/kg); cà chua 20.000 đồng/kg (tăng 5.000 đồng/kg)…
Chị Thảo bán rau tại chợ Nghĩa Tân giải thích, trời mưa to trong nhiều ngày qua đã gây ngập úng các ruộng rau, rau dễ dập nát, người trồng hái cũng khó khăn nên phải tăng giá bán. “Thời tiết còn nắng mưa thất thường, giá rau còn tăng”, chị Thảo cho hay.
Và hầu hết các tiểu thương khi được hỏi đều không đưa ra được lý do vì sao giá hàng hóa vẫn đứng yên, trong khi mỗi lần xăng dầu tăng giá trước đó đều có hiệu ứng “ăn theo” rõ rệt. Chị Hằng, bán thịt lợn tại chợ Cổ Nhuế phân bua, tiểu thương nhập hàng giá cao thì bán với giá cao. “Từ đầu tháng 7, giá lợn hơi đã tăng, hiện là 55.000 – 60.000 đồng/kg, thì giá bán phải tăng chứ. Từ nay đến Tết, chắc giá gà, lợn, bò khó giảm xuống”, chị Hằng dự đoán.
Giá rau xanh tăng sau ba lần giảm giá xăng dầu
Doanh nghiệp vận tải khất lần
Dù xăng dầu chiếm tới 40 - 50% giá cước vận tải, nhưng trong suốt ba đợt giảm giá xăng dầu liên tiếp này, các doanh nghiệp vận tải vẫn “án binh bất động”. Theo ông Nguyễn Thành Đô, Chủ nhiệm Hợp tác xã Vận tải Thành Đô (Nam Định), sở dĩ giá cước vận tải không thể giảm là bởi vì từ hai năm nay, doanh nghiệp chưa điều chỉnh giá cước vận tải dù xăng dầu đã có gần 20 lần tăng giảm. “Từ đầu năm đến nay, xăng dầu đã tăng giá 5 lần với mức tăng 1.450 đồng/lít, và cũng có 3 lần giảm với mức giảm 1.421 đồng/lít. Và chả biết mức giảm giá xăng dầu này có được giữ lâu không hay dăm bữa nửa tháng lại tăng giá, nên doanh nghiệp chưa tính đến chuyện giảm giá cước”, ông Đô cho hay.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Việt Nam cho rằng, 3 đợt giảm giá xăng dầu vừa qua chỉ khiến doanh nghiệp “dễ thở” hơn chút ít. “Vận tải hàng hóa còn đang lỗ, thì làm sao điều chỉnh giảm giá được? Hơn nữa, phần lớn hợp đồng vận tải là dài hạn, theo quý, theo năm; giá cước vận tải khách muốn điều chỉnh phải hiệp thương với đầu bến, xin phép cơ quan chức năng, doanh nghiệp taxi phải điều chỉnh, kiểm định lại đồng hồ và dán lại tem… Do đó, giá cước không thể điều chỉnh tăng/giảm nhanh như giá xăng dầu được”, ông Thanh lý giải.
Ông Trần Lâm, Giám đốc Công ty Nội thất Sông Hồng cũng cho hay, nếu giá xăng dầu giảm trong một thời gian dài 3-6 tháng, doanh nghiệp có thể giảm giá thành sản phẩm. “Nếu giá xăng dầu giữ mức thấp thêm một đến hai tháng nữa, chúng tôi sẵn sàng giảm giá bán để kích cầu. Chỉ sợ xăng dầu giảm được một tháng rồi lại “phi mã” tăng giá ba đến bốn tháng liền thôi”, anh Lâm băn khoăn.
Giữ ổn định thuế xăng dầu đến hết năm 2014 Đó là nội dung công văn Bộ Tài chính vừa gửi tới các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối. Cụ thể, mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi các mặt hàng này được ổn định cả năm nay ở mức: Mặt hàng xăng 18%, dầu diesel 14%, dầu hỏa 16%, dầu mazut 15%. Theo Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, mức thuế nhập khẩu quy định đối với xăng dầu tối đa là 40%. Tùy vào tình hình giá cả trong nước, thế giới, Bộ Tài chính sẽ điều chỉnh mức thuế phù hợp. Quyết định giữ ổn định thuế xăng dầu của Bộ Tài chính nhằm giúp các doanh nghiệp chủ động trong công tác xây dựng kế hoạch, phương án kinh doanh. Thảo Nguyên |