Ngày gặp mặt bố mẹ chồng lần đầu tiên, Thương được tặng rất nhiều quà và một chiếc lì xì rất to. Sau này cô mới biết văn hóa của người Trung, nếu về ra mắt được bố mẹ người yêu tặng lì xì có nghĩa là họ đã ngầm chấp nhận và mong muốn làm con dâu họ.
Mỗi ngày hiện nay của Lê Thị Thương (28 tuổi, Hải Dương) bận rộn đầu tắt mặt tối bên bé QianQian mới được hơn 3 tháng tuổi. Cô cùng ông xã Hạ Dĩ Dương chỉ quanh quẩn việc bỉm sữa chăm con cũng đủ bận tối mắt tối mũi và luôn chân luôn tay từ sáng sớm tới khuya.
Mặc dù vậy, kể từ khi có con tình cảm vợ chồng Thương tốt hơn rất nhiều, mái ấm nhỏ của vợ chồng cô cũng hạnh phúc, nhiều niềm vui hơn trước. Đối với Thương, gần 5 năm kết hôn làm dâu Trung Quốc, đây là khoảng thời gian Thương thấy hạnh phúc, viên mãn và tròn đầy nhất.
Tổ ấm nhỏ của Thương và thầy giáo Hạ Dĩ Dương.
Hơn 8 năm trước, Thương sang Trung Quốc du học tại Đại học Kỹ thuật Công trình Thượng Hải. Cũng tại đây, cô có cơ duyên gặp ông xã Dĩ Dương là giảng viên môn hình họa của trường.
Thời gian đầu, Thương không có nhiều ấn tượng về giảng viên hơn mình 11 tuổi này. Nhưng ngược lại, Dĩ Dương đã chú ý đến cô sinh viên ngoại quốc ngay từ lần xem hồ sơ tân sinh viên. Gương mặt xinh xắn, nụ cười tươi tắn của Thương khiến thầy giáo Hạ đã bị trúng tiếng sét ái tình. Và anh đã chủ động kết bạn với Thương khi có dịp dạy môn hình họa ở lớp cô.
Ban đầu, cuộc trò chuyện của cả hai chỉ xoay việc học tập và bài vở trên lớp. Nhưng bỗng một lần, thầy giáo Hạ gửi cho Thương xem bức ảnh anh chụp lúc sang Việt Nam du lịch và nói về những chủ đề không liên quan đến lớp học như sở thích du lịch, cuộc sống của du học sinh... đã khiến cả 2 gần gũi nhau hơn. Thương phát hiện ra con người mới của Dĩ Dương ấm áp, tinh tế, biết quan tâm, khác hoàn toàn với ấn tượng của cô về một thầy giáo lạnh lùng, ít nói trước đây.
Và sau nhiều tháng trò chuyện qua lại, cả 2 dần nảy sinh tình cảm. Dĩ Dương đã chủ động tỏ tình với Thương và nhận được cái gật đầu đồng ý của cô với một điều kiện cả hai sẽ hẹn hò trong bí mật cho đến khi Thương tốt nghiệp.
Thương và Dĩ Dương yêu trong bí mật.
Thương cho biết, mặc dù chuyện thầy giáo và sinh viên yêu nhau không bị cấm, nhưng cô không muốn trở thành tâm điểm bàn tán và mất đi sự nghiêm túc chốn giảng đường. Cứ như vậy, trong suốt khoảng thời gian đại học của Thương, cả 2 chỉ hẹn hò vào dịp cuối tuần. Được biết, Thương ở ký túc xá của Trường nên mỗi lần hẹn hò vào tối thứ 7, Dĩ Dương phải đứng cách cổng ký túc xá hơn 500m còn Thương mỗi lần lên xe của thầy giáo cũng phải ngó trước ngó sau cẩn thận mới lên. Những khoảnh khắc lãng mạn của 2 người khi hẹn hò, Thương cũng phải ẩn hết bạn bè, thầy cô khi đăng lên mạng xã hội.
Khi đến trường, họ vờ như không quen biết nhau. Thậm chí, vào giờ học của bạn trai, Thương còn không dám đối mặt vì sợ cả hai sẽ bật cười. Còn Dĩ Dương, miệng giảng bài, vẻ mặt nghiêm nghị, nhưng ánh mắt của anh luôn tránh nhìn về phía Thương. Thi thoảng, không kiềm chế được anh cố đi đến gần chỗ Thương ngồi, tủm tỉm cười rồi lại làm vẻ mặt nghiêm.
Vì yêu trong bí mật nên không ít lần Dĩ Dương cũng như ngồi trên đống lửa khi Thương có nhiều chàng trai, trong đó có giảng viên cùng trường theo đuổi. Và cuối cùng khi Thương sắp kết thúc năm cuối đại học, Dĩ Dương đã quyết định cầu hôn cô để “đánh dấu chủ quyền”.
Năm 2017, Thương với ông xã Dĩ Dương tổ chức đám cưới ở Hải Dương. Năm 2019, vợ chồng cô tổ chức đám cưới ở Thượng Hải. Và giữa tháng 8 vừa qua, tổ ấm nhỏ của cả 2 vừa mới chào đón con gái đầu lòng.
Cả 2 tổ chức đám cưới ở Hải Dương và cả Trung Quốc.
Chia sẻ về cuộc sống sau hôn nhân, Thương cho biết, từ khi yêu nhau đến cưới nhau và có bé QianQian, vợ chồng cô chưa bao giờ cãi vã. Có lẽ vì chồng hơn 11 tuổi nên anh luôn nhường nhịn, chỉ cần mỗi khi thấy Thương có chút không vừa ý là anh hỏi lý do rồi xin lỗi và sửa ngay nên giữa 2 vợ chồng chưa bao giờ xảy ra cãi vã khiến mối quan hệ trở nên căng thẳng.
“Mình là người khá nóng tính, dễ nổi giận, mình cũng không khéo, có gì là mình nói luôn mà không bao giờ để bụng, có lẽ do hiểu tính nên chồng mình luôn là người nhường nhịn. Anh ý khá hiểu mình và đều xử lý rất tốt cảm xúc của mình mỗi khi mình có chuyện gì không vui dù là trong công việc hay áp lực trong học tập”, Thương thổ lộ.
Chồng Thương luôn nhường nhịn vợ và cô cùng tâm lý.
Không chỉ có chồng tâm lý, Thương còn có bố mẹ chồng vô cùng quan tâm. Nhớ lại kỷ niệm ngày đầu tiên về ra mắt bố mẹ chồng, Thương kể, cô rất căng thẳng và hồi hộp nhưng nhờ chồng làm công tác tư tưởng trước cho bố mẹ nên Thương đã nhận được sự yêu mến ngay lần đầu tiên. Thậm chí ngày gặp mặt, cô còn được bố mẹ chồng tặng rất nhiều quà và một chiếc lì xì rất to.
“Sau này nghe các bạn người Trung nói mình mới biết nếu về ra mắt được bố mẹ người yêu tặng lì xì thì có nghĩa là họ đã ngầm chấp nhận và mong muốn mình sau này sẽ làm con dâu họ”, Thương cười.
Đến nay đã gần 5 năm Thương làm dâu Trung Quốc nhưng cô không gặp nhiều khó khăn. Thương tâm sự, cô về ở với bố mẹ chồng vỏn vẹn nửa tháng rồi được bố mẹ cho ra ở riêng. Mặc dù ở riêng nhưng gần nhà bố mẹ chồng nên họ giúp đỡ vợ chồng cô rất nhiều.
Thời điểm đó Thương đang học năm cuối Đại học, làm bài tốt nghiệp nên khá bận rộn, hầu như việc nhà bố mẹ chồng làm hết. Ngoài ra, cơm nước của 2 vợ chồng cô cũng hoàn toàn do bố mẹ chồng lo, cứ đến giờ bố mẹ lại gọi vợ chồng cô qua ăn nên sau khi lấy chồng cô cảm thấy mình có nhiều thời gian chuyên tâm vào việc học tập hơn cả lúc chưa lấy chồng.
“Lúc mình mới về làm dâu bố mẹ mình cũng rất lo. Tại từ nhỏ mình cũng được bố mẹ khá chiều nên hầu như là việc nhà mình không biết làm gì cả, nhưng sau khi thấy cuộc sống bên nhà chồng của mình rất hạnh phúc và vui vẻ thì bố mẹ mình đã hoàn toàn yên tâm và không lo lắng gì nữa.
Giờ hai vợ chồng mình chuyển sang ở nhà mới nhưng cũng cách bố mẹ chồng không xa lắm, bố mẹ vẫn thường xuyên sang nấu ăn và đổi món cho vợ chồng mình”, Thương cười.
Ngay ngày đầu về ra mắt, bố mẹ chồng đã tặng Thương lì xì ngầm mong muốn cô là con dâu của gia đình.
Bên cạnh được bố mẹ chồng giúp đỡ việc nhà cửa, cơm nước, phong tục lễ Tết khi về làm dâu đến nay Thương cũng không phải lo lắng. Vì nhà chồng cô ở Thượng Hải nên các phong tục lễ Tết được giảm lược rất nhiều, ăn Tết cũng rất đơn giản. Ngày 30 Tết, gia đình cô đặt tiệc tại nhà hàng rồi cùng nhau sum họp ngày cuối cùng của năm, tặng nhau lì xì chúc một năm mới an khang rồi ai về nhà đấy. Ngày mồng 1 đến mồng 5 Tết, mọi người trong nhà cùng nhau đi du lịch châu Âu, châu Á hoặc trong nước, vậy là hết Tết. Chính vì vậy Thương không hề lo lắng về sự khác biệt văn hóa, phong tục tập quán khi làm dâu xa xứ.
Đối với Thương, cô cảm thấy may mắn khi có được bố mẹ chồng yêu thương mình hết mực. Mẹ chồng thương cô rất nhiều vì biết cô thiệt thòi khi lấy chồng xa. Đặc biệt, cô có chồng khéo léo xử lý mối quan hệ giữa mẹ và vợ trong mọi trường hợp nên cô không gặp phải những mâu thuẫn trong mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu mà mọi người thường lo lắng.
“Sau khi mình sinh bé cảm xúc của mình không ổn định, mình rất dễ nổi nóng với tất cả mọi người, mỗi khi chồng mình thấy vậy anh thường nói chuyện riêng với bố mẹ rằng mình mới sinh mình không dễ khống chế cảm xúc đó là biểu hiện chung của rất nhiều sản phụ nên bố mẹ hãy hiểu và nhường nhịn mình. Rồi cũng nhắc nhở bố mẹ chồng mình không nên tham gia quá nhiều vào cách mình chăm bé vì hai thế hệ khác nhau cách chăm sóc em bé cũng rất khác nhau. Chồng mình luôn là người làm công tác tư tưởng rất tốt nên giữa bố mẹ chồng và mình hầu như không có khúc mắc gì”, Thương tâm sự.
Thương thổ lộ thêm, theo cô, để mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu hòa thuận, chỉ cần cái tâm tốt, luôn vun vén cho gia đình thì bố mẹ chồng sẽ hiểu và yêu thương con dâu. Đó cũng là bí quyết làm dâu xa xứ của cô.