13 năm kết hôn và 6 năm yêu, vợ chồng chị Vân luôn sòng phẳng chuyện tiền nong, không ai động vào ví của nhau.
15 năm sang Đức, cuộc sống của chị Vân bận rộn mỗi ngày với công việc và con cái, một bé 9 tuổi và một bé 4 tuổi. Hiện tại chị đang làm việc ở một tòa soạn báo của thành phố. Chị cảm ơn cuộc đời vì cho chị một người chồng tốt, sống giải dị nhưng ấm áp và luôn hiểu vợ muốn gì, ủng hộ vợ chồng bất kỳ công việc nào và đặc biệt tôn trọng vợ.
Tổ ấm nhỏ của chị Vân.
Phải lòng cô gái Việt, sếp Tây đòi cưới ngay
Chị Vân năm nay 40 tuổi còn ông xã chị anh Martin Broezel nay đã 50 tuổi. Hiện tại chị đang sinh sống và làm việc ở Đức, Schwäbisch Hall, gần Stuttgart thuộc bang Baden Wuertemberg.
Chị Vân cho biết, chị và ông xã quen nhau trong cơ duyên vô cùng tình cờ khi chị mới tốt nghiệp đại học ở Việt Nam và đang chờ visa để đi du học Đức. Khi đó, anh Martin đến Việt Nam với một người bạn để tham quan về mảnh đất hình chữ S và thị trường nước sạch lẫn nước thải ở đây. Và chị có cơ hội gặp gỡ anh.
“Hồi đó anh làm sếp về dự án nước sạch cho thành phố. Lần đầu tiên gặp anh mình chỉ nói với anh là đang chờ lấy visa để đi du học Đức. Nếu mình sang Đức mình sẽ đến thăm nhà anh. Buổi gặp gỡ đó mình chủ yếu nói chuyện tiếng Anh và một chút tiếng Đức vì mình có học một chút tiếng Đức”, chị Vân nhớ lại.
Phải lòng cô gái Việt bé nhỏ, nhanh nhẹn nhưng rất bướng bỉnh nên quen nhau một thời gian anh Martin đã ngỏ lời cầu hôn chị. Còn với chị Vân, chị ấn tượng bởi vẻ điển trai, cao to lại là dân trí thức nên sau khi học xong về tài chính, chị đã đồng ý lời cầu hôn của anh.
Đám cưới của anh chị tổ chức vô cùng đơn giản.
Đám cưới của anh chị tổ chức đơn giản với sự chứng kiến của chủ tịch thành phố và được tổ chức ở ủy ban thành phố với sự tham gia của anh em họ hàng, bạn bè.
Không tổ chức linh đình như ở Việt Nam, đám cưới của anh chị ở Đức không quá phô trương mà vô cùng đơn giản. Sau đó vợ chồng chị cùng đi ăn ở nhà hàng với 30 người.
“So với đám cưới ở Việt Nam, đám cưới ở Đức mọi thứ rất đơn giản, chỉ mời người thân, bạn bè. Riêng về quà tặng cũng không có tặng nhiều như ở Việt Nam. Quà cưới ít nhất là 30 Euro (khoảng gần 800 nghìn) đối với bạn bè không thân hay hàng xóm. Còn với họ hàng hay bố mẹ chỉ tặng từ 50-200 euro (Khoảng 1-5 triệu)”, chị Vân chia sẻ.
Sau kết hôn, tiền bạc vợ chồng sòng phẳng
Hiện nay, tổ ấm nhỏ của chị Vân và anh Martin có 2 nhóc tì. Hai bé nhà chị cách nhau 5 năm. Mặc dù cơ thể phát phì, không gọn gàng như thời con gái nhưng ông xã chị cũng không mấy bận tâm mà không xem đó là điều xấu xí. Anh luôn chân thành và chăm sóc em bé với chị. Đặc biệt anh vô cùng tâm lý, có thể pha sữa cho con và bế em bé được cả ngày, tắm rửa cho con lúc chị mệt.
Tuy nhiên những khác biệt văn hóa đôi khi cũng xuất hiện những tình huống hài hước trong nhà chị. “Mình còn nhớ hồi sinh bé đầu, mình phải ăn cháo chân giò thường xuyên, chồng mình và bố mẹ chồng cười mỗi lần mình ăn, bảo là thức ăn cho động vật. Mình chỉ cười thôi, chứ không nói gì. Mình bảo em bé cần sữa nên phải ăn và đó là phong tục Việt Nam”, chị Vân kể.
Chị Vân bộc bạch, đối với chị lấy chồng Tây hay ta đều như nhau. Vợ chồng chị mỗi người một tài khoản nên mỗi người làm theo cách mình muốn. Và đó cũng chính là cách vợ chồng chị gắn bó bền chặt bên nhau được hơn chục năm như vậy.
Theo chị chia sẻ, người Châu Âu rất sống sòng phẳng, không ai nợ ai về tiền bạc. Và vợ chồng chị sống bên nhau được 13 năm nay và 6 năm quen nhau là do sự tôn trọng và thấu hiểu từ 2 bên. Đi đâu hay làm gì vợ chồng chị đều đóng góp chung nên chị không thấy có khoảng cách giữa trai Tây và trai Ta.
Trong cuộc sống hôn nhân của chị, hai vợ chồng luôn có sự phân công công việc cho người bạn đời của mình, chị không bao giờ tha hết việc và coi chồng là vua trong nhà. Ngày cuối tuần, vợ chồng chị đi ăn nhà hàng và luôn có sư phân chia sòng phẳng hôm nay chồng mời thì chồng trả tiền còn ngày mai vợ mời thì vợ trả tiền. Hoặc trước khi đi đâu hay làm gì, vợ chồng chị sẽ thảo luận ý kiến trước, sau đó sẽ quyết định một cách rất bài bản.
Đặc biệt, vợ chồng chị không bao giờ động đồ của đối phương. Vợ chồng chị không bao giờ đọc tin nhắn hay sờ vào điện thoại, ví tiền của đối phương. Anh chị tôn trọng quyền cá nhân tuyệt đối và tin tưởng tuyệt đối người bạn đời của mình.
Bên nhau 13 năm vợ chồng chị vẫn sòng phẳng về tiền bạc.
Hai nhóc tì nhà anh chị.
Bên cạnh đó, anh chị luôn nói thẳng thắn quan điểm cá nhân của mình. Dịp sinh nhật, vợ chồng chị sẽ sẽ hỏi đối phương trước 1-2 tuần thích gì? Muốn tổ chức như thế nào? Rồi thảo luận và lập kế hoạch cụ thể trước. Những điều này ở Việt Nam đều rất hiếm khi thấy. Chính nhờ những bí quyết đó mà vợ chồng chị ít khi cãi nhau bởi vì đối với chị, khi mình hiểu người bạn mình muốn gì, thích gì thì không có gì khúc mắc để cãi nhau.
“Cuộc sống vợ chồng mình là thế. Lúc làm việc thì làm hết mình. Lúc đi du lịch thì sẽ không làm gì khác mà luôn cùng và luôn lắng nghe, thấu hiểu ý kiến của người khác. Tất cả đều phải cố gắng và từ bỏ cái tôi của mình thì đó mới là hạnh phúc lâu dài. Đó là lý do vì sao, 13 năm cưới bọn mình vẫn luôn luôn cảm thấy mới mẻ như lúc đầu”, chị Vân cười tiết lộ.