Mẫu nhà 1 trệt 1 lầu vừa phù hợp với xu hướng kiến trúc hiện nay, có nhiều thiết kế đa dạng, tiết kiệm chi phí thi công mà vẫn đảm bảo không gian sống.
Ngày nay, có rất nhiều kiểu thiết kế nhà khác nhau phù hợp với nhiều đối tượng, gia đình. Với những gia đình có thu nhập không cao, đất không quá rộng và nhà không có nhiều người cùng chung sống thì những mẫu thiết kế nhà 1 trệt 1 lầu là tối ưu nhất.
Kiểu nhà 1 trệt 1 lầu có thiết kế gọn gàng, đơn giản nhưng không đơn điệu, tận dụng được không gian sống, sinh hoạt thoải mái và còn tiết kiệm được khoản khi phí khá tốt.
1. Những mẫu nhà 1 trệt 1 lầu đẹp
1.1 Nhà 1 trệt 1 lầu kiểu biệt thự
Nếu bạn mơ ước có một căn biệt thự nhiều tầng nhưng lại chưa đủ điều kiện thì có thể hiện thực hóa "giấc mơ" bằng một căn nhà 1 trệt 1 lầu kiểu biệt thự mini.
Vì diện tích nhà 1 trệt 1 lầu dạng biệt thự khá rộng rãi nên bạn có thể bố trí nội thất một cách thoải mái, tiện nghi nhất theo ý mình.
Có không ít mẫu nhà 1 trệt 1 lầu kiểu biệt thự cho bạn lựa chọn, có thể tận dụng hết mảnh đất để cất nhà, tạo ra không gian sinh hoạt thoải mái nhất, ở trên có sân thượng mát mẻ; hoặc có thể xây theo kiểu nhà hình vuông có khoảng sân gara ô tô bên cạnh, lối dẫn ra vườn ở sau nhà biến không gian nhà biệt thự trở nên xanh và mát hơn;…
1.2 Nhà 1 trệt 1 lầu mái thái
Nhà mái thái là một trong những loại nhà được ưa chuộng nhất hiện nay bởi vẻ đẹp và lợi ích nó mang lại. Nhà mái thái có mái ngói được xếp chồng lên nhau và có độ dốc, mang lại vẻ đặc biệt cho kiến trúc ngôi nhà nhìn từ bên ngoài.
Tham khảo mặt bằng bố trí nội thất của kiểu nhà 1 trệt 1 lầu mái thái.
Nhà 1 trệt 1 lầu mái thái được thiết kế cầu kỳ, mang phong cách tân cổ điển luôn tạo được ấn tượng về mắt nhìn. Thông thường, mái nhà với các gian nhà liên tiếp ghép nối, mái cửa sổ, mái cổng,… sẽ có được sự đồng đều về loại ngói, màu ngói nên nhà 1 trệt 1 lầu mái thái mang những vẻ đẹp rất riêng. Chi phi cũng có phần cao hơn những loại nhà khác.
1.3 Nhà 1 trệt 1 lầu hình chữ L
Hình dáng nhà cũng là một trong những yếu tố quyết định nên vẻ đẹp của ngôi nhà. Và nhà 1 trệt 1 lầu hình chữ L là kiểu thiết kế thông dụng, phổ biến nhất hiện nay. Thiết kế nhà hình chữ L dễ dàng cho việc sắp xếp bố cục, bài trí các chi tiết nội, ngoại thất. Đặc biệt, không gian bố trí mặt bằng công năng trong nhà 1 trệt 1 lầu hình chữ L cũng trở nên tiện nghi và đơn giản hơn rất nhiều.
Khoảng khuyết phía trước của mẫu nhà 1 trệt 1 lầu hình chữ L cũng có thể tận dụng để đặt bàn uống nước, chỗ để xe cũng rất tiết kiệm không gian.
Nếu bạn là một người yêu thiên nhiên thì nhà hình chữ L cần đặc biệt lưu tâm. Thiết kế này cũng giúp không gian thông thoáng hơn khi tất cả các phòng đều được tiếp xúc với thiên nhiên nhờ hệ thống cửa sổ và cửa chính. Nhà 1 trệt 1 lầu mang lại không gian mở, ngập tràn ánh sáng, màu sắc và sự yên bình.
Gợi ý nội thất cho kiểu nhà có 1 trệt, 1 lầu hình chữ L.
1.4 Nhà 1 trệt 1 lầu mái bằng
Nếu như nhà mái thái mang vẻ đẹp có phần cổ điển, mềm mại thì nhà mái bằng sang trọng, trẻ trung và hiện đại hơn nhiều.
Những mẫu nhà thiết kế 1 trệt 1 lầu mái bằng nhìn từ bên ngoài có vẻ gọn gàng, cá tính và vô cùng vững chãi. Mặt tiền thường được làm bằng kính, có ban công trồng cây xanh nên đón được nhiều ánh sáng tự nhiên hơn. Phần mái được đổ bằng chắc chắn nên có thể lắp đặt các thiết bị trên mái hay thậm chí thiết kế một khu vườn, tiểu cảnh, tạo không gian xanh cho gia đình vui chơi, giải trí.
Tham khảo mặt bằng bố trí nội thất của kiểu nhà 1 trệt 1 lầu mái bằng.
1.5 Nhà ống 1 trệt 1 lầu
So với những mẫu nhà khác thì nhà ống 1 trệt 1 lầu mang vẻ đẹp và sức hấp dẫn riêng. Về tổng thể, đặc trưng của nhà ống là có chiều rộng khá hẹp nhưng lại có lợi thế về chiều dài nên gia chủ có thể tận dụng được tối đa diện tích đất đai hiện có.
Mẫu nhà 1 trệt 1 lầu dạng ống này sẽ giải quyết được vấn đề, nhu cầu về không gian sinh hoạt của gia chủ, vì nếu như chỉ là nhà cấp 4 thì sẽ không đủ cho những phòng chức năng. Đồng thời, sự hạn chế về chiều ngang cũng giúp gia chủ giành ra được một khoảng đất bên hông cho cây xanh hay nơi để xe tiện nghi.
1.6 Nhà lệch tầng
Khác với nhà ống, nhà lệch tầng là kiểu nhà có diện tích hạn chế về chiều sâu, mặt sàn giữa các tầng sẽ không thẳng, vuông góc cố định và sẽ có độ chênh. Cầu thang sẽ được thiết kế đặt giữa nhà, các phòng bao quanh. Dáng vẻ ngôi nhà này khá mới mẻ, lối thẩm mỹ đặc biệt, giúp tạo nên không gian sống thoáng đãng, thoải mái trên diện tích đất eo hẹp.
Bản vẽ mặt bằng bố trí nội thất của kiểu nhà 1 trệt 1 lầu lệch tầng.
Mẫu nhà 1 trệt 1 lầu lệch tầng giúp căn nhà được thông thoáng, tạo cảm giác gần gũi với thiên khi. Những khoảng lệch tầng sẽ có thể tận dụng để trồng hoa trang trí cho căn nhà, tận dụng làm nhà để xe, nhà kho hay nhà vệ sinh.
1.7 Nhà 1 trệt 1 lửng 1 lầu
Nếu như trước đây tầng lửng là giải pháp lựa chọn dành cho những ngôi nhà có sự hạn chế về diện tích thì hiện nay, tầng lửng được xem là một xu hướng thiết kế nhà phố hiện đại, tạo được sự thoáng đãng và mát mẻ.
Mặt bằng bố trí nội thất của kiểu nhà 1 trệt 1 lửng 1 lầu đang được ưa chuộng.
Tầng lửng của thiết kế này có thể là thiết kế đúc hay được làm bằng gỗ, ván ép. Tùy vào diện tích căn nhà mà sẽ có sự xếp đặt hợp lý không gian. Nếu rộng, tầng lửng phía trước có thể làm phòng khách, phòng làm việc; tầng lửng phía sau có thể làm gian bếp hay phòng ăn. Nếu nhà hẹp thì có thể tận dụng tầng lửng làm phòng ngủ đơn, phòng đọc sách hay phòng thờ.
2. Cách tính chi phí xây mẫu nhà 1 trệt 1 lầu
Với những mẫu thiết kế nhà và diện tích xây dựng khác nhau thì chi phí để xây nhà 1 trệt 1 lầu sẽ có những sự khác biệt nhất định. Nếu trên cùng 1 diện tích thì sẽ tùy thuộc vào mẫu thiết kế, gói vật tư mà bạn lựa chọn thì bạn sẽ phải trả một mức tiền khác. Đặc biệt, tình trạng đất nền xây dựng cũng ảnh hưởng không nhỏ đến chi phí xây nhà. Nếu như đất nền tốt, cứng cáp thì có thể tiết kiệm được một khoản tiền không nhỏ để xây móng.
Và trước khi quyết định xây nhà, bạn cần phải dự trù được chi phí xây dựng để xem mình cần có trong tay bao nhiêu hay có đủ khả năng xoay sở hay không. Để biết được, có thể áp dụng cách tính sau với độ chính xác khoảng 90%.
Tính diện tích xây dựng:
- Móng: 50%.
- Tầng trệt: 100%.
- Tầng lầu: 100%.
- Mái: Mái bằng là 70%, mái ngói là 50% còn mái tôn là 30%.
Ví dụ, nhà xây trên diện tích 50m2, chiều rộng 4m và chiều dài 12.5m, xây nhà mái bằng thì cách tính như sau:
- Móng = 4 x 12.5 x 50% = 25m2
- Trệt = 4 x 12,5 = 50m2
- Lầu = Trệt = 50m2
- Mái bằng: 50m2 x 70% = 35m2
Sau đó, để tính tổng chi phí xây dựng thì lấy đơn giá của nhà thầu trên một mét vuông nhân với tổng số mét vuông của móng, tầng trệt, tầng lầu và mái cộng lại.
Cụ thể, nếu như đơn giá trọn gói là 5.000.000 đồng/m2 thì tổng chi phí là:
= (25 + 50 + 50 + 35) x 5.000.000 = 800.000.000 đồng.
Dĩ nhiên, ngoài những khoản chi phí cơ bản trên đây thì bạn cần chuẩn bị thêm những khoản chi phí khác cũng không nhỏ như thiết kế sân vườn nếu muốn, nội thất, trang trí ngôi nhà….
3. Một số lưu ý khi xây nhà 1 trệt 1 lầu
- Kích thước mảnh đất: Một trong những yếu tố giúp xác định được kích thước thiết kế, phân bổ không gian cho ngôi nhà chính là kích thước và hình dáng của mảnh đất sở hữu.
- Số lượng thành viên trong gia đình: Thông thường, mẫu nhà 1 trệt 1 lầu sẽ có khoảng 3 phòng ngủ, phòng khách và khu vực ăn uống không quá rộng. Vì thế nên xác định liệu kiểu nhà này có phù hợp, có đảm bảo được không gian cho mọi thành viên hay không trước khi quyết định xây cất.
- Chi phí: Bao gồm cả chi phí dự trù tính toán cần có để hoàn thiện ngôi nhà và ngân sách hiện bạn đang có. Như vậy sẽ giúp phân bổ chi phí một cách hợp lý, tránh thiếu trước hụt sau.
- Vị trí ngôi nhà: Hãy xem ngôi nhà bạn đang xây là nằm ở đâu, đồng bằng, gần bãi biển hay ở đồi núi; thời tiết ở đó nắng hay mưa nhiều, khô hay ẩm…
- Chú ý đến vấn đề môi trường: Nên sử dụng những vật liệu thân thiện với môi trường, cũng như đảm bảo giữ gìn vệ sinh trng quá trình xây dựng ngôi nhà của bạn.
- Thiết kế ngôi nhà: Bạn có thể bàn bạc với thiết trúc sư để có thể bày tỏ những mong muốn của bản thân hoặc gặp họ để nhận được những gợi ý tốt, từ đó có được một bản thiết kế hợp lý nhất.
- Vật liệu xây dựng: Hãy thử đặt các câu hỏi: Bạn muốn dùng vật liệu gì để xây nhà? Có tốn chi phí vận chuyển vật liệu đó từ nơi khác đến không? Và phải tốn bao nhiêu? Có loại vật liệu nào có thể thay thế mà vẫn đảm bảo, lại tiết kiệm hay không?...
- Giấy phép xây dựng
- Phong cách sống của gia đình: Nếu gia đình bạn thích sự nhẹ nhàng ấm cúng thì sẽ cần một thiết kế có không gian sinh hoạt chung thoải mái cho cả gia đình; nếu thường xuyên tụ tập, hội họp thì phòng khách rộng hay một khoảng vườn thực sự cần thiết,…
- Phong thủy khi xây nhà: Có câu “lấy vợ xem tuổi đàn bà, làm nhà xem tuổi đàn ông”, nghĩa là vấn đề phong thủy từ xa xưa đã rất được coi trong đối với việc xây nhà. Cần phải xem ngày động thổ, hướng xây nhà, ngày đổ mái/ lợp ngói, vị trí xây nhà hay hình dáng nhà nên tránh, màu sắc kiêng kỵ với gia chủ, hướng bếp… Những điều đó ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống sau này.