Các nghiên cứu chỉ ra, trong cây diệp hạ châu chứa chất phyllanthus có tác dụng ức chế mạnh virus viêm gan B.
Cây mọc bờ bụi, xưa ai cũng nhổ bỏ, giờ thành thuốc quý
Theo các bác sĩ, viêm gan B là bệnh truyền nhiễm do vi rút viêm gan B (HBV) gây ra. Bệnh có thể gây ra tổn thương gan, hủy hoại tế bào gan và là căn nguyên hàng đầu gây nên bệnh ung thư gan tại Việt Nam.
Người bệnh bị viêm gan B ngoài tuân thủ việc khám, điều trị theo y khoa còn phụ thuộc vào việc ăn uống. Trong đó, uống nước cây chó đẻ răng cưa tên gọi khác là diệp hạ châu, trân châu thảo… cũng là một cách giúp làm mát gan, lợi tiểu được các bác sĩ đông y khuyên dùng.
Theo Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, diệp hạ châu là cây hoang dại, chúng mọc ở khắp nơi, không cần chăm sóc cũng lớn. Trước đây, khi thấy loại cây này mọc trong vườn ai cũng nghĩ là cỏ dại nên nhổ bỏ. Hiện nay, chúng được trồng nhiều trên các cánh đồng, trang trại để làm nguyên liệu cho công nghiệp dược liệu. Một số người dân, khi biết tác dụng của loại cây này cũng trồng trong vườn, khi cây lớn sẽ phơi khô, rửa sạch rồi nấu nước uống giúp mát gan.
Cây diệp hạ châu được 1 người dân ở TP.HCM trồng nấu nước uống. Ảnh: Diệu Thuần.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương giải thích, vốn dĩ cây có tên chó đẻ là vì theo quan sát của người dân chó mẹ sau khi đẻ con thường đi tìm ăn loại cây này. Theo nghiên cứu hành động này của chó mẹ giúp nó mau lành vết thương sau đẻ.
Trong Đông y, diệp hạ châu có vị đắng, hơi ngọt, tính mát, có khả năng thanh can nhiệt, lợi tiểu, lương huyết, giải độc, sát trùng.
Các nghiên cứu được thực hiện tại Nhật bản và Ấn độ đã thu được hoạt chất trong cây diệp hạ châu là phyllantin, triacontanal và hypophyllantin. Các hoạt chất này có tác dụng điều trị viêm gan, gan nhiễm mỡ.
Ngoài ra, cây còn chứa 1 chất rất quan trọng là phyllanthus, có tác dụng ức chế mạnh virus HBV, thông qua việc ức chế enzym ADN polymerase của HBV, do đó làm giảm HbsAg và Anti-HBs.
Nhiều năm trở lại đây, cả thế giới và nước ta đã có nhiều nghiên cứu về tác dụng trị bệnh của cây diệp hạ châu nhất là tác dụng điều trị bệnh lý gan mật. Với liều dùng 900mg/ngày đã có tới 50% lượng virus viêm gan B trong máu giảm sau 1 tháng sử dụng.
Ngoài các chất trên, trong cây diệp hạ châu còn có thành phần chất chống oxy hóa cao, thường xuyên sử dụng có thể giúp hạ men gan, bảo vệ gan và ức chế sự hoạt động cũng như sự nhân lên của virus viêm gan. Đồng thời, nó còn có khả năng làm tăng hàm lượng glutathione tại gan, nên có thể làm giảm hoạt động của các men SGOT và SGPT - các chỉ số men gan giúp phản ánh tình trạng tổn thương gan trong đợt cấp của viêm gan.
Cây diệp hạ châu phơi khô nấu nước uống. Ảnh minh họa.
Các bài thuốc giúp chữa bệnh từ cây diệp hạ châu
Ngoài khả năng chữa viêm gan do HBV gây ra, cây diệp hạ châu còn được dùng để điều trị nhiều bệnh lý khác nhau. Để tăng hiệu quả điều trị, nó thường được phối hợp với nhiều vị thuốc khác nhau. Cụ thể như sau:
Chữa viêm gan vàng da: Cây diệp hạ châu cưa 40g, mã đề 12g, chí tử 12g, nhân trần 16g. Sắc tất cả các nguyên liệu này với nhau. Mỗi ngày uống 1 thang và uống liên tục trong 30 ngày.
Chữa mụn nhọt sưng đau: Lấy một nắm cây diệp hạ châu cưa giã nhuyễn với một ít muối. Sau đó cho ít nước sôi vào, trộn đều và vắt lấy nước cốt uống, bã đắp chỗ đau.
Chữa sỏi thận: Dùng 24g diệp hạ châu, sắc nước uống. Nếu bị đầy bụng có thể cho thêm gừng tươi hoặc trần bi lúc đun. Khi bệnh ổn định thỉnh thoảng nên dùng diệp hạ châu hãm trà thay uống nước. Mỗi ngày 8-10g, uống không quá 30 ngày liên tục.
Cây diệp hạ châu hiện được trồng nhiều để làm thuốc. Ảnh minh họa.
Những lưu ý khi dùng cây diệp hạ châu
Theo các bác sĩ, cây diệp hạ châu là một vị thuốc an toàn, gần gũi và hiệu quả. Tuy nhiên, khi sử dụng bài thuốc này cũng cần lưu ý một số điểm sau:
- Không dùng với liều lượng lớn khi chưa có sự đồng ý của bác sĩ.
- Phụ nữ đang trong thời gian thai kỳ không dùng bất kỳ bài thuốc nào chứa thành phần của cây diệp hạ châu.
- Không chỉ định dùng cây diệp hạ châu với số lượng lớn và trong thời gian dài cho những bệnh nhân ở thể hàn. Bởi khi vào cơ thể, các chất có trong cây sẽ làm thể bệnh ngày càng nặng hơn, ức chế sự sinh nhiệt của cơ thể, từ đó sinh ra bệnh tật.