Theo bác sĩ Nguyễn Trần Như Thủy, ngải cứu ngoài dùng để làm thuốc, còn có thể chế biến các món ăn hỗ trợ trị được nhiều bệnh, giúp lưu thông máu tốt.
Cây rau tốt cho người bị xương khớp, đau đầu
Ngải cứu (còn gọi cây thuốc cứu) là một cây cỏ sống lâu năm, mọc hoang dại hoặc được trồng ở khắp nơi trên đất nước ta.
BS.CKII Nguyễn Trần Như Thủy, Khoa Nội Y học cổ truyền, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, cho biết ngải cứu là cây thuốc phổ biến trong dân gian và cả trong y học. “Cây rau này có thể thu hoạch quanh năm nên được rất nhiều người trồng trong vườn nhà, có thể dùng làm thức ăn, nước uống, dùng làm thuốc”, bác sĩ Thủy chia sẻ.
Ngải cứu là cây có thể vừa làm rau ăn vừa làm thuốc. Ảnh: DT.
Trong Đông y, ngải cứu có vị đắng, tính ấm, mùi thơm đặc trưng, tác dụng tán hàn thấp, làm ấm kinh lạc, lý khí huyết và cầm máu. Với công năng đa dạng, ngải cứu thường được sử dụng để trị đau bụng do lạnh, chảy máu cam, động thai, kinh nguyệt không đều và các bệnh đau nhức xương khớp do nhiễm phong, hàn.
Theo Y học cổ truyền, lá cây ngải cứu chứa nhiều chất kháng khuẩn và tinh dầu giúp giảm đau rất hiệu quả. Bên cạnh đó, ngải cứu chứa các hoạt chất cineol, dehydro matricaria este, tricosanol, tetradecatrilin… giúp giảm cơn đau thần kinh và khắc phục khá hiệu quả các triệu chứng choáng váng, đau đầu, hoa mắt, giúp lưu thông máu.
Bác sĩ Thủy cho biết, hiện nay ngoài dùng làm thuốc, ngải cứu có thể kết hợp với các nguyên liệu khác chế biến thành món ăn bổ dưỡng, tốt cho sức khỏe, nhất là những người bị bệnh xương khớp, thường xuyên đau đầu như gà hầm ngải cứu, trứng chiên ngải cứu, canh ngải cứu, cháo hạt sen ngải cứu… Ngoài ra, dùng ngải cứu, sả và gừng nấu nước tắm hoặc xông sẽ giúp cho người bị đau đầu, hoa mắt, chóng mặt dịu các triệu chứng.
Món gà hầm ngải cứu của bà Huyền thường nấu. Ảnh: DT.
Bà Huyền (60 tuổi, TP Thủ Đức) bị bệnh xương khớp, nhức mỏi. Khi được bác sĩ điều trị hướng dẫn bà cũng tận dụng thùng xốp, chậu cây đặt trước nhà trồng ngải cứu ăn. Bà cho biết, ngoài dùng rau này để chiên với trứng, hấp gà, cá, nấu canh với sườn ăn, bà còn nấu nước xông hoặc tắm.
“Mỗi khi đau đầu, tôi dùng ngải cứu, gừng và sả nấu nước xông trong 20 phút và dùng để tắm. Dùng bài thuốc này xong, tôi thấy cơn đau đầu dịu, người khỏe hơn”, bác Huyền chia sẻ.
Do không có nhiều đất trồng, bà Thủy phải nhờ con gái đang sống ở Đồng Nai trồng rồi gửi cho mẹ dùng. “Nhiều khi không đủ, tôi phải đi mua thêm”, bà Huyền nói.
Không phải ai cũng dùng được ngải cứu
Trên diễn đàn trồng rau sạch tại nhà, cũng có rất nhiều người cũng hỏi bí quyết trồng cây ngải cứu để làm rau ăn và làm thuốc. Tuy nhiên, hàng xóm của bà Huyền là chị Nguyễn Trinh (34 tuổi) lại không dùng được ngải cứu.
Món trứng xào ngải cứu của chị Tuyết. Ảnh: Nguyễn Tuyết.
Chị cho biết, trước đó được bà Huyền cho cây ngải cứu giống trồng, nhưng khi cây lớn chị phải nhổ bỏ vì cây tạp sống và chị không chịu được mùi hôi của cây. “Tôi không ăn được cây này nên phải nhổ bỏ hoặc mang đi cho. Nhưng tôi cứ nhổ là cây con lại mọc lên”, chị Trinh chia sẻ.
Chị Nguyễn Tuyết (40 tuổi, TP.HCM) kể, trước đây mẹ chị thường xuyên dùng ngải cứu hầm với gà ác ăn trị đau đầu và bồi bổ cho cả nhà. “Ban đầu, tôi không ăn được cây rau này vì nó vừa hôi vừa đắng. Khi tập ăn từ từ, quen mùi vị của nó thì lại rất ngon. Giờ, tôi cũng trồng cây rau này để chiên với trứng, hầm với gà hay nấu canh ăn”, chị Tuyết chia sẻ.
Theo bác sĩ Thủy, vốn dĩ ngải cứu kén người ăn là do nó có vị đắng, tính ấm và có mùi thơm đặc trưng. Với những người chưa ăn hoặc mới bắt đầu ăn sẽ thấy cây có mùi hôi, vị đắng khó chịu.
Theo bác sĩ Thủy, chỉ nên dùng ngải cứu như mẹo hỗ trợ giảm đau tại nhà, khi có bệnh nặng nên đi khám và điều trị. Ảnh: DT.
Đối với trường hợp dùng ngải cứu làm thuốc như bà Huyền, bác sĩ Thủy cho rằng cần tham khảo ý kiến bác sĩ và dùng ngải cứu như mẹo hỗ trợ tại nhà. Trong trường hợp bệnh nặng cần đi khám và điều trị bệnh. “Nếu lạm dụng ngải cứu có thể gây ra ngộ độc, thần kinh trung ương bị hưng phấn quá mức dẫn tới chân tay run giật cục bộ hoặc co giật”, bác sĩ Thủy khuyến cáo.
Theo bác sĩ Thủy, người bị viêm gan, vàng da, phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú và người mắc các bệnh nội khoa như sỏi thận, suy thận, xơ vữa động mạch… cần thận trọng, nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa.
Đối với những người mắc bệnh xương khớp, bên cạnh cách giảm đau bằng ngải cứu, cần kết hợp với chế độ ăn uống điều độ, điều chỉnh các tư thế xấu và tập thể dục thường xuyên để cải thiện sức khỏe và độ dẻo dai của xương khớp.