Bằng kỹ thuật trồng và chăm sóc đơn giản, chị em nội trợ có thể “tạo ra” một giàn bí đao-dưa leo- khổ qua sai trĩu quả, ăn mãi không hết.
Với nhiều nông dân sân thượng, trồng rau sạch trong thùng xốp hay bồn nhựa cho năng suất cao khá dễ dàng. Tuy nhiên, gieo trồng các loại cây leo giàn như bầu bí, khổ qua, dưa chuột, mướp,…không mấy người thành công ngay lần đầu. Chị Bùi Thương (30 tuổi- TP.HCM) chia sẻ: “Bí đao, khổ qua hay dưa chuột là loại cây ăn quả chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe con người. Thường, thời gian trồng và đơm hoa kết trái của chúng dài ngày hơn rau xanh gấp nhiều lần. Vì vậy, người trồng phải chú trọng tới cách gieo hạt và chăm sóc tỉ mỉ để có thể gặt hái được nhiều trái ngon”.
Bằng kỹ thuật trồng và chăm sóc đơn giản, chị Bùi Thương sở hữu giàn cây dây leo sai trĩu quả
Sau đây, chị Thương sẽ chia sẻ cách trồng và chăm sóc các loại cây leo giàn trên sân thượng bằng kỹ thuật đơn giản, đem lại năng suất cao.
Đất trồng
Chị Thương cho biết, khâu trộn đất rất quan trọng vì nó là “nền tảng” giúp cây sinh trưởng tốt sau này. Tùy vào độ mới cũ của đất, chị Thường có công thức khác nhau.
Đất cũ
Đây là loại đất đã gieo trồng rau quả trước đó. Thu hoạch xong, đất được trộn với vôi bột, phơi nắng 3 ngày. Cứ 1 lớp đất rải nấm trichoderma sẽ rải lớp rau rác sao cho đầy thùng và ủ 30 ngày. Khi trồng cây, pha thêm phân bò hoai hoặc xác phân cá vào đất.
Đất mới
Đất được trộn với hỗn hợp trấu hun, sơ dừa, phân bò và phân cá. Đặc biệt, cần phủ lớp đất mỏng chưa xử lý nên bề mặt tránh ruồi muỗi đậu.
Mướp đắng (khổ qua) trĩu quả ,xanh mướt
Thùng trồng
Toàn bộ cây ăn trái, chị Thương trồng bằng thùng earthbox tự chế.
Cách làm thùng earthbox:
Vật liệu chuẩn bị
- Bồn nước 500 lít loại nằm để chiều cao ngắn nhưng diện tích miệng bồn lớn.
- Xơ dừa.
- Gạch vỡ.
- Chai lọ nhựa.
Quy trình làm thùng tự chế
Thực hiện
- Cắt bồn nhựa làm đôi.
- Bỏ chai lọ nhựa vào đáy thùng.
- Đặt gạch vỡ lên trên chai nhựa sao cho khoảng cách dưới đáy và gạch là 10cm.
- Rải xơ dừa quanh mặt gạch để thấm nước hoặc che lỗ thủng hạn chế đất rơi xuống đáy bồn.
- Khoan kệ kê bồn bằng ốc vít sao cho kệ và bồn cùng kích thước, nước tự động bơm vào 1 bồn, các bồn còn lại sẽ tự trao đổi mực nước với nhau.
Khi hoàn thiện, chị Thương sắp xếp chúng gọn trên giá đỡ
Mực đất cho cây
Thời gian đầu, đổ đất vào khoảng 50% thùng. Cây 4 tuần tuổi, đổ thêm đất để cây cứng ngốc.
Đất trồng được đổ vào lưng lửng thùng tự chế
Gieo trồng
- Cây con ra 4 lá, đem cây trồng vào thùng tự chế.
- Cây dài 50-60 cm, khoan dây xuống đất. Sau đó tưới phân cá pha loãng 2 lần/tuần để cây hấp thụ chất dinh dưỡng, sinh trưởng nhanh.
- 5 tuần sau, cây bắt đầu ra hoa và thụ phấn. Đặc biệt, người trồng cần thụ phấn giúp cây từ 7-9 sáng bởi sân thượng hạn chế ong bướm bay lượn.
- Thời điểm hoa chưa nở thường bị ruồi chích nên cần có bẫy.
Bên cạnh đó, chị còn sử dụng thùng tự chế trồng các loại rau sạch
Cách chăm sóc
Dinh dưỡng giúp cây phát triển
2 tuần đầu, chị Thương không bón phân vì lượng đất nhiều dinh dưỡng. Thời kỳ cây ra hoa, chị bổ sung thêm kali và phân lân.
Sâu bệnh
- Dây leo thường bệnh rệp sáp, rày mềm biểu hiện đầu ngọn xoăn không phát triển cần cắt bỏ và xịt thuốc.
- Cây leo lúc nhỏ hay bị nứt gốc do độ ẩm trong đất cao, nếu cây bị nứt, bới đất phần gốc ra để cho thoáng.
Dưa chuột quả to, dài xanh ngon
Bí ngô quả to tròn khoe mình trong ánh nắng
Bí đao trái bự lủng lỉu trên giàn
Khổ qua, món ăn ưa thích của gia đình chị Thương
Khổ qua, bí đao thu hoạch cùng thời gian
Sau đó, chị gói ghém cẩn thận trong túi ni-lông và đem biếu tặng họ hàng, bạn bè