Chính vẻ ngoài "sặc sỡ" của cải cầu vồng mà nhiều người lầm tưởng đây là loại cây được trồng làm cảnh, nhưng thực sự chúng có thể ăn được và chứa rất nhiều chất dinh dưỡng.
Hình dáng của cải cầu vồng không khác nhiều so với những loại cây họ cải là mấy. Cải cầu vồng là loại cây thân thảo, có lá mọc so le nhau. Các đường gân lá được nối với những đoạn thân nhiều màu sắc khác nhau như đỏ, vàng, cam, trắng...
Cải cầu vồng không chỉ đẹp mà còn rất giàu chất dinh dưỡng.
Cải cầu vồng cực dễ trồng. Hơn nữa, cải cầu vồng còn có thể trồng như cây lâu năm vì một bụi của chúng có thể sống được vài năm nếu chăm sóc tốt. Vì vậy nếu còn đang băn khoăn không biết trồng loại cây gì sắp tới thì bạn hãy thử trồng loại rau này nhé.
Do sở hữu ngoại hình bắt mắt nên cải cầu vồng còn có thể làm cảnh.
1. Chuẩn bị:
Hạt giống: Cải cầu vồng được trồng hoàn toàn bằng hạt giống. Tuy nhiên, đây là loại giống nhập ngoại nên bạn hãy tìm mua tại những cửa hàng phân phối hạt giống uy tín để cho chất lượng tốt.
Cải cầu vồng được trồng hoàn toàn bằng hạt giống.
Đất trồng: Cải cầu vồng không thích hợp trồng trong đất chua, nên trồng rau này trong loại đất giàu dinh dưỡng và có độ ẩm cao, khả năng thoát nước tốt.
Phân bón: Nên chọn phân hàm lượng dinh dưỡng tốt. Có thể là phân chuồng hoai mục, phân xanh hay các loại phân được bày bán có ghi rõ thành phần đều được cả.
2. Qúa trình gieo trồng
Cải cầu vồng rất dễ sống nên bạn có thể gieo trực tiếp hạt giống vào chậu, thùng xốp, thậm chí là trồng ngay trong vườn hoặc chuẩn bị giá để trồng gieo hạt cho đến khi thành cây con rồi đem ra ngoài vườn trồng.
Gieo hạt giống vào từng ô, mỗi ô một hạt, chú ý gieo sâu khoảng 1,5cm.
Sau khi gieo, hãy dùng bình xịt phun nước làm ẩm bề mặt rồi để ở nơi thoáng mát. Nếu thời tiết thuận lợi chỉ khoảng 1 tuần là số hạt giống này sẽ nảy mầm hết.
Khi cây con đạt chiều cao khoảng 10cm và ra nhiều lá, bạn nên di chuyển chúng tới nơi có diện tích đất rộng hơn để chúng sinh trưởng và phát triển được tốt nhất.
Trước khi trồng xuống đất, hãy bón lót chút phân bón hữu cơ cho cây mau bén rễ. Khi cây cao khoảng 20cm thì tiến hành tỉa cây.
Khoảng cách giữa 2 cây là từ 20 - 30cm để tán lá có thể phát triển tốt nhất.
3. Cách chăm sóc
Cũng giống như các loại cây rau khác, cải cầu vồng rất ưa độ ẩm. Chúng cần phải được cung cấp nước thường xuyên để phát triển, nhất là những tháng mùa hè. Bạn tiến hành tưới nước cho cây 2 lần một ngày vào buổi sáng sớm và lúc chiều tối.
Cải cầu vồng là loại cây ưa sáng.
Cải cầu vồng ưa sáng, do đó khi trồng bạn nên chọn nơi đón được nhiều ánh sáng mặt trời để cây phát triển tốt nhất. Có thể được trồng rau trong chậu nhỏ, trước sân nhà, trên ban công,… Đặt ở những nơi có nhiều ánh sáng thì cây càng phát triển và dễ dàng “phô bày” hết vẻ đẹp của mình.
Tuy khá dễ trồng nhưng cải cầu vồng vẫn có thể bị tấn công bởi một số bệnh hại và côn trùng. Loại bệnh thường gặp là bệnh đốm lá, lúc nãy trên mặt lá sẽ xuất hiện những vết đốm nâu hoặc đen.
Cải cầu vồng bị sâu bệnh tấn công.
Ngoài ra còn để ý những loại côn trùng như rệp, bọ, ốc sên,… Chúng thường hoạt động vào buổi đêm, bò lên cải ăn lá và thân. Do đó bạn cần tìm và loại bỏ những con côn trùng này càng sớm càng tốt trước khi chúng phá hoại cả vườn cải của bạn.
4. Thu hoạch
Chỉ khoảng 65 ngày kể từ ngày gieo hạt giống là bạn có thể thu hoạch những cây cải đầu tiên. Cải cầu vồng trưởng thành có thể cao đến 50cm. Khi thu hoạch có thể hái cả cây hoặc hái lá từ ngoài vào trong để lại những lá non để cây tiếp tục lớn.
Khi lá cải to, thân mập mạp, có kích cỡ vừa ăn thì chúng ta bắt đầu thu hoạch.