Chỉ với kim tiêm và chiếc kìm, chàng trai Nguyễn Đức Thắng (Thái Bình) đã có thể tạo nên một làng quê Bắc Bộ thu nhỏ khiến nhiều người thán phục.
Nhìn những mô hình làng quê Bắc Bộ độc đáo này, ít ai biết rằng, người tạo ra chúng là một chàng trai mới 24 tuổi, đó là Nguyễn Đức Thắng (Thái Bình). Không chọn cho mình những ngành nghề phổ biến như bao bạn bè cùng trang lứa, Nguyễn Đức Thắng lại chọn công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo cao, đặc biệt là liên quan đến những giá trị truyền thống để gắn bó với nó.
Thắng tỉ mẩn với những mô hình mình làm bằng chiếc kim tiêm y tế.
Thắng kể, hồi còn nhỏ anh thường xuyên say mê những trò chơi với cát, những mô hình, lâu đài cát. Thế nhưng những mô hình đó lại không thể giữ được lâu nên anh đã tìm hiểu và kết hợp việc trộn xi vào cát và tự tay nhỏ chúng.
“Hồi lớp 7, lớp 8 mình tìm hiểu nhiều hơn và bắt đầu nghiên cứu về các mô hình. Thế nhưng hồi đó mình chỉ làm những mô hình đơn sơ và mộc mạc thôi. Tuy thời đầu chưa được hoàn hảo nhưng mình vui vì nó để được lâu.
Mình còn nhớ thời gian đầu mình làm rất lóng ngóng, thu nhỏ thì không cân đối, nhỏ thì nghiêng ngả. Có lần mình cứ ngồi làm chăm chỉ, nhưng lúc sau đứng dậy lại bị lệch hết về một phía, phải bỏ đi làm lại”, Thắng chia sẻ.
Để làm được một tác phẩm, việc đầu tiên là phải làm khung.
Từ đó, anh nghiên cứu, tìm tòi làm ra những mô hình làng quê Bắc Bộ trang trí tiểu cảnh trong khu vườn, không gian của mỗi gia đình. Những ký ức thuở nhỏ về làng quê nghèo, về cây đa, giếng nước, mái nhà ngói đơn sơ, đặc biệt là kỷ niệm của thời ăn sung, tắm ao, ăn đòn roi của mẹ như càng thôi thúc Thắng.
“Để làm những tác phẩm thu nhỏ, vật liệu chỉ cần xi, bột màu, sắt, kim tiêm y tế và kìm là có thể làm được. Hầu hết những mô hình làng quê Bắc Bộ thu nhỏ của mình đều do mình tìm hiểu, nghiên cứu trên mạng và từ những ký ức về làng quê xưa còn đọng lại trong trí nhớ của mình”, Thắng chia sẻ.
Những tác phẩm được Thắng trưng kín phòng.
Thắng chia sẻ, để có một mô hình làng quê Bắc Bộ chân thực và có hồn, việc lên ý tưởng, thu nhỏ bối cảnh cho hợp lý là quan trọng nhất.
Một làng quê Bắc Bộ luôn phải có đình làng, nhà phú ông, nhà mõ, nhà nghèo, nhà giàu hay những ngôi nhà ngói cổ kính, những ngôi nhà lá lụp xụp. Trong đó, mỗi tác phẩm, anh luôn đặt yếu tố chân thực, tự nhiên lên hàng đầu, làm sao để mô hình vừa giống thật nhất lại vừa toát lên được vẻ đẹp của thôn quê xưa.
Những tác phẩm làng quê Bắc Bộ của Thắng được trang trí trong những góc vườn, không gian gia đình.
“Trăm hay không bằng tay quen, sau khi làm nhiều lần, những mô hình làng quê Bắc Bộ thu nhỏ của mình làm giờ đã đẹp và thật hơn rất nhiều. Ngoài làm làng quê Bắc Bộ, mình còn làm những mô hình khác như Nhà thờ đá Sapa, nhà thờ, Vạn Lý Trường Thành, hồ Gươm, thánh đường St. Patrick,…
Tất cả đều được mình nhỏ xi bằng kim tiêm y tế. Nói chung, để làm được một mô hình, phải vẽ lại chi tiết cân đối, đặc biệt yêu cầu nhỏ xi phải có hồn, đúng chất nghệ thuật”, Thắng cho biết.
Những mô hình làng quê được đặt trên hòn non bộ trông rất đẹp và nghệ thuật.
Lung linh hơn khi trời tối với hệ thống đèn bên trong.
Sống ở làng quê Bắc Bộ, nên những kỉ niệm thuở nhỏ đã giúp Thắng "thả hồn" vào trong các tác phẩm của mình.
Cứ mỗi lần có tác phẩm hoàn thành, Thắng lại cảm thấy hạnh phúc vì mình đã mang được cái đẹp đến với mọi người, mang được một không gian truyền thống nhỏ vào trong mỗi gia đình. Đặc biệt, từ đó anh thấy mình thay đổi, thấy sự kiên nhẫn của bản thân được rèn luyện từng ngày và tìm thấy sự yên bình trong những tác phẩm của mình.
Mô hình nhà thờ đá Sapa do Thắng tự làm chỉ bằng kim tiêm y tế.
Những mô hình nhà thờ khác được làm một cách kỳ công.
Chùa Một Cột thu nhỏ.
Những tác phẩm này góp phần làm cho những khu vườn nhỏ hay không gian trong gia đình thêm phần đẹp hơn.