Chó Poodle: Phân loại, cách chăm sóc và giá bán

Việt Quất - Ngày 06/10/2020 16:00 PM (GMT+7)

Poodle ưa chuộng thường là Tiny, Toy và Miniature Poodle vì có kích thước nhỏ và vừa, thông minh lanh lợi và dễ bảo. Cùng tìm hiểu thêm về nguồn gốc, đặc điểm, huấn luyện và cách nuôi, giá bán chó Poodle dưới đây.

Poodle được coi là một trong những giống chó thông minh nhất trên thế giới. Chúng có khả năng tiếp thu nhanh, dễ dạy bảo và nhớ bài huấn luyện rất tốt.

Ngoài ra Poodle được mệnh danh là “chó săn vịt” bởi khả năng bơi lội tốt trong mọi thời tiết, sự nhanh nhẹn và biết nghe lời chủ nhân nên các thợ săn thường nuôi chúng để săn các loài chim hay bắt cá, vịt trên mặt hồ.

1. Nguồn gốc chó Poodle

Poodle đã được biết đến trên khắp Tây Âu trong ít nhất 400 năm trở lại đây và là một trong những giống chó lâu đời nhất được đào tạo để săn vịt và cá trên mặt nước. Tuy nhiên về nguồn gốc chính thức thì cả Đức, Pháp, Đan Mạch đều muốn công nhận Poodle là giống chó xuất hiện đầu tiên ở quốc gia của họ.

Trên thực tế, tên tiếng Anh Poodle có nguồn gốc từ tiếng Đức là pudel, hoặc pudelin, có nghĩa là chó lông xù.

Ở Pháp, Poodle được coi là quốc khuyển và được gọi là Caniche, một cái tên bắt nguồn từ Chien Canard có nghĩa là chó săn vịt. Vì vậy, nhiều người công nhận rằng nguồn gốc chó Poodle cổ xuất hiện tại Đức và được lai tạo giống riêng biệt đầu tiên tại Pháp.

Hình ảnh chú chó Poodle săn vịt

Hình ảnh chú chó Poodle săn vịt

Một số người nói rằng giống Miniature và Toy Poodles xuất hiện ngay sau Standard nhưng phải đến những năm 1400, các nhà lai tạo mới bắt đầu tạo ra các phiên bản nhỏ hơn của Poodle. Đầu tiên là Miniature, sau đó là Toy có kích thước nhỏ hơn Miniature để làm hài lòng các nhà tư sản Paris. Toy và Miniature được tạo ra bằng cách lai tạo các giống Poodles nhỏ với nhau, không phải bằng cách lai tạo Poodles với các giống chó khác nhỏ hơn.

Người ta không biết chắc chắn về thời điểm Poodle đến Mỹ, nhưng American Kennel Club đã đăng ký Poodle đầu tiên của họ vào năm 1886. Poodle Club of America được thành lập vào năm 1896, nhưng đã giải tán ngay sau đó. Những người đam mê Poodle đã thành lập lại câu lạc bộ vào năm 1931.

2. Phân loại chó Poodle

Chó Poodle được hội chó quốc tế AKC phân ra làm 5 loại theo kích thước bao gồm:

- Standard Poodle:

Đây là giống Poodle có kích thước to lớn với chiều cao từ 45cm đến 60 cm. Nặng từ 20 đến 32kg được chuyên đào tạo làm chó săn vịt. Standard có đặc tính dũng mãnh, nhanh nhẹn và bộ lông dày giúp giữ nhiệt tốt khi ngụp lặn trong nước lạnh. Ở Việt Nam, loại Standard ít được nuôi làm cảnh bởi kích thước to lớn và giá thành cao.

Chó Poodle: Phân loại, cách chăm sóc và giá bán - 2

Standard Poodle có thân hình cao lớn

- Miniature Poodle:

Chiều cao từ 28 tới 35 cm. Nặng từ 6,5 tới 9kg.Poodle có kích thước nhỏ hơn dòng Standard nhưng vẫn giữ nguyên ngoại hình và các đặc tính của nguyên thủy. Vẫn có thể làm chó săn nhưng chủ yếu được huấn luyện làm chó cảnh và tìm nấm trong rừng.

Hình ảnh Miniature Poodle

Hình ảnh Miniature Poodle

- Toy Poodle:

Dòng Toy có kích thước chiều cao từ 25 cm đến 28 cm; Nặng từ 4kg đến 6kg. nhỏ hơn Miniature là dòng được nuôi phổ biến làm chó cảnh trong nhà bởi kích thước vừa phải, không quá to.

Toy Poodle trắng

Toy Poodle trắng

- Tiny Poodle:

Sở hữu chiều cao từ 16cm đến 23cm và cân nặng từ 2 đến 3,5kg. Kích thước của loại Tiny nhỏ hơn cả Toy Poodle nhưng có vẻ ngoài nhỏ nhắn xinh xắn, đáng yêu, dễ dàng mang đi chơi, dã ngoại,... đang được giới nuôi chó cảnh cực kỳ ưa chuộng.

Kích cỡ chó Tiny Poodle

Kích cỡ chó Tiny Poodle

- Teacup Poodle:

Teacup Poodle có chiều cao dưới 15cm và cân nặng từ 1 đến 2kg. Ngoại hình không khác gì các loại Poodle ở trên nhưng kích thước nhỏ chỉ bằng quả cam, tuy nhiên sức đề kháng thấp so với các loại khác. Loại Teacup này có giá khá cao do độ hiếm và khó chăm sóc.

Teacup Poodle nhỏ xinh

Teacup Poodle nhỏ xinh

Thông tin về chó Poodle

Giống chó Poodle liên tục xếp vị trí đứng đầu trong danh sách các loài được yêu thích nhất trong 22 năm từ 1960 đến 1982. Sở hữu bộ lông dài, xoăn độc đáo mang vẻ quý tộc với nhiều màu sắc quyến rũ, chó săn vịt Poodle được coi là loài chó điệu đà nhất thế giới.

- Tên khoa học: Canis lupus familiaris

- Tên tiếng Việt: Pút đồ, Pu đồ, Bút đồ

- Tuổi thọ: Tuổi thọ trung bình của Poodle từ 10 đến 18 năm.

Chó Poodle là một hậu duệ của các giống chó French Water Dog, Barbet và Hungarian Water Hound. Chúng còn có những tên gọi khác bao gồm: Barbone, French Poodle, Pudle, Teddy Poodle.

3. Đặc điểm của chó Poodle

- Thân: Tổng thể nhìn Poodle có vẻ ngoài cân đối mang nét thanh lịch, sang chảnh. Standard dáng thân cao thẳng đứng, thanh mảnh nhưng hơi ngắn, không mập, kích thước lớn nên nhìn rất kiêu sa. Còn lại Toy, Tiny và Miniature dáng nhỏ gọn rất xinh, trông như những con thú nhồi bông.

- Đầu: Đầu tròn dáng hình quả lê, tai có hai dạng tai bướm và tai cụp rủ xuống đến phần má, mắt to tròn màu nâu đen long lanh, miệng nhỏ.

- Lông: Lông Poodle là điểm nổi bật nhất của loài chó cảnh này. Lông xoăn dày dặn bồng bềnh tự nhiên đẹp tuyệt vời nhưng rất ít rụng, dễ dàng cắt và tạo kiểu nhuộm màu làm đẹp cho nó. Lông nhanh mọc lại sau khi cắt, thường mọc bao trùm tất cả từ phần đầu đến phần đuôi, bao trùm cả phần móng của bàn chân.

Giống chó Poodle lông xoăn phổ biến

Giống chó Poodle lông xoăn phổ biến

- Màu chó Poodle:

Poodle có 11 màu, phổ biến nhất với màu đen toàn thân. Tiếp sau đó là các màu: Trắng, màu vàng mơ chim, màu kem, màu xám, màu xanh blue, màu trắng xám, màu vàng ánh cam, màu bạc, màu nâu, màu đỏ cam.

Các màu sắc của chó Poodle

Các màu sắc của chó Poodle

- Tính cách của chó Poodle:

4 tính cách nổi trội của Poodle là: Thông minh, đáng yêu, trung thành và tinh nghịch là những gì người đam mê Poodle thường dùng để mô tả tính cách của giống chó này.

- Đáng yêu: Mặc dù có vẻ ngoài vương giả nhưng Poodle lại có một tính cách ngốc nghếch và thích chơi đùa cùng mọi người - Poodle luôn sẵn sàng tham gia vào bất kỳ trò chơi nào.

Chó Poodle: Phân loại, cách chăm sóc và giá bán - 9

- Trung thành: Poodle trung thành và biết rằng mình phải bảo vệ ngôi nhà và gia đình của mình, và nếu có người lạ đến gần nhà bạn, nó sẽ phát ra tiếng sủa cảnh báo để bạn biết. Mặc dù chó Poodle rất hòa đồng và thân thiện với mọi người, nhưng có thể mất một thời gian để làm quen với chủ mới.

- Thông minh: Một đặc điểm nổi bật của Poodle là trí thông minh, một sự thông minh đáng kinh ngạc khiến chủ nhân của nó phải đi từ bất ngờ này tới bất ngờ khác. Nó có thể học hỏi rất nhanh, nhớ mọi thứ được huấn luyện và cũng bắt chước những tật xấu nếu bạn dạy nó.

- Tinh nghịch: Poodle thỉnh thoảng cũng hay cắn sủa linh tinh và phá phách đồ đạc trong nhà. Nên dạy biết khi nào cần sủa và khi nào nên giữ im lặng. Với sự tinh nghịch của mình, Poodle sẽ lôi giấy vệ sinh, khăn, thảm, quần áo, giày dép mang ra làm đồ chơi của chúng. Nên nghiêm khắc dạy bảo và mua xương đồ chơi cho chúng mỗi khi ngứa răng sẽ có đồ để gặm thay thế.

4. Lý do nên chọn nuôi chó Poodle

Ngoan ngoãn không kén ăn

Poodle rất biết nghe lời dù không có bạn ở nhà, Poodle vẫn hòa đồng, vui chơi cùng người thân bạn bè mà không chút buồn bã. Poodle rất dễ chăm và nuôi, có thể ăn được đa dạng các loại thức ăn như: cơm, cháo, đồ đóng hộp, sữa, các loại hạt…

Thông minh biết nghe lời

Thông minh biết nghe lời

Được xếp hạng là giống chó thông minh thứ 2 thế giới, Poodle ghi nhớ rất nhanh chỉ sau vài lần chỉ dạy.

Có ngoại hình dễ thương

Chắc chắn đây là điểm cộng lớn nhất của loài chó này, nhìn bề ngoài không khác gì những con thú nhồi bông dễ thương xinh xắn đáng yêu. Thân hình nhỏ gọn, bộ lông xoăn bồng bềnh dễ tạo kiểu trang trí chải chuốt tùy theo ý thích.

Không rụng lông

Ở sạch sẽ, không rụng lông cũng là một yếu tố giúp Poodle được ưa chuộng trên toàn thế giới. Khi lông đủ dài, bạn có thể cắt tỉa tùy ý.

Thân thiện tinh nghịch

Poodle dễ hòa đồng, vui chơi thoải mái nơi đông người, thích khám phá và tham gia các trò chơi ngoại cảnh. Mức độ phổ biến của giống Poodle được tổ chức AKC xếp hạng 7 trên 196.

5. Cách nuôi chó Poodle

Chó Poodle ăn gì?

Pút đồ không kén ăn, chúng rất dễ nuôi, các thức ăn có thể cho chúng ăn như cơm, thịt, trứng, cá, rau củ,... nhưng cần lưu ý, cho ăn theo từng giai đoạn tuổi của chó để không bị khó tiêu, tiêu chảy hay các bệnh đường ruột.

Giống như bất kỳ giống chó nào, chó xù sẽ tăng cân nếu được cho ăn quá nhiều, điều này có thể gây ra các vấn đề về khớp và các vấn đề sức khỏe khác. Hạn chế đồ ăn vặt, thường xuyên dắt chó đi dạo và cho ăn đúng bữa thay vì lúc nào thức ăn cũng đầy khay.

- Giai đoạn 2 đến 3 tháng tuổi: Lúc này hệ tiêu hóa còn chưa hoàn chỉnh nên cho ăn các loại đồ ăn dễ tiêu hóa, xay hoặc nghiền nhỏ để chó dễ ăn. Cháo nhuyễn nấu nước thịt, thức ăn khô ngâm sữa ấm là lựa chọn hợp lý cho giai đoạn này. Tuyệt đối không cho ăn các loại xương sẽ dấn đến hóc, đâm chảy máu khoang miệng và hệ đường ruột. Cho ăn từ 4 - 5 bữa trong 1 ngày với lượng ít.

Chó Poodle: Phân loại, cách chăm sóc và giá bán - 11

- Giai đoạn trên 4 tháng đến 6 tháng tuổi: Đến giai đoạn này, hệ tiêu hóa của Poodle đã hoàn thiện hơn so với trước, bạn có thể nấu cháo thịt bò, thịt lợn, gà,... băm nhỏ để bổ sung dinh dưỡng. Bên cạnh đó, bổ sung thêm trứng, sữa, rau củ và đồ ăn khô ngâm nước ấm để chú cún tập quen với đồ cứng, bổ sung vitamin và chất xơ. Cho ăn từ 4 bữa một ngày.

- Từ 6 tháng tuổi trở lên: Đến giai đoạn này, Poodle đã phát triển ổn định, bạn có thể cho ăn cơm, bổ sung thường xuyên các loại rau thịt, sữa trứng,... ngoài ra, để bộ lông của Poodle dài mượt bạn có thể cho ăn bổ sung trứng vịt lộn, lông sẽ nhanh mọc và mượt hơn.

Poodle kiêng ăn gì?

Hệ tiêu hóa của Poodle chỉ có thể tiêu hóa được các đồ dễ tiêu, các đồ khó tiêu, cay nóng không nên cho ăn. Các loại thức ăn cần kiêng cho Poodle ăn như:

- Thức ăn chưa được nấu chín kỹ, các loại thức ăn ôi thiu hoặc mốc thì không cho Poodle ăn.

- Không cho ăn đồ ăn nóng hoặc lạnh, đồ ăn mặn, trứng sống, nội tạng động vật chưa được nấu chín

- Poodle không thể ăn xương vì hàm răng của chúng yếu cùng với đó là hệ tiêu hóa không thể tiêu hóa được dẫn tới đau bụng hoặc nghiêm trọng hơn là thủng ruột.

- Đồ ăn quá cay hoặc mặn quá, ngọt quá cũng ảnh hưởng tới hệ tiêu hóa, và mắt của Poodle. Các loại bánh kẹo, socola quá ngọt cũng không cho Poodle ăn.

- Không cho ăn các loại hạt (óc chó, hướng dương,...), các loại thực phẩm nhiều dầu mỡ cũng kiêng không cho ăn.

Chó Poodle mang thai, sinh con ăn gì?

Trong giai đoạn mang thai và sinh con, thì ngoài khẩu phần ăn hàng ngày, cần cung bổ sung thêm các đồ ăn nhiều dinh dưỡng để tăng cường dưỡng chất cho Poodle để nuôi con và cung cấp sữa cho con non.

Lưu ý khi cho Poodle ăn

- Cung cấp nước uống đầy đủ liên tục 24/7

- Khay đồ ăn cần vệ sinh sạch sẽ sau mỗi lần cún cưng của bạn ăn xong, cất ngay khay đi và dọn hết đồ ăn vương vãi ra sàn nhà.

- Các đồ ăn còn thừa của Poodle nên bỏ đi vì để lâu sẽ hỏng, ăn vào gây đau bụng đi ngoài.

6. Chăm sóc chó Poodle

- Nơi ở: Nơi ở nên bố trí chỗ thoáng mát, không quá nóng hoặc quá lạnh. Tránh nơi gió lùa, mùa đông nên ủ ấm và mùa hè nên giữ không khí thông thoáng, làm mát thường xuyên.

Chuồng chó Poodle

Chuồng chó Poodle

- Vệ sinh: Vệ sinh sạch sẽ chuồng chó, thường xuyên tắm cho Poodle khoảng 2 đến 3 ngày một lần để loại bỏ bụi bẩn. Hãy nhớ kiểm tra tai Poodle của bạn thường xuyên mỗi tuần để loại bỏ bụi bẩn, mẩn đỏ hoặc mùi hôi có thể làm Poodle bị nhiễm trùng, sau đó lau sạch chúng hàng tuần bằng bông gòn thấm nước rửa tai nhẹ nhàng, cân bằng độ pH. Những con giống có tai cụp xuống dễ bị nhiễm trùng tai vì ống tai luôn tối và ẩm. Ngoài ra, lông cũng mọc trong ống tai của Poodle đôi khi cần phải được nhổ.

Tắm cho Poodle

Tắm cho Poodle

- Chăm sóc bộ lông: Sử dụng sữa tắm và dầu xả để làm sạch và dưỡng cho mượt lông sau đó xả nhiều lần cho sạch. Mỗi lần tắm xong, nên dùng máy sấy chuyên dùng cho chó mèo để sấy khô và dùng lược chuyên dụng chải lông cho mượt và gọn gàng. Khi chải lông, hãy kiểm tra các vết loét, phát ban hoặc các dấu hiệu nhiễm trùng như mẩn đỏ, đau hoặc viêm trên da, ở mũi, miệng, mắt và bàn chân để xử lý kịp thời.

Tỉa lông Poodle

Tỉa lông Poodle

- Chăm sóc răng cho Poodle: Ít nhất hai hoặc ba lần một tuần bạn nên đánh răng cho chú cún lông xù này để loại bỏ cao răng tích tụ và vi khuẩn ẩn náu bên trong nó. Đánh răng hàng ngày thậm chí còn tốt hơn nếu bạn muốn ngăn ngừa bệnh nướu răng và hôi miệng cho Poodle.

Chăm sóc răng cho Poodle

Chăm sóc răng cho Poodle

- Cắt tỉa móng: Cắt móng một hoặc hai lần mỗi tháng nếu không bị mòn tự nhiên. Nếu bạn có thể nghe thấy tiếng móng của Poodle khi chạy hoặc đi thì lúc này cần phải cắt tỉa. Móng ngắn, được cắt tỉa gọn gàng giữ cho bàn chân luôn sạch sẽ và giúp bạn không bị trầy xước khi Poodle hăng hái nhảy lên chào bạn.

- Vệ sinh mắt: Mắt phải trong, không bị đỏ hoặc tiết dịch. Việc kiểm tra cẩn thận hàng tuần sẽ giúp bạn phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn của Poodle.

7. Bệnh chó Poodle hay gặp

Poodles nói chung là khỏe mạnh, nhưng giống như tất cả các giống khác, chúng dễ mắc một số bệnh cơ bản. Không phải tất cả Poodles đều sẽ mắc bất kỳ hoặc tất cả các bệnh này, nhưng điều quan trọng là phải biết về chúng nếu bạn đang có ý định hoặc nuôi loại chó này.

- Bệnh Addison: Còn được gọi là bệnh suy vỏ thượng thận, tình trạng cực kỳ nghiêm trọng này là do tuyến thượng thận sản xuất không đủ hormone tuyến thượng thận. Hầu hết những con chó bị bệnh Addison đều nôn mửa, kém ăn và hôn mê.

- Đầy hơi: Đây là một tình trạng đe dọa tính mạng ảnh hưởng đến những con chó to và ngực sâu như Poodles, đặc biệt là nếu chúng được cho ăn một bữa quá lo trong ngày, ăn nhanh, uống nhiều nước sau khi ăn và vận động mạnh sau khi ăn. Đầy hơi xảy ra khi dạ dày bị căng vì khí hoặc không khí và sau đó xoắn lại. Con chó không thể ợ hơi hoặc nôn mửa để loại bỏ không khí dư thừa trong dạ dày, và việc đưa máu trở lại tim bình thường bị cản trở. Huyết áp giảm và con chó bị sốc. Nếu không được chăm sóc y tế ngay lập tức, con chó có thể chết.

- Bệnh Cushing (Hyperadrenocorticism): Tình trạng này xảy ra khi cơ thể sản xuất quá nhiều cortisol. Nó có thể là do sự mất cân bằng của tuyến yên hoặc tuyến thượng thận, hoặc nó có thể xảy ra khi chó có quá nhiều cortisol do các bệnh lý khác. Dấu hiệu thường gặp là uống nhiều và tiểu nhiều. Nếu Poodle của bạn có hai triệu chứng này, hãy đưa nó đến bác sĩ thú y.

- Động kinh: Một nguyên nhân phổ biến gây ra các cơn động kinh ở tất cả các giống Poodles là chứng động kinh vô căn. Nó thường được di truyền và có thể gây ra co giật nhẹ hoặc nặng. Do đó, nếu Poodle của bạn bị co giật, điều quan trọng là phải đưa nó đến bác sĩ thú y ngay lập tức để kiểm tra.

- Suy giáp: Suy giáp là do tuyến giáp hoạt động kém. Nó được cho là nguyên nhân gây ra các tình trạng như động kinh, rụng tóc, béo phì, thờ ơ, tăng sắc tố da, viêm da mủ và các tình trạng da khác.

8. Cách huấn luyện chó Poodle

Khi ra lệnh, câu lệnh ngắn gọn, rõ ràng. Ngắt nhịp nghỉ từ 20 đến 30 giây một câu lệnh, nếu ra lệnh dồn dập Poodle sẽ bị cuống không làm được.

Mỗi khi hoàn thành 1 bài tập hoặc một động tác, bạn nên thưởng đồ ăn cho Poodle để nó thấy phấn khích và hoàn thành bài tập nhanh hơn.

Ôn lại bài cũ cách 1 đến 2 ngày 1 lần để Poodle không bị quên bài. Ôn bài cũ trước và tập bài mới sau để tránh bị rối.

Huấn luyện chó Poodle bắt tay

Ra lệnh cho Poodle “ngồi”, ngửa bàn tay phải của mình đưa ra trước mặt, dùng tay trái cầm chân phải của chó đặt lên bàn tay mình rồi hô “bắt tay”, tiếp đó thưởng cho Poodle đồ ăn.

Dạy chó Poodle bắt tay

Dạy chó Poodle bắt tay

Huấn luyện chó Poodle chào

Hô lệnh “ngồi” cho Poodle ngồi xuống, chỉnh tư thế ngay ngắn. Hô lệnh “chào” rồi dùng tay trái nâng chân phải của Poodle gập chạm sát vào tai rồi thưởng cho Poodle đồ ăn. Làm lặp đi lặp lại vài lần và vài ngày là sẽ thành công.

Huấn luyện chó Poodle nằm

Gọi Poodle đứng trước mặt, tay cầm khay cho một ít đồ ăn đặt trước mũi, rồi từ từ hạ xuống đất. Khi Poodle cúi theo và ăn đồ ăn bạn nhẹ nhàng ấn vào lưng cho Poodle nằm xuống rồi hô lệnh “nằm”. Lặp lại mỗi ngày vài lần là sẽ thành công.

Lưu ý khi Poodle chơi với trẻ con

Như với mọi giống chó khác, bạn phải luôn dạy trẻ cách tiếp cận và chạm vào chó, đồng thời luôn giám sát mọi tương tác giữa chó và trẻ nhỏ để ngăn chặn bất kỳ hành vi cắn hoặc kéo tai hoặc đuôi của một trong hai bên. Dạy con bạn không bao giờ đến gần bất kỳ con chó nào khi nó đang ăn hoặc ngủ hoặc cố gắng lấy thức ăn của con chó đi. Không một con chó nào, cho dù thân thiện đến đâu, không bao giờ được bỏ mặc một đứa trẻ chơi một mình với chó và kể cả Poodle.

9. Giá chó Poodle và lưu ý khi mua

- Lưu ý khi mua:

Nếu bạn mua một con chó con, hãy tìm một nhà lai tạo tốt. Cần yêu cầu họ cung cấp thông tin rõ ràng về sức khỏe của cả đời bố và đời mẹ của Poodle. Giấy chứng nhận sức khỏe chứng minh rằng một con chó đã được kiểm tra và không có vấn đề gì về sức khỏe, nguồn gốc, giống lai tạo,...

- Giá chó poodle:

Poodle Việt Nam có giá từ 6 đến 8 triệu đồng tùy thuộc vào loại kích thước và màu lông, tình trạng sức khỏe và chứng nhận gia phả, nguồn gốc,...

Poodle nhập khẩu từ Thái lan có giá từ 8 đến 20 triệu đồng tùy thuộc vào nguồn gốc từ trang trại có chứng nhận sức khỏe, đầy đủ thông tin về chó bố mẹ.

Chó Poodle nhập khẩu châu Âu là có giá đắt nhất với giá từ 60 đến 120 triệu đồng một bé. Bởi châu Âu là quê hương của loài chó này cùng với chi phí vận chuyển, giấy tờ nguồn gốc, độ thuần chủng và chứng nhận kiểm dịch y tế,... khiến giá thành chó lông xù nhập khẩu cao hơn rất nhiều

Mua bán chó cảnh nhất định phải xem những lưu ý này
Bạn đang muốn nuôi thú cưng hay có nhu cầu mua bán thì đều nên đọc một số lưu ý được gợi ý từ Siêu Pet.

Việt Quất
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Chó cảnh