Hoa hải đường: ý nghĩa, cách trồng và cách chăm sóc để cây ra nhiều hoa

Jieun - Ngày 07/06/2022 13:42 PM (GMT+7)

Hoa hải đường là một loài hoa mang vẻ đẹp rực rỡ, có nhiều ý nghĩa phong thủy nên thường được lựa chọn để trang trí nhà cửa vào dịp lễ Tết. Loài hoa này còn là một vị thuốc quý tốt cho sức khỏe và chữa các bệnh và máu và hô hấp…

1. Giới thiệu về hoa hải đường

1.1. Nguồn gốc

Cây hoa hải đường là loài hoa được trồng phổ biến trên khắp thế giới, có tên khoa học là Camellia amplexicaulis, thuộc nhóm thực vật hạt kín chi Trà (Camellia). Cây có xuất xứ từ vùng nhiệt đới châu Mỹ và châu Á, đặc biệt phổ biến ở Brazil và Trung Quốc. Ở Việt Nam, cây được trồng nhiều từ Lạng Sơn đến Thừa Thiên Huế.

Hoa hải đường: ý nghĩa, cách trồng và cách chăm sóc để cây ra nhiều hoa - 1

1.2. Phân loại và đặc điểm

Ở Việt Nam, hoa hải đường được phân loại theo những đặc điểm như sau:

Phân loại theo xuất xứ:

- Hoa hải đường Trung Quốc:

Hải đường Trung Quốc có cành mềm, hoa nhỏ, cánh mỏng, màu vàng hoặc hồng nhạt. Hoa có cuống dài, mọc thành chùm giữa các lá, mùi thơm mát mà không hắc.

Hoa hải đường: ý nghĩa, cách trồng và cách chăm sóc để cây ra nhiều hoa - 2

- Hoa hải đường Việt Nam:

Cây thân gỗ cứng cáp, có chiều cao trung bình khoảng từ 0,5-3m và thường mọc thành dạng bụi. Thân cây chia cành làm nhiều nhánh, vươn dài, xum xuê. Lá cây thường mọc cách nhau, dáng hình bầu dục thuôn dài, bề mặt nhẵn mịn, sáng bóng, màu xanh lá cây thẫm và mép có răng cưa nhỏ. Hoa hải đường thường là hoa đơn, có 1 đến 3 nụ ở đầu cành. Nhị hoa vàng, dài và rủ, chụm vào nhau thành một chùm dày. Thông thường, hoa có 5 cánh, mỗi cánh đều dày và nhẵn mịn, xếp úp vào nhau như quả trứng úp ngược, nở gọn gàng chứ không xòe rộng.

Phân loại theo màu sắc:

Hoa hải đường có 3 màu phổ biến: đỏ (hồng), trắng (bạch hải đường), vàng.

Hoa hải đường: ý nghĩa, cách trồng và cách chăm sóc để cây ra nhiều hoa - 3

2. Sự tích hoa hải đường

Ngày xửa ngày xưa có một một nàng công chúa vô cùng xinh đẹp nhưng lại bị câm. Nàng trót đem lòng yêu chàng thợ vườn thượng uyển và bị vua cha ngăn cấm. Vì tình yêu quá lớn lao, hai người bỏ đi, trốn biệt vào tận rừng sâu. Chàng thợ vườn chẳng may bị rắn cắn và rời bỏ cõi trần. Công chúa khóc rất nhiều đến khi gục ngã lên người chàng. Nơi hai người ra đi mọc lên một cái cây lớn, nở những nụ hoa đỏ hồng e ấp. Dân gian lưu truyền thân cây ấy chính là chàng thợ vườn còn nụ hoa xinh xắn là nàng công chúa. Người ta gọi loài hoa ấy là hoa hải đường.

3. Ý nghĩa hoa hải đường

3.1. Ý nghĩa phong thủy

Mang ý nghĩa “phú quý mãn đường” nghĩa là mang lại hạnh phúc và phú quý khi đặt trong khuôn viên của gia đình, hoa có màu đỏ hồng đặc trưng tạo nên cảm giác tràn đầy năng lượng, tươi vui, ấm cúng. Vì vậy, người ta hay trang trí loại hoa này vào ngày lễ Tết với mong muốn một năm mới đầy may mắn và thuận lợi. Ngoài ra, hoa hải đường còn mang ý nghĩa giúp anh em gắn bó, thuận hòa, yêu thương nhau, gia đình đầm ấm, sum vầy, bạn bè vui vẻ, đùm bọc lẫn nhau.

3.2. Ý nghĩa về màu sắc

Hoa hải đường đỏ: có ý nghĩa mang tài lộc, vinh hoa, phú quý về cho gia chủ. Màu đỏ là màu của may mắn, năng lượng, hợp với mệnh Hỏa.

Hoa hải đường trắng: đại diện cho vẻ đẹp tinh khôi, dịu dàng, không chỉ thể hiện sự trong sạch, cao quý mà còn là khởi đầu mới với nhiều năng lượng tích cực, phù hợp với người mang mệnh Thủy và mệnh Kim.

Hoa hải đường vàng: đại diện cho sự bền bỉ, trường tồn, với gia chủ mang ý nghĩa trường thọ, “bách niên giai lão”. Màu vàng là màu của may mắn, hợp với mệnh Kim và mệnh Thổ.

3.3. Ý nghĩa hoa hải đường ngày Tết

Theo quan niệm Á Đông, màu đỏ tượng trưng cho may mắn, phú quý nên người Việt rất ưa chuộng mua hoa trưng bày vào dịp lễ Tết. Bên cạnh đó, hoa có nhiều nụ mọc thành chùm tượng trưng cho tài lộc, sự phát triển và phồn vinh. Với truyền thống lâu đời đó, hoa hải đường đã trở thành loài hoa đại diện khi mùa xuân sang với vẻ đẹp tươi mới, đầy sức sống cho căn nhà thêm rực rỡ, ấm áp.

4. Cách bày trí hoa hải đường hợp phong thủy

Hoa hải đường có nhiều ý nghĩa phong thủy nhưng hoa chỉ phát huy giá trị khi được đặt ở những vị trí thích hợp:

Vị trí sân nhà hoặc trước hiên:

Đây là vị trí mang lại nhiều may mắn và tài lộc đầu năm, giúp gia đình có một năm mới đầy suôn sẻ.

Vị trí cổng nhà:

Màu đỏ hồng nổi bật của hoa rất phù hợp để đặt ở cổng nhà. Vị trí này sẽ thu hút ánh nhìn của mọi người, mang lại cảm giác ấm cúng, hòa thuận, tạo nên một bầu không khí tươi vui. Nó còn thể hiện sự hiếu khách, nồng nhiệt, mang may mắn đến cho mọi người.

Vị trí phòng khách:

Hoa đặt trong phòng khách không chỉ mang lại vẻ đẹp trang trí cho căn phòng mà còn đem đến niềm vui và hạnh phúc cho gia đình. Đặt cây ở vị trí này giúp gia đình luôn yêu thương nhau, tình cảm gắn bó và keo sơn.

Vị trí bàn thờ gia tiên:

Hoa đặt trên bàn thờ gia tiên thể hiện sự thành kính, biết ơn với những người quá cố, thể hiện sự mong cầu bình an cho gia đình.

Hoa hải đường: ý nghĩa, cách trồng và cách chăm sóc để cây ra nhiều hoa - 4

5. Tác dụng của hoa hải đường

Tác dụng trang trí:

Vẻ đẹp rực rỡ, nổi bật cùng mùi hương quyến rũ của hoa giúp tăng thẩm mỹ và không khí vui tươi cho khuôn viên sinh hoạt của gia đình. Hoa hải đường cũng mang nhiều ý nghĩa phong thủy nên rất thích hợp để trang trí, tô điểm cho vẻ đẹp của ngôi nhà.

Tác dụng bảo vệ môi trường:

Hoa hải đường mang lại nhiều giá trị tích cực cho môi trường như cung cấp oxi, điều hòa không khí, lọc bụi bẩn và tạo bóng mát.

Tác dụng chữa bệnh:

Hoa hải đường là vị thuốc quý trong Đông Y. Hoa có tính lương và vị chua đắng, vào 2 kinh tâm - can. Do có công năng hoạt huyết tán ứ, lương huyết, chỉ huyết, điều kinh chỉ đới, an thần, ích can, lợi đởm nên hoa được dùng để chữa các trường hợp xuất huyết, thổ huyết, ho ra máu, chảy máu cam, kinh nguyệt không đều, băng lâu đới hạ, lỵ.

Các bài thuốc chữa bệnh:

Phong thấp tý: hải đường 8g, cốt toái bổ 12g, tang ký sinh 16g, nấu nước uống thay trà.

Kinh nguyệt không đều, băng đới: hải đường 12g, đương quy 8g, nấu nước uống.

Thổ huyết, tức ngực, đoản hơi: hải đường 12g, cát cánh 8g, phổi lợn 200g. Nấu chín uống nước, có thể ăn phổi.

Cường kiện, khỏe lưng, chân: hải đường 10 bông, cá thu đủ ăn 1 - 2 bữa. Nấu hoa với cá bằng lửa to cho sôi rồi hạ lửa, cho 1 thìa rượu, gia vị.

5.1. Tác dụng của hoa hải đường vàng

Tác dụng trong việc làm đẹp:

Hoa hải đường vàng chứa Vitamin C, E, Polysaccharide, Polyphenol, Saponin có tác dụng trong việc chống oxy hóa, là sản phẩm hữu hiệu trong việc làm đẹp. Đặc biệt, hàm lượng EGCG giảm viêm sưng, hạn chế tổn hại từ gốc tự do có trong hoa tác dụng mạnh hơn nhiều lần so với vitamin E. Theo y học cổ truyền của Trung Hoa, hoa hải đường vàng giúp làm chậm quá trình lão hóa, giúp cho làn da trở nên trắng sáng và đẹp hơn.

Tác dụng bảo vệ tim mạch:

Hải đường vàng tác động tích cực tới hệ tuần hoàn máu, điều hòa mỡ máu, ổn định huyết áp, tăng khả năng miễn dịch giúp bảo vệ tim mạch hiệu quả hơn.

Tác dụng chữa bệnh tiểu đường:

Lá hải đường vàng có tác dụng điều chỉnh và cân bằng lượng đường trong máu, hỗ trợ cải thiện đái tháo đường, ngăn ngừa biến chứng của bệnh tiểu đường, giúp đốt cháy chất béo, cân bằng chuyển hóa trong cơ thể.

Tác dụng hỗ trợ giải độc gan:

Hoa hải đường vàng chứa chất oxi hóa giúp loại bỏ các cholesterol có hại trong gan cũng như trong cơ thể, hỗ trợ giải độc gan rất tốt. Loại hoa này còn chứa hợp chất flavonoid có tác dụng ngăn ngừa không cho virus viêm gan C thâm nhập vào gan.

Hoa hải đường: ý nghĩa, cách trồng và cách chăm sóc để cây ra nhiều hoa - 5

6. Cách chăm sóc hoa hải đường ra hoa đón Tết

Tưới nước:

Loại cây này không ưa nhiều nước nên chỉ nên tưới nước khi thấy mặt đất hơi khô, từ 1-2 ngày tùy thời tiết. Cây dễ bị úng nước nên chỉ nên xịt nước lên lá chứ không xịt trực tiếp hay tưới đẫm gốc.

Dinh dưỡng:

Hải đường thường ra hoa vào mùa xuân nên để nở nhiều hơn vào dịp Tết, nên bón thêm các loại phân hữu cơ như NPK để bổ sung dinh dưỡng cho cây. Bình thường nên bón phân cho cây tầm 1 tháng 1 lần.

Ánh sáng:

Cây ưa ánh sáng tán xạ nên chỉ nên đặt cây ở nơi ánh sáng khuếch tán khoảng 50 - 60%, không nên để cây ở nơi có nắng chiếu trực tiếp.

Nhiệt độ và độ ẩm:

Nhiệt độ môi trường từ 18-27 độ C với độ ẩm không khí từ 50-65% là điều kiện lý tưởng để cây hoa có thể phát triển tốt nhất.

Tỉa hoa và lá:

Để hoa hải đường nở đúng dịp Tết, cần chăm sóc cây trước từ 2 tháng như sau:

- Cắt bỏ những cành và lá bị sâu bệnh, những cành nhỏ và cành phụ để tạo tán đẹp cho cây.

- Quét một lớp vôi từ ngang thân cây cho đến sát gốc để diệt trừ các loại sâu và nấm bệnh gây hại cho cây.

- Khi cây hải đường ra nụ, bón thêm phân cho cây 1-2 lần cho đến lúc cây nở hoa.

Sau khi chơi Tết xong, nhấc cây ra khỏi chậu rồi đem đi trồng vào nơi đất tơi xốp đã được bón phân đầy đủ từ trước. Sau đó, cắt tỉa bớt cành nhiễm sâu bệnh và cành nhánh rồi quét nước vôi vào vết cắt để tránh cây bị nấm bệnh rồi trồng xuống đất. Trồng cây tại những nơi râm mát, tránh những nơi có ánh nắng trực tiếp. Lúc này, có thể tiếp tục chăm sóc để sang năm cây lại cho hoa đẹp và có thể mang ra chơi Tết tiếp.

Bệnh thường gặp:

Vào mùa hè tầm tháng 4 đến tháng 7, cây rất dễ bị mắc bệnh như rệp phồng lá hoặc sâu. Nếu cây bị các bệnh trên thì nên phun thuốc kép 2 lần, mỗi lần cách nhau khoảng 1 tuần cho đến khi cây hết bệnh.

7. Cách trồng hoa hải đường

Đất trồng:

Cây ưa mát mẻ nên cần lựa chọn loại đất tơi xốp, thoáng và nhiều dinh dưỡng. Có thể chọn đất thịt như đất phù sa, đất ở ruộng lúa… để đất khô, đập vụn rồi cho vào chậu, ủ thêm rơm hoặc trấu để tăng độ ẩm, tạo độ tơi xốp. Trước khi trồng nên bón lót bằng các loại phân hữu cơ.

Cách trồng:

Cây thường được nhân giống bởi 3 cách chính là gieo hạt, giâm cành hoặc chiết cành.

- Phương pháp gieo hạt:

Thời điểm đầu năm là giai đoạn thích hợp để gieo hạt. Khi ấy, đất đủ ẩm để cây nảy mầm. Có thể mua hạt giống hoặc chọn những hạt già rồi đem đi gieo. Với phương pháp này, cây mất 2-3 năm để ra hoa.

- Phương pháp chiết cành:

Chọn một cành bánh tẻ cấp 2 trở lên, dùng dao lột lớp vỏ ngoài và lau sạch nhựa cây. Sau đó, cho đất cùng xơ dừa vào túi nilon và bọc hỗn hợp đất quanh chỗ cành đã cạo, buộc chặt và chờ 45 ngày. Khi chỗ cành cạo ra rễ thì cắt ra trồng như bình thường.

- Phương pháp giâm cành:

Đầu tiên, chọn cành cây khỏe mạnh mọc 2 năm. Sau đó, cắt cành thành đoạn dài từ 14-18cm rồi bỏ bớt lá bên dưới để cắm các cành cây hải đường này vào luống đất, cắm sâu khoảng một nửa cành. Cuối cùng, tưới đủ nước và giữ ẩm cho cây. Sau 1 tháng, cây sẽ mọc rễ và có thể đem trồng vào chậu hay trong vườn điều được.

8. Hoa hải đường giá bao nhiêu?

Hiện nay, ngoài các cửa hàng cây cảnh và vườn ươm, các sàn thương mại điện tử đều bán cây với giá thường dao động từ 50-350 nghìn đồng/chậu.

Những cây hoa hải đường và vàng có chiều cao khoảng 1m có giá từ 150.000 đồng/cây đến 300.000 đồng/cây. Rẻ hơn là những cây giống, cao từ 20cm đến 25cm, giá bán dao động từ 50.000 đồng/cây đến 80.000 đồng cây. Bạch hải đường có giá bán cao hơn hai loại trên, đặc biệt có thể lên đến 700.000 đồng/cây. Đây là giá của những cây cao khoảng 1m, trong khi đó những cây giống (chiều cao từ 20cm đến 25cm) thì giá cũng chỉ loanh quanh 100.000 đồng/cây.

9. Những câu hỏi thường gặp

Hoa hải đường có phải Camellia không?

Có. Hoa hải đường thuộc chi Trà (Camellia).

Hoa hải đường có quý hiếm không?

Theo ông Nguyễn Như Cường – Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn, hoa hải đường là loại cây cảnh bình thường, xuất hiện ở Việt Nam từ rất lâu. Người dân thường thích loài hoa đỏ và vàng. Bạch hải đường thường không được chú ý đến nên ít được trồng.

Ông Cường cho biết, tuy số lượng ít nhưng bạch hải đường không có gì quý hiếm, thậm chí không bằng một số loại lan đột biến. Việc đồn thổi hoa bạch hải đường quý hiếm chỉ là chiêu trò của một số người kinh doanh nhằm trục lợi, thổi giá và đánh vào hiệu ứng đám đông để thu lợi. Cục trưởng Cục Trồng trọt khuyến cáo người dân cần tỉnh táo, không nên tin vào những thông tin đồn thổi để bị lừa.

Hoa hải đường sống được bao lâu?

Cây sinh trưởng và phát triển chậm nhưng có thể sống đến hàng trăm năm.Hoa hải đường: ý nghĩa, cách trồng và cách chăm sóc để cây ra nhiều hoa - 6

Hoa hải đường ra hoa vào tháng mấy? Thời gian ra hoa?

Hoa nở vào khoảng tháng 3 đến tháng 4 hàng năm, thời gian nở hoa kéo dài khoảng 4 đến 5 ngày không kể nụ. Đặc biệt, hoa rất lâu tàn khi cắt cành cắm vào lọ để chơi Xuân cả tháng vẫn chưa phai sắc.

Hoa hải đường nên trồng ở đâu? Có nên trồng trong nhà không?

Không nên trồng cây hay đặt chậu hoa ở nơi có ánh nắng trực tiếp trong thời gian dài, cây ưa bóng nên trang bị mái che hay trồng nơi râm mát cho cây. Nên đặt trong phòng khách và trên bàn thờ gia tiên vì cây mang lại nhiều ý nghĩa phong thủy cho gia chủ.

Cây hoa hải đường có quả không?

Có. Quả hải đường có hình cầu, nhẵn chia làm 3 khía dọc tạo thành khí 3 cái mô nổi gồ lên. Quả thường chín vào mùa thu đông, thời điểm tái sinh bằng hạt từ tháng 9 – 11.

Quả cây hoa hải đường

Quả cây hoa hải đường

Phong lan thối rễ hãy làm tốt 2 điều này, rễ lại trắng như bông bưởi, ra hoa nhiều gấp đôi
Khi thấy cây lan có dấu hiệu bị bệnh bạn cần tìm hiểu nguyên nhân để có phương pháp điều trị kịp thời.

Nhà - Vườn

Jieun
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Hoa đẹp