Cả 2 vợ chồng cùng nhau dọn nhà đón Tết nên ngày Tết đối với chị Thảo Nguyên vô cùng nhẹ nhàng. Nó giúp gia đình chị gắn kết nhau hơn.
“Xây dựng một không khí gia đình, một tinh thần thật thoải mái thì làm gì cũng hăng say”. Đó là kinh nghiệm của chị Thảo Nguyên mỗi khi Tết đến Xuân về để mỗi thành viên trong gia đình thêm yêu Tết Việt, để Tết không còn là “cơn ác mộng”, để tất cả cùng sắn tay áo dọn nhà rước lộc, có một cái Tết thật ý nghĩa và nhiều niềm vui.
Vợ chồng chị vẫn thích một không gian sống hiện đại, tiện ích, đẹp giản dị mà không phô trương. Một chốn về có chút dấu ấn và cá tính riêng của chủ nhân.
Phá dỡ một phòng nhỏ mở rộng không gian bếp
Chị Thảo Nguyên đang sinh sống tại một căn hộ chung cư cao cấp ở Hà Nội có diện tích 120m2. Căn nhà chị khi tiếp nhận gồm phòng khách, phòng bếp, phòng kho nhỏ, 3 phòng ngủ, 2 nhà vệ sinh, một ban công và một logia. Vì nằm ở căn góc nhiều mặt nên ngôi nhà của chị khá thoáng. Đặc biệt gia đình chị tận dụng được tối ưu ánh sáng tự nhiên tràn ngập vào không gian các phòng, kể cả phòng bếp và phòng tắm.
Không gian bếp được xếp ngăn nắp, gọn gàng.
Chị Nguyên cho biết, bếp là nơi chị yêu thích nhất. Với chị, bếp không chỉ là nơi để nấu nướng những bữa cơm, mà bếp còn là không gian truyền cảm hứng và năng lượng tích cực mỗi ngày cho chị.
Ở đó sau những bộn bề, căng thẳng chị tìm thấy niềm vui, sự an yên giúp cho công việc vào bếp chưa bao giờ là áp lực hay mệt nhọc với chị. Thậm chí khi đứng trong căn bếp nhỏ còn mang lại hạnh phúc cho chị vì được bày biện, dọn dẹp và nấu ăn cho người yêu thương
Chính vì vậy, dù nhận bàn giao đầy đủ từ chủ đầu tư đã bao gồm sàn gỗ, cửa, thiết bị vệ sinh, hệ bếp, tủ áo, nhưng để không gian bếp rộng hơn chị đã dỡ 1 phòng nhỏ của giúp việc để cải tạo không gian bếp. Bên cạnh đó, chị đóng thêm hệ tủ bếp mới để lắp các thiết bị.
“Toàn bộ đồ gỗ như tủ giày, tủ tivi, giá sách, tủ kho, giường... mình được một đơn vị thiết kế và thi công trọn gói. Vì thế, thời gian thiết kế thi công căn nhà không gặp nhiều khó khăn, chi phí mua sắm mới nội thất cũng không vượt dự toán ban đầu.
Mọi người đến chơi cũng thường khen căn bếp của mình. Mình rất vui. Ít nhiều nó cũng là một căn bếp giản dị, không phô trương, một căn bếp tạm gọi là có tình yêu và có dấu ấn của chủ nhân”, chị Nguyên cười.
Các đồ vật được đặt quy củ.
Tạo một không gian đầm ấm vui vẻ để cảm giác “ngày nào cũng như Tết”
Chị Nguyên cho biết, năm nay là năm thứ 2 chị đón Tết ở căn hộ này. Tuy nhiên vì đón Tết cổ truyền ở quê nên chưa năm nào ở lại Hà Nội. Thế nhưng, lúc nào trước khi về chị cũng luôn dọn dẹp nhà cửa thật sạch sẽ, gọn gàng, bày biện một chút đồ trang trí để đón một cái Tết như ý.
Chị kể, trước đây khi ở nhà cũ, nhà riêng chị thường hay mua đào, mua quất trước Tết để ngắm sớm, rồi dọn dẹp sớm, để tuần Tết là chuyến đi dài về quê. Từ ngày về ở căn hộ này, khu chung cư luôn trang trí rực rỡ dưới sảnh, nên chị áp dụng phương châm tối giản, tiết kiệm, tránh lãng phí, không mua đào rừng, đào phai, chậu mai hay chậu lan to lên nhà nữa.
Năm nào cũng vậy, chị luôn cố gắng tạo một không gian đầm ấm vui vẻ, để cảm giác “ngày nào cũng như Tết”... Có thể vài chậu cây xinh xinh, vài bông hoa cắm trong chiếc bình gốm cũ, bày biện khay bánh.
Bên cạnh đó, chị tập trung vào dọn dẹp sắp xếp lại nhà cửa. Cái gì không dùng đến chị mạnh dạn chia tay. Chính vì vậy, lúc nào nhà chị cũng sạch sẽ, gọn gàng.
“Nhà sạch sẽ, gọn gàng là như Tết đến tận cửa rồi. Nếu vì điều kiện kinh tế, cần tiết kiệm đầu tư những cái lớn, không mua được đào, lan, cây thế bonsai đắt tiền, mình vẫn có thể hài lòng với không gian như Tết với mấy nhành hoa xinh xinh mà không quá tốn kém”, chị Nguyên chia sẻ.
Chỉ đơn giản bày những bình hoa nhỏ xinh trong từng góc không gian cũng khiến chị cảm giác ngày nào cũng là Tết.
Vì sống tối giản và tiết kiệm, luôn cân nhắc mua đồ trang trí nho nhỏ nên chị luôn đặt phương châm “yêu những thứ đã có và đã cũ”... lên hàng đầu. Chị thường hay mang những đồ mình mua ngày trước ra trang trí nên mấy năm nay không phải tốn tiền trang trí nhà cửa.
“Nhà mình tốn ít chi phí dọn dẹp và trang trí nhà ngày Tết. Bởi vì nhà mình cố gắng mọi thứ nền nếp theo tuần theo tháng rồi, chứ không phải dồn và lưu cữ đến Tết mới thuê công ty dọn. Vì vậy Tết đến mình không hề lo dọn dẹp nhà cửa”, chị Nguyên cười.
Chia sẻ về bí quyết dọn dẹp nhà cửa để ngày Tết không còn là cơn ác mộng chị Nguyên cho biết, chị có một quy tắc, lựa chọn gì cũng suy nghĩ kĩ xem thực sự những mình mua về có hài hoà và hợp lý với không gian nhà không bởi có nhiều thứ hoành tráng, trang trí ở showroom rất đẹp nhưng khi mua về lại trở nên lạc lõng. Ngoài ra, khi mua đồ chị luôn xác định cho mình một phong cách, một màu chủ đạo, tìm điểm nhấn, tránh rườm rà, ôm đồm.
“Cái đẹp thì không có chuẩn mực rõ ràng. Có thể với mắt bạn thì không gian này đẹp, nhưng với người khác thì không. Và càng không phải bạn cứ chi thật nhiều tiền và dùng những đồ đắt tiền là căn nhà của bạn có thể sở hữu được chữ đẹp”, chị chia sẻ.
Đối với chị Nguyên, điều quan trọng nhất trong việc trang trí ngày Tết để mang lại một không gian đẹp, ấm cúng, trước tiên là phải xây dựng một không khí gia đình, tinh thần thật thoải mái đã, sau đấy mới tập trung vào dọn dẹp và trang trí. Và khi tinh thần vui vẻ thì làm gì cũng hăng say.
Đồ đạc được đặt gọn trong các giỏ.