Sân vườn rộng khoảng 100m² của chị Thanh Thủy rực rỡ sắc màu của hoa lan, hoa dạ yến thảo, hoa hồng,… và đặc biệt hoa lan huệ.
Thiên đường có lẽ là địa điểm mà rất nhiều người ao ước được ngắm nhìn dù chỉ một lần nhưng đối với chị Lê Thanh Thủy (Hà Nội), chị chẳng ao ước một thiên đường xa xôi nào cả, bởi thiên đường của chị chính là khu vườn nhà với muôn loại hoa đang đua nhau khoe sắc tại khu biệt thự Hoa Sữa ở Long Biên.
Mỗi sáng thức giấc, mở cửa hít hà mùi thơm muôn loài hoa, đặc biệt hoa lan huệ, rồi tận hưởng những ánh nắng ban mai, không khí trong lành tại thiên đường của riêng mình giúp chị có động lực hơn để bước vào guồng quay của công việc đầy áp lực, mệt nhoài ngoài kia.
Chị Lê Thanh Thủy (Hà Nội).
Chị Thủy đang sở hữu khu vườn trước và sau nhà với diện tích 100m2.
Khu vườn đẹp hút hồn tại khu biệt thự Hoa Sữa, Long Biên
Chị Lê Thanh Thủy sinh sống trong khu biệt thự Hoa Sữa ở Long Biên đang sở hữu khu vườn hoa lan huệ khiến ai cũng phải trầm trồ. Mặc dù bận rộn với công việc cơ quan nhưng chị vẫn không quên dành thời gian chăm sóc những gốc cây, luống hoa trong ngôi nhà nhỏ.
Chia sẻ về "thiên đường" của mình, chị Thủy cho biết, hiện nay khoảng sân vườn ở trước và sau nhà rộng 100m2 của gia đình đang được chị tận dụng tối đa để trồng các loại hoa mà mình thích.
Tuy khó đếm hết các loại cây trong vườn nhưng những loại cây chị trồng nhiều nhất có thể kể đến là hoa lan huệ, hoa lan, hoa dạ yến thảo, hoa hồng và các loại hoa theo mùa. Bên cạnh đó, chị còn trồng cây ăn trái như mít, bưởi, cây thế bonsai: tùng, khế, ổi, hoa giấy, tường vi,… hay một số loại cây chơi lá, vườn đứng mini.
Những góc thơ mộng trong khu vườn của chị Thủy.
Sở hữu nhiều loại hoa đẹp, thế nhưng trong muôn vàn cây hoa đua nở ấy, loài hoa mà chị thích nhất lại là hoa lan huệ. Chị bảo, nếu như hoa violet, sao nháy là 2 loại hoa gắn với chị nhiều kỉ niệm tuổi thơ thì hoa lan huệ lại là loại hoa cuốn hút chị nhất thời điểm hiện tại.
Chính bởi vậy, từ năm 2012, chị bắt đầu bắt tay vào trồng củ lan huệ nội đầu tiên. Trải qua 5 năm chăm sóc, gắn bó với loài hoa này, đã có lúc khu vườn nhỏ nhà chị chật kín 300 gốc hoa lan huệ với gần 100 loại khác nhau.
Và rồi khi ngắm hoa nở, mình cảm giác như đang được ngắm một cô gái đẹp quyến rũ, càng ngắm càng thấy cuốn hút.
“Có rất nhiều loại lan huệ mang hình dáng, màu sắc, cỡ hoa và hương thơm khác nhau, mỗi loại có tên gọi riêng khác nhau: Marilyn, Elvas, Papilio, Dancing Queen, Flamenco Queen,... loại củ nội: củ Gáo, Hồng đào, Hồng mai, Tuyết Thanh,... còn rất nhiều loại khác thật khó để kể hết.
Khi những bông lan huệ đâm chồi nụ, mình cảm thấy rất vui sướng vì được ngắm những chồi nụ lớn lên từng ngày giống như mình háo hức chờ đợi được gặp mặt và hội ngộ những người bạn sau gần 1 năm xa cách vậy.
Đặc biệt, với những mã củ mới thì càng háo hức chờ đợi ngày gặp mặt hơn với bao câu hỏi chờ được trả lời: Không biết bạn Huệ này có xinh như ảnh quảng cáo không? Màu có lên đẹp chuẩn, hoa có là loại chuẩn như mình đã chọn hay không?", chị Thủy tâm sự.
Hoa lan huệ cuốn hút với hương sắc đa dạng.
Cách trồng hoa lan huệ nở rực rỡ của mẹ Hà Thành
Ngắm nhìn khu vườn rực rỡ sắc màu của chị Thủy, nhiều người sẽ nghĩ chị đầu tư khá nhiều chi phí để xây dựng khu vườn như thiên đường này. Thế nhưng, theo chị Thủy, chi phí xây dựng khu vườn, đầu tư mua hoa lan huệ không quá tốn kém, chỉ cần đầu tư một lần.
“Chậu và củ hoa chỉ cần đầu tư một lần, mùa sau mang ra dùng được, chi phí ban đầu mình mua khoảng 200 nghìn/củ hoa ngoại, các củ hoa nội chỉ từ 50-70 nghìn/ củ tùy loại còn chậu trồng và các loại cây khác cộng lại chỉ tầm 300 nghìn/ chậu.
Để tạo những chậu lan huệ đẹp này, ngoài chi phí mua củ hoa, chậu trồng, mình thường nhặt cây cỏ có sẵn trong vườn để kết hợp bởi mình thích phong cách tự nhiên. Bên cạnh đó, mình cũng có nhiều phụ kiện khác để kết hợp nên chậu lan huệ đẹp hơn”, chị Thủy cho hay.
Hoa lan huệ dễ chăm sóc, mỗi năm chỉ có một mùa hoa.
Chia sẻ thêm, chị Thủy cho biết, hoa lan huệ có nhiều loại nên năm nào chị cũng nạp thêm vào bộ sưu tập của mình những loại chưa được sở hữu. Vì loài hoa này dễ chăm sóc nên theo chị, điều quan trọng nhất khi trồng chỉ cần tránh cho củ bị thối úng, lúc đó độ bền của hoa sẽ từ 5-10 ngày tùy vào thời tiết nắng nóng hay mát lạnh.
“Sau khi hết mùa hoa, mình vẫn trồng và chăm bón cho củ đủ dinh dưỡng để cho hoa mùa sau. Để củ huệ ra hoa vào dịp Tết, mình thường xử ép củ bắt đầu từ cuối tháng 8, đến giữa tháng 9 âm lịch. Một trong những công đoạn khi ép huệ ngủ đông là nhổ củ lên khỏi chậu đất, cắt lá sát cách cổ củ tầm 1cm”, chị Thủy cho biết cách ép để ra hoa đúng dịp.
Chăm sóc hoa lan huệ cần tưới, bón đúng cách cho củ phát triển đủ dinh dưỡng.
Chị kể, thời gian đầu vì chưa có kinh nghiệm nên chị đã cắt hết lá và cắt nhầm cả nụ hoa vừa nhú đi. Bao công sức chăm bẵm chỉ sơ xuất một chút đã khiến chị tiếc ngẩn tiếc ngơ, phải đến năm sau mới được ngắm hoa.
“Lan huệ là loại hoa vô cùng dễ tính nên khi trộn chất trồng, mọi người không cần cho nhiều đất, chỉ cần thoát nước và làm đất tơi xốp tránh bị úng gây thối rễ, thối củ. Để lan huệ ra hoa đẹp, mọi người cần chăm sóc, tưới, bón đúng cách cho củ hoa phát triển đủ dinh dưỡng để cho ra những bông huệ khỏe, đẹp, chuẩn trong mùa sau.
Ngoài ra, để có những bông hoa đẹp, mọi người cũng cần chú ý tạo điều kiện phát triển bộ rễ cho những củ mới.
Thời tiết cũng quan trọng, có thể ảnh hưởng đến màu sắc, độ bền của hoa, nếu thời tiết nắng nóng quá làm hoa biến màu, nhanh tàn. Còn củ hoa yếu sẽ làm bông hoa bị biến dạng, không chuẩn form”, chị Thủy tư vấn cách chăm sóc hoa lan huệ.
Thời tiết có thể ảnh hưởng đến màu sắc, độ bền của hoa.
Chị Thủy cho biết, chị thích hoa lan huệ chỉ đơn giản vì vẻ đẹp cuốn hút, quyến rũ, hương sắc đa dạng và đặc biệt dễ chăm sóc. Và sự cuốn hút của loài hoa này khiến chị phải lòng lúc nào không hay, luôn cảm thấy nhớ nhung chúng.
Củ hoa yếu sẽ làm bông hoa bị biến dạng, không chuẩn form.
Để có những bông hoa đẹp, mọi người cũng cần chú ý tạo điều kiện phát triển bộ rễ cho những củ mới.
Khu vườn nhà chị không chỉ tràn đầy sắc màu của hoa lan huệ mà còn tràn ngập sắc màu của hoa hồng, dạ yến thảo, hoa lan,...