Từ khi lấy chồng sang Mỹ, Tết Nguyên Đán năm nào, chị Trang cũng cố gắng trang trí nhà, làm mứt dừa và có một chiếc bánh tét để nguôi nỗi nhớ Tết quê hương.
Cùng hòa chung không khí đón Tết Nguyên Đán ở Việt Nam, là một người con xa quê, chị Nguyễn Trang (SN1990) cũng cố gắng sắm sửa trang trí một chút cho không gian nhỏ nhà mình tràn ngập mai, mứt dừa và bánh Tét để đón Tết Việt.
Chị Nguyễn Trang trong không khí đón Tết Nguyên Đán Việt.
Sinh ra và lớn lên ở Cần Thơ, sau khi kết hôn, chị Trang cùng ông xã người Mỹ sang bang California sinh sống. Những ngày đầu sang đây sinh sống, nhớ quê hương, không ngày nào là chị không khóc. Đặc biệt, cái Tết đầu ở bên Mỹ, nhìn qua internet không khí mọi người ở nhà, chị lại khóc vì nhớ.
“Mình nhớ hoài năm đầu sang đây, 6 tháng đầu mình nhớ nhà, nhớ Việt Nam, mình khóc hoài. Tết đến là nhớ nhà da diết luôn.
Mình thèm cái không khí Tết ở quê mình lắm, vì nhà mình ngay bờ sông nên đến Tết là ghe tàu chở hoa chạy qua lại trước nhà mỗi ngày vui lắm. Qua đây ban đầu chỉ toàn ở nhà nên nghĩ đến Tết là buồn nhiều lắm.Tối ngày nhìn qua cửa sổ, trời mà âm u mưa cái nữa là mình khóc ngon lành luôn”, chị Trang tâm sự.
Một số hình ảnh trang trí nhà đón Tết Kỷ Hợi 2019 của chị Trang ở Mỹ, tuy đơn giản nhưng ấm áp yêu thương.
Chị Trang kể, chị nhớ Tết hồi nhỏ của mình, cảm giác nôn nao được mặc áo mới, được đi chúc Tết nhận lì xì. Mỗi năm Tết đến, chị lại được về quê ngoại, nhà ngoại đông bà con nên được nhiều lì xì, được ăn bánh mứt và dưa hấu. Tuy đơn giản vậy thôi nhưng Tết trong chị đến khi lớn nhớ lại vẫn tràn ngập niềm vui.
Chị còn nhớ cha mẹ đến Tết sẽ treo pháo lên đốt rồi chị sợ tiếng pháo ấy nên chạy tít sau nhà trốn.
Tuy Tết bây giờ không còn vui như ngày trước, hơn nữa chị phải lo cho gia đình, bận rộn với công việc hơn nhưng mỗi lần Tết đến ở Mỹ chị lại nhớ những kỷ niệm đong đầy yêu thương đó.
Mâm cơm đơn giản của chị bên Mỹ nhưng vẫn đầy đủ món ăn đặc trưng ngày Tết Việt Nam như bánh tét, thịt kho, mứt dừa.
Ở Mỹ, ngoài trồng một vườn cây ăn quả Việt sum xuê trái rộng 4000m2, mỗi năm khi Tết đến, dù phải đi làm, chị vẫn tranh thủ chuẩn bị mâm cơm, trang trí nhà cửa đón Tết giống như ở Việt Nam. “Tết năm nay, dù phải đi làm sáng nhưng mình đã tranh thủ nấu bữa cơm đơn giản để thắp hương cúng ông bà.
Tết đến, ông xã lại tranh thủ chở mình và con trai Kaden đi chùa. Lúc trước mình chưa đi làm, anh mua vé cho chị về ăn Tết với gia đình”, chị Trang chia sẻ.
Dù vội vã chị vẫn gắng mua cành mai, làm bữa cơm cúng ông bà.
Chị Trang bảo, năm nào không về Việt Nam đón Tết cùng gia đình được chị lại cố gắng dành chút thời gian trang trí trong nhà, nấu vài món ăn truyền thống để có không khí Tết như ở Việt Nam cho vơi bớt nỗi nhớ nhà.
Cũng may ở Mỹ mua đào và mai không khó, chị chỉ cần lái xe lên khu Phước Lộc Thọ khoảng 1,5 giờ, trên đó có chợ Tết như ở Việt Nam nên chị có thể dễ dàng mua được những đồ trang trí Tết về bày biện cho không gian nhỏ nhà mình.
“Ngoài trang trí nhà, năm nào mình cũng có bánh tét, dù không gói nhưng có năm mình mua ủng hộ bạn, có năm ở chỗ làm tặng hoặc bạn bè tặng nữa. Vậy cũng đỡ nhớ nhà hơn được chút xíu”, chị Trang cười.
Ở Mỹ chỉ cần đi xe 1,5 giờ chị có thể đến khu chợ mua được những đồ trang trí nhà giống ở Việt Nam ngày Tết.
Tuy đón Tết Nguyên Đán ở Mỹ không to bằng ở Việt Nam, đã nhiều lần chị Trang buồn khi thèm nhớ đến Tết Việt nhưng nó cũng giúp chị tận hưởng một phần và cảm thấy ấm lòng hơn trong dịp sum vầy này.
Mứt dừa, mứt cam, mứt bí... được chị làm cẩn thận, đẹp mắt.
Mâm ngũ quả cúng đêm giao thừa.
Cả dưa cà cũng được chị muối sao cho giống vị quê.