Để bảo vệ trẻ, tránh tình huống con bị kẻ xấu lợi dụng, bắt cóc thì bố mẹ tuyệt đối không nên mắc sai lầm hay lơ là trong việc giáo dục con về vấn đề này.
Nạn bắt cóc trẻ em đang trở thành một vấn đề đáng lo ngại và cần được xem xét một cách nghiêm túc trong thời đại hiện nay. Trên khắp thế giới, trẻ em đang phải đối mặt với nguy cơ bị bắt cóc và chịu những hậu quả nghiêm trọng từ việc này.
Hình thức bắt cóc trẻ em hiện nay trở nên ngày càng đa dạng và tinh vi hơn. Điển hình là các vụ bắt cóc với mục đích buôn bán trẻ em, bắt cóc để yêu cầu tiền chuộc hoặc thực hiện các hoạt động tội phạm, và cả việc lạm dụng tình dục trực tuyến. Các tội phạm này không chỉ gây tổn thương về thể xác mà còn ảnh hưởng đến tâm lý và sự phát triển toàn diện của trẻ.
Mới đây nhất, vụ bé trai 10 tuổi ở Quảng Châu, Trung Quốc bị bắt cóc trên đường đi học về, và gia đình cậu bé đã bị kẻ xấu đòi 500 nhân dân tệ (khoảng 1 tỷ rưỡi VNĐ) tiền chuộc đã khiến nhiều người chưa hết hoang mang và lo lắng. Cụ thể Tiểu Vũ sống với ông bà nội, còn bố mẹ thì đi làm ở xa.
Bình thường, cậu bé vẫn sẽ tự đến trường và về nhà sau khi tan học. Quãng đường từ nhà đến trường cũng không quá xa. Tuy nhiên ngày thường Tiểu Vũ sẽ đi học và trở về nhà cùng một số bạn học khác. Thế nhưng hôm đó, Tiểu Vũ lại xin cô giáo tan trường sớm để về chăm sóc bà bị ốm, vậy nên cậu bé đã một mình đi về.
Có vẻ như kẻ bắt cóc đã theo dõi Tiểu Vũ từ lâu, biết được lịch trình di chuyển của cậu bé nên đã lên kế hoạch kỹ lưỡng từ trước. Chờ đợi ở con đường Tiểu Vũ thường đi học về, để tận dụng cơ hội thực hiện hành vi bắt cóc trẻ em. Bất ngờ bị người lạ tấn công, trên đường lúc đó lại vắng người, Tiểu Vũ còn là đứa trẻ nhỏ nên không thể kháng cự, hay cầu cứu ai. Vậy là cậu bé đã nhanh chóng bị kẻ xấu bắt đi.
Sau đó thì nhiều người cũng có thể đoán được diễn biến như thế nào? Bọn bắt cóc đã liên lạc với gia đình Tiểu Vũ và đòi tiền chuộc, nếu như muốn cậu bé được thả ra, an toàn trở về nhà.
Ảnh minh hoạ.
Vụ việc xảy ra như một hồi chuông cảnh tỉnh dành cho nhiều gia đình, nhắc nhở những ông bố bà mẹ cần sát sao hơn trong quá trình giáo dục con cái, trang bị cho con các kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ bản thân. Bởi vì đó là những hành trang vô cùng quan trọng mà bất kỳ đứa trẻ nào cũng cần phải mang theo trên chặng đường trưởng thành.
Với mong muốn chia sẻ góc nhìn, những quan điểm của bản thân trong vấn đề được nhiều bố mẹ, cũng như xã hội hiện nay quan tâm. Từ đó, giúp các bậc phụ huynh có thêm kiến thức, cũng như những phương pháp dạy con tránh nạn bắt cóc trẻ em. Chuyên gia tâm lý Nguyễn Ngọc Vui đã có những chia sẻ vô cùng thú vị và bổ ích dưới đây.
Thạc sĩ Tâm lý, Giảng viên Khoa Tâm lý học, Trường Đại học KHXH&NV ĐHQG - TP.HCM.
Dạo gần đây, nhiều vụ bắt cóc trẻ em đang xảy ra gây rất nhiều lo lắng cho các bậc phụ huynh. Thưa chuyên gia, đâu là những kiểu trẻ dễ bị đối tượng xấu để ý đến? Vì sao?
Đầu tiên là những kiểu trẻ được bố mẹ trưng diện vẻ bề ngoài, với quần áo, trang sức xịn sò, đắt tiền thì thường sẽ dễ bị đối tượng xấu để ý. Bởi vì chủ đích chính của nhiều đối tượng bắt cóc trẻ em là muốn tống tiền từ gia đình đứa trẻ.
Kiểu trẻ thứ hai sẽ là những đứa trẻ một mình đi đến trường, đi chơi hoặc một mình ở nhà. Đối với trẻ có bố mẹ luôn bên cạnh thì dĩ nhiên những kẻ xấu sẽ không có cơ hội để thực hiện hành vi sai trái. Tuy nhiên, nếu quan sát thấy lịch trình của một đứa trẻ nào đó thường xuyên đi một mình bên ngoài, thì ngay lập tức đối tượng bắt cóc sẽ lên kế hoạch và lựa chọn các thời điểm, đoạn đường vắng người để tiến hành ý đồ xấu.
Kiểu trẻ thứ ba là trẻ có tính cách rụt rè, hay sợ hãi và thu mình lại, ít tương tác với mọi người xung quanh. Vì những điểm yếu này, trẻ sẽ rất dễ thu hút đối tượng xấu, bị chúng lợi dụng hoặc đe doạ. Tuy nhiên vì không đủ sự mạnh mẽ, nên các kỹ năng tự bảo vệ bản thân không được trẻ áp dụng tốt, chẳng hạn như la lên hoặc nhờ người khác giúp đỡ.
Trẻ rơi vào tình huống bị bắt cóc, thường sẽ dễ xảy ra những diễn biến tâm lý như thế nào?
Trong tình huống trẻ bị bắt cóc, tuỳ theo từng độ tuổi, giới tính và đặc thù cá nhân thì trẻ sẽ có những diễn biến tâm lý khác nhau. Nhưng biểu hiện chung đầu tiên thường là đứa trẻ sẽ bị sốc, giật mình và đơ người ra, như đúng với cơ chế hoạt động của cảm xúc, tinh thần con người. Lúc này vì quá đột ngột, bất ngờ bị kẻ xấu tấn công, nên trẻ sẽ không kịp phản ứng la hét hay cầu cứu.
Tuy nhiên sau khi định hình lại, những phản ứng chống đối, la hét hay khóc lóc sẽ được bộc lộ. Tiếp theo đó trong khoảng thời gian bị kẻ bắt cóc giam giữ, tâm lý của trẻ sẽ rơi vào khủng hoảng, bất lực và sợ hãi, mất bình tĩnh. Dù được giải cứu thành công, thì tâm lý của trẻ hậu bắt cóc cũng sẽ bị sang chấn nghiêm trọng, dẫn đến tình trạng sợ hãi con người.
Độ tuổi càng nhỏ thì những khủng hoảng và ảnh hưởng tâm lý từ tình huống xấu này sẽ càng nặng nề hơn, vết hằn trong tâm trí sâu hơn và những tổn thương sẽ kéo dài bền bỉ hơn.
Tại thời điểm con bị bắt cóc, bố mẹ nên phản ứng ra sao là tốt?
Tuỳ vào tình hình, hoàn cảnh lúc đó mà bố mẹ sẽ có những phản ứng khác nhau, chẳng hạn như xem xét đến vấn đề bố mẹ nghe tin này từ đâu, từ trực tiếp kẻ bắt cóc hay thầy cô, hàng xóm xung quanh báo lại? Bố mẹ có nắm được tình hình của con đang như thế nào hay không?
Tuy nhiên, có một "mẫu số chung" là chắc chắn mọi ông bố bà mẹ đều sẽ phải giữ được sự bình tĩnh. Trong tình huống rất dễ mất bình tĩnh như thế này mà bố mẹ càng không điều khiển được cảm xúc của mình, thì sẽ càng rơi vào khủng hoảng, làm cho mọi chuyện rối ren, nghiêm trọng và bế tắc hơn.
Sau khi ổn định được cảm xúc, bố mẹ sẽ phải cùng nhau đánh giá tình hình để lường trước những trường hợp có thể xảy ra, và những mối nguy hiểm đang đe doạ đến sự an toàn của con. Chỉ khi xem xét kỹ lưỡng, không bồng bột thì bố mẹ mới có thể đưa ra hướng giải quyết phù hợp và đúng đắn nhất.
Những sai lầm phổ biến nào của bố mẹ khiến con cái dễ rơi vào tình huống nguy hiểm này? Chuyên gia có thể "mách" bố mẹ cách để phòng tránh con bị bắt cóc không?
Sai lầm đầu tiên mà nhiều bố mẹ thường mắc phải là cho con mặc những bộ quần áo, hay trang sức có giá trị đắt đỏ ra ngoài, nhưng lại không có sự đồng hành của người lớn bên cạnh, khiến trẻ vô tình rơi vào tầm ngắm của những đối tượng bắt cóc trẻ em.
Sai lầm thứ hai là bố mẹ quá chủ quan, nghĩ rằng con đã đủ vững vàng, trưởng thành để có thể tự làm mọi thứ một mình khi rõ ràng rằng, độ tuổi của con là chưa phù hợp. Chẳng hạn như trẻ dưới 12 tuổi, bố mẹ thường xuyên để trẻ tự do di chuyển một mình từ nhà đến trường, ỷ y trường gần nên không quá chú ý đến con. Tuy nhiên bố mẹ lại không lường trước được việc con đã bị kẻ xấu theo dõi từ lâu, và đang chờ thời cơ thích hợp, lợi dụng kẽ hở để thực hiện ý đồ xấu.
Trước tình huống này, bố mẹ cần phải biết rằng, "phòng bệnh hơn chữa bệnh". Bố mẹ nên hướng dẫn, trang bị cho trẻ những kiến thức và kỹ năng cần thiết về vấn đề này, để con biết cách tự bảo vệ bản thân, khi rơi vào trường hợp bị bắt cóc thì con sẽ có những phản ứng phù hợp và khôn ngoan.
Một điều quan trọng là bố mẹ cần phải hết sức thận trọng trong việc cho phép con tự do đi lại, di chuyển hoặc làm việc gì đó một mình với tần suất thường xuyên, để tránh vô tình đẩy con vào tầm ngắm của các đối tượng có hành vi trái pháp luật.